Chìa khóa giúp hình thành thói quen và kỹ năng đọc cho học sinh

Đọc sách không chỉ mở rộng chân trời tri thức mà còn gieo mầm giá trị sống, góp phần hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ. Thế nhưng, trong nhịp sống hiện đại, văn hóa đọc trong học đường dường như vẫn còn nhiều khoảng trống.

Việc các nhà trường chủ động xây dựng hệ sinh thái đọc sách không chỉ là một bước đi cần thiết mà còn là hành trình yêu thương, nuôi dưỡng thói quen đọc - thói quen quý báu sẽ theo học sinh suốt đời. Khi việc đọc sách hiện diện trong từng lớp học, tri thức sẽ được lan tỏa, chạm đến trái tim cộng đồng.

Việc tăng cường tiết đọc, tiết thư viện tại trường học giúp tạo thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Ảnh: NHẬT MAI

Việc tăng cường tiết đọc, tiết thư viện tại trường học giúp tạo thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Ảnh: NHẬT MAI

Tiết đọc có, nhưng chưa đủ

Đọc sách là một trong những nền tảng quan trọng giúp phát triển tư duy và khả năng rèn luyện cho học sinh. Nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong trường học, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 16/2022/TT-BGDĐT, trong đó quy định rõ việc tổ chức tiết đọc sách trong chương trình chính khóa là tối thiểu 2 tiết/học kỳ/lớp đối với cấp tiểu học; 3 tiết/học kỳ/lớp đối với cấp trung học.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, quy định này là cần thiết nhưng chưa đủ, cần nâng số tiết tối thiểu lên trong bối cảnh hướng tới mục tiêu phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập.

Một trong những rào cản lớn nhất đối với việc phát triển văn hóa đọc hiện nay chính là quỹ thời gian eo hẹp của học sinh. Với chương trình học hiện tại, học sinh khó có thể tham gia được nhiều tiết đọc. Các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong nhà trường vì thế khó duy trì thường xuyên; việc đọc dễ trở nên rời rạc, thiếu định hướng, chưa tạo được sự kết nối sâu sắc với nội dung học tập hay các trải nghiệm thực tiễn.

Em Phan Thành Trung, học sinh lớp 8 Trường THCS Trần Quốc Toản (Ninh Bình) chia sẻ: ”Ở trường có tiết đọc sách nhưng em thấy số buổi không nhiều. Em rất thích đọc sách lịch sử, sách có những câu chuyện khám phá nhưng tần suất dành cho việc đọc chưa được thường xuyên. Em mong rằng sắp tới nhà trường sẽ tăng thêm số lượng tiết đọc sách hoặc có những buổi đọc thật vui, giúp chúng em có thêm động lực và thời gian để đọc được nhiều cuốn hay hơn. Cùng với đó, em hy vọng các tiết đọc sẽ có nhiều hoạt động mang tính sáng tạo, kích thích sự tìm tòi của học sinh qua từng trang sách”.

Cùng chung mong muốn, em Nguyễn Thu Hiền, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) chia sẻ: ”Em mong muốn nhà trường tổ chức thêm tiết thư viện cùng các hoạt động khuyến đọc nhiều hơn nữa. Những hoạt động như vậy không chỉ giúp học sinh mở rộng kiến thức, mà còn hỗ trợ trau dồi kỹ năng sống, giao tiếp, tư duy phản biện; trang bị cho học sinh những hành trang cần thiết để ứng dụng vào cuộc sống một cách tự tin và chủ động”.

Từ tiết đọc sách đến hệ sinh thái tri thức

Thực tế, tiết đọc sách với thời lượng như hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hình thành thói quen và kỹ năng đọc cho học sinh. TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (nay là Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện - Bộ VHTTDL) đánh giá: Để hình thành thói quen đọc cho học sinh, các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong nhà trường phải diễn ra thường xuyên. Nhìn từ bài học của các nước phát triển, việc tăng tiết đọc sách đang trở thành xu hướng chung, giúp các em thêm yêu sách, nâng cao năng lực tự học, tự đọc.

“Văn hóa đọc trong nhà trường có vai trò then chốt trong việc nuôi dưỡng khả năng tự học, tư duy độc lập và sự sáng tạo của học sinh. Trong đó, thư viện trường học chính là môi trường thuận lợi để hình thành và duy trì thói quen đọc sách. Đặc biệt, việc xây dựng văn hóa đọc cần được chú trọng và bắt đầu ngay từ bậc tiểu học để tạo nền tảng vững chắc cho các em. Đây là trách nhiệm của cả nhà trường và phụ huynh. Cùng với đó, nhà trường cần tổ chức được nhiều hoạt động hấp dẫn để thu hút học sinh, sinh viên đến với phong trào đọc sách và văn hóa đọc”, TS Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ.

Trên thực tế, một số trường tại các địa phương đã áp dụng những cách làm hay, sáng tạo để phát triển văn hóa đọc trong học đường và rộng hơn là trong cộng đồng. Theo cô Trần Thị Minh Hậu, giáo viên Trường THPT số 1 TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai), thầy trò nhà trường đã triển khai chương trình Kiến tạo hệ sinh thái đọc sách với mục tiêu xây dựng cộng đồng đọc, nơi tri thức được chia sẻ không ranh giới.

Từ một cuốn sách được truyền tay giữa hai em nhỏ, nhà trường đã hình thành không gian đọc mở, nơi mọi người có thể trao và nhận giá trị từ những trang sách. Những cuốn sách không nằm yên trên kệ mà theo bước chân học trò từ nhà ra lớp, từ trường về bản. Từ đó, hệ sinh thái dần vững, như những sợi chỉ nối liền trong phát triển văn hóa đọc đến cả những vùng còn nhiều khó khăn.

Cô Minh Hậu cho biết thêm, cô và học sinh nhà trường còn xây dựng Kênh cùng bạn đọc sách, nơi các em học sinh tự đọc, thu âm và lan tỏa những trang sách đến với cộng đồng. Mỗi tuần, kênh phát đều đặn 3 số với những nội dung phong phú từ kể chuyện, thơ, văn đến sách giáo dục pháp luật, kỹ năng sống và cả những kiến thức thiết thực với bà con vùng sâu, vùng xa. Kênh hiện tại được phát tại các nhà văn hóa, trên loa của nhiều địa phương trên địa bàn.

Một mô hình khác cũng được thầy, trò Trường THPT số 1 TP Lào Cai triển khai là xây dựng các trạm đọc nơi công cộng. Chỉ sau một năm đi vào hoạt động, số lượng bạn đọc đến đây tăng đều.

Nhiều phụ huynh cùng con đến các trạm đọc để cùng nhau đọc sách, hình thành thói quen văn minh, gắn kết các thành viên gia đình. Thời gian tới, mô hình này sẽ được triển khai đến nhiều không gian công cộng khác để có thêm nhiều người dân sẽ chạm được đến ánh sáng của tri thức.

ĐÌNH TOÁN - THANH MAI

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/xuat-ban/chia-khoa-giup-hinh-thanh-thoi-quen-va-ky-nang-doc-cho-hoc-sinh-155988.html