'Chìa khóa' giúp người dân thoát nghèo bền vững
Ủy ban MTTQ tỉnh vừa giải ngân và trao kinh phí hỗ trợ từ Đề án nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, giai đoạn 2024-2029 (đợt 1) cho 444 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, với tổng số tiền 8,88 tỉ đồng. Mỗi hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng.

Đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh (thứ 6 từ phải sang) và Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Lơ Mô Tu (thứ 6 từ trái sang), cùng lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp trao bảng tượng trưng hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình ở xá Sơn Hội (huyện Sơn Hòa). Ảnh: THÚY HẰNG
Đây không chỉ là hỗ trợ vốn giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập cho người dân, mà còn khơi dậy tính chủ động để các hộ nghèo, cận nghèo tự vươn lên, góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Trao cơ hội thoát nghèo
Vợ mất, ông Nguyễn Ngọc Thái ở thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) một mình nuôi 3 đứa con đang tuổi đến trường nên kinh tế gia đình luôn khó khăn. Ngoài đứa con trai lớn đã tốt nghiệp cao đẳng và đi làm, hiện nay người đàn ông gần 60 tuổi này vẫn đang xoay xở từng đồng để lo cho 2 con đang học đại học. Bên cạnh 3 sào ruộng, ông Thái còn nuôi vài chục con gà. Ông không ngại khó, ngại khổ với công việc, chỉ lo không có nguồn vốn đầu tư để làm. Do đó, khi được Đề án nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, giai đoạn 2024-2029 (gọi tắt là đề án) hỗ trợ 20 triệu đồng để thực hiện mô hình chăn nuôi bò, ông Thái vui mừng khôn xiết. “Vừa qua, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh trực tiếp về xã Hòa Bình 1 trao kinh phí hỗ trợ là tôi mua ngay con bò 18 triệu đồng, số tiền còn lại tôi mua tôn làm chuồng. Có thêm sinh kế từ chăn nuôi bò, tôi nghĩ mình sẽ lo được chuyện ăn học của các con và sớm thoát hộ cận nghèo trong thời gian tới”, ông Thái tự tin nói.
Chồng mất năm 2014, khi chị La Thị Mai ở thôn Tân Lương, xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) chưa đến 35 tuổi, 3 đứa con. Hơn 10 năm qua, bốn mẹ con chị nương tựa vào nhau. Ngoài 8 sào sắn của gia đình, hằng ngày người phụ nữ dân tộc Ba Na này tranh thủ đi làm thêm như nhổ cỏ, chặt mía, bóc vỏ keo... Chị Mai bộc bạch: “Tôi luôn ao ước có bò để chăn nuôi nhưng không có tiền mua. Vì vậy, tôi rất mừng vì được đề án hỗ trợ 20 triệu đồng để chăn nuôi bò. Tôi đã mua con bò đang chửa 15 triệu đồng, số tiền còn lại tôi làm chuồng. Mẹ con tôi sẽ chăm sóc chu đáo cho bò để có thêm nguồn thu nhập”.
Không chọn mô hình chăn nuôi bò như nhiều người, anh La Việt Kiều sinh năm 1995 ở thôn Tân Thành, xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) chọn mô hình nuôi dúi thương phẩm khi nhận được hỗ trợ 20 triệu đồng từ đề án. Anh Kiều chia sẻ: “Tôi lập gia đình với hai bàn tay trắng nên giờ vẫn còn là hộ nghèo. Tôi đã có 1 con bò rồi, nên muốn khởi nghiệp bằng mô hình nuôi dúi thông qua sự hướng dẫn, hỗ trợ của gia đình bà Nguyễn Thị Xuân Nhơn ở cùng xã - là một trong sáu mô hình mà đề án chọn nhân rộng trong đợt 1 này. Chuồng tôi đã làm xong, giờ chờ nhận con giống về nuôi. Tôi rất kỳ vọng sẽ thoát nghèo trong 3 năm tới từ sự hỗ trợ của đề án này”.
Trong đợt 1, Ban quản lý đề án của tỉnh đã giải ngân kinh phí 8,88 tỉ đồng hỗ trợ cho 444 hộ. Cụ thể, huyện Tây Hòa 21 hộ; Sơn Hòa 117 hộ; Tuy An 28 hộ; TX Sông Cầu 22 hộ; TX Đông Hòa 26 hộ; Đồng Xuân 59 hộ; Sông Hinh 88 hộ; Phú Hòa 83 hộ. Các hộ chủ yếu tham gia mô hình nuôi bò sinh sản, bò thương phẩm; nuôi gà thương phẩm, nuôi gà Ai Cập và nuôi dúi giống, dúi thương phẩm.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam (bìa trái) và Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Trần Minh Trí (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra thực tế tại một hộ nghèo được nhận kinh phí hỗ trợ để chăn nuôi bò. Ảnh: THÚY HẰNG
Hướng đến giảm nghèo bền vững
Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Với mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế tái nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; ngày 27/6/2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành đề án.
Xác định đây là giải pháp giúp người dân giảm nghèo bền vững, Ban quản lý đề án đã tiến hành làm việc với các địa phương và các ngành liên quan về khảo sát, xây dựng kế hoạch đề án. Qua triển khai thực hiện cho thấy, đề án đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.
Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Trần Minh Trí chia sẻ: Sự linh hoạt trong cách tiếp cận và đa dạng hóa các mô hình sinh kế của đề án đã mang lại nhiều tác động tích cực cho xã hội; đồng thời sẽ tạo nền tảng vững chắc giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo không chỉ thoát nghèo mà còn có thể phát triển lâu dài, toàn diện và ổn định.
Để đề án phát huy hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương, MTTQ cấp xã phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, điều hành, kiểm tra đánh giá việc triển khai đề án. Đảm bảo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo sau khi thực hiện đề án có việc làm ổn định, thu nhập tăng 20-25%/năm.
Tại các chương trình trao kinh phí hỗ trợ từ đề án, đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã thông tin đến các gia đình về việc làm ý nghĩa, nhân văn cũng như mục tiêu mà đề án đề ra là không chỉ hỗ trợ vốn giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập cho người dân, mà còn giúp người nghèo tự tin hòa nhập cộng đồng, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức: phải cố gắng sản xuất, chăn nuôi, không trông chờ ỷ lại, tự lực vươn lên thoát nghèo, hạn chế được tối đa lao động trong độ tuổi chưa có việc làm phù hợp, tranh thủ thời gian nông nhàn để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện thu nhập một cách bền vững.
Từ nguồn hỗ trợ này, các hộ tham gia đề án tự mua con giống, nguyên liệu giống. Kết thúc thời gian triển khai đề án (36 tháng), các hộ được hỗ trợ vốn phải hoàn trả cho đề án 30% số tiền đã hỗ trợ đối với hộ nghèo, 40% số tiền đã hỗ trợ đối với hộ cận nghèo để luân chuyển cho các hộ nghèo, cận nghèo khác.
Để đề án phát huy hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương, đồng chí Trần Hữu Thế lưu ý, sắp đến theo chủ trương bỏ cấp huyện, đề án này giao MTTQ cấp xã phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, điều hành, kiểm tra đánh giá việc triển khai đề án, phối hợp với đơn vị chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân nuôi bò, nuôi dúi; tiếp tục vận động các hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia đề án nghiêm túc, có trách nhiệm để đạt hiệu quả. Đảm bảo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo sau khi thực hiện đề án có việc làm ổn định, chủ động tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để triển khai mô hình, phát triển kinh tế, thu nhập của hộ gia đình tham gia đề án tăng 20-25%/năm.