'Chìa khóa làm giàu' từ sản xuất nông nghiệp hiện đại
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm là 'chìa khóa' để các HTX nông nghiệp chinh phục người tiêu dùng, đảm bảo doanh thu, gia tăng thu nhập cho thành viên.
Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi đang là hướng đi mang lại nhiều giá trị kinh tế cao cho người nông dân tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Với tư duy khác biệt, người nông dân tự tin tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, trở thành điển hình phát triển kinh tế tại địa phương.
Hiệu quả nhờ công nghệ cao
Điển hình có thể kể đến HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền, xã Phú Thành. Không chỉ là điểm tựa cho 7 thành viên chính thức, HTX đang là cầu nối liên kết hơn 100 hộ chăn nuôi vệ tinh trên địa bàn huyện Lạc Thủy.
Nhờ hoạt động ổn định, sản xuất hiệu quả, trung bình mỗi năm doanh thu của HTX đạt khoảng 100 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 5 tỷ đồng. Cùng với đó, HTX giải quyết việc làm cho khoảng từ 40 - 50 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.
Được biết, để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của chuỗi liên kết, HTX Tuấn Chuyền thực hiện cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, đảm bảo bao tiêu đầu ra. Ngược lại, các hộ vệ tinh phải cam kết chăn nuôi theo đúng kỹ thuật chăn nuôi của HTX đã tập huấn.
Hiện, gà thương phẩm của HTX đã có mặt tại các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc... Với 36 máy ấp trứng hiện đại công nghệ Nhật Bản, HTX trung bình 1 tuần cung cấp ra thị trường từ 8 - 10 vạn con gà giống.
Cùng với cung ứng gà giống, HTX còn là địa chỉ cung cấp gà thương phẩm nổi tiếng cả nước. Hiện, HTX có 4 cửa hàng cung cấp gà thương phẩm tại Hà Nội, 2 cửa hàng tại thành phố Hạ Long và 1 cửa hàng tại Lào Cai. Trung bình mỗi cửa hàng tiêu thụ khoảng 2 tấn gà/ngày. Giá bán đối với gà hơi là 130.000 đồng/kg, gà đã sơ chế sạch 165.000 đồng/kg. Ngoài ra, gà thương phẩm của HTX còn được tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm Sói Biển ở Hà Nội.
Tương tự, Mai Sơn là địa phương trọng điểm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Sơn La. Trong đó, trồng cây ăn quả trên đất dốc được huyện coi là mô hình tạo đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, phát huy hiệu quả kinh tế, tạo việc làm bền vững.
Sau gần 5 năm đẩy mạnh các nguồn lực hỗ trợ, lĩnh vực trồng cây ăn quả trên địa bàn Mai Sơn đang có những chuyển biến sâu về khoa học – kỹ thuật. Đặc biệt, với đầu tàu là các HTX, các hộ nông dân trên địa bàn huyện đang tự tin ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, mang lại giá trị vượt trội.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Mai Sơn, toàn huyện hiện có 5 HTX trồng cây ăn quả trên tổng diện tích hơn 390 ha. Trong đó, có 4 HTX sản xuất quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, có ứng dụng một phần công nghệ cao, với tổng diện tích khoảng 42 ha.
Hiện thực hóa chính sách hỗ trợ
Thành công của các HTX điển hình cho thấy nếu có sự chủ động, tích cực học hỏi đồng thời nhận được sự hỗ trợ đúng mức từ cơ quan chức năng, địa phương, thì việc ứng dụng công nghệ cao vào các HTX để nâng cao giá trị sản xuất là câu chuyện hoàn toàn khả thi.
Bộ NN&PTNT cho biết thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2022-2030, ngành sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Từ đó, góp phần đưa tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt trên 20%, đến năm 2030 đạt 30%, thúc đẩy tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7-8%/năm.
Để hoàn thành mục tiêu trên, vai trò của các HTX là không thể phủ nhận. Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, cả nước đang có hơn 2.200 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chiếm 12% tổng số HTX nông nghiệp), trở thành điểm tựa vững vàng, tạo thu nhập ổn định cho hàng triệu thành viên, nông dân liên kết và người lao động.
Dư địa phát triển của các HTX nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những tiềm năng, cần tích cực tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại.
Theo thống kê, cả nước mới có 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được các địa phương công nhận, 51 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ NN&PTNT công nhận.
Thực tế cho thấy, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp, HTX về cơ bản vẫn còn có quy mô nhỏ. Mặt khác, hầu hết các địa phương cũng chưa có cơ chế về quy trình, thủ tục hướng dẫn các định mức kỹ thuật chi tiết theo danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp… cho người dân, HTX, nên hiệu quả chưa như mong đợi.
Theo đó, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ HTX, doanh nghiệp ở các vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung có đủ điều kiện được áp dụng mô hình nông trại điện tử, đồng thời tham gia hệ thống quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt. Hỗ trợ phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động chăn nuôi, trồng trọt công nghệ cao.
Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các HTX, doanh nghiệp, nông dân cần tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư, sử dụng hệ thống sản xuất hiện đại, nắm bắt công nghệ mới trong các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, trồng trọt, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường... qua đó thúc đẩy phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững.