'Chìa khóa' làm lại cuộc đời

Cùng với việc giáo dục, cảm hóa, Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) còn chú trọng công tác dạy nghề cho phạm nhân. Điều này giúp các phạm nhân sau khi chấp hành án xong có cơ hội tìm việc làm, ổn định cuộc sống, tránh sa chân vào con đường tội lỗi.

Gần 10 giờ sáng tại khuôn viên của trại giam, các phạm nhân đang theo từng nhóm chăm chú học thực hành nghề xây dựng. Dưới sự hướng dẫn của các thầy, các phạm nhân miệt mài thực hành từng thao tác trộn hồ, xây, trát tường...

Mỗi người một công việc, ai cũng chăm chút, tỉ mỉ với hy vọng tìm thấy một lối đi mới từ những lỗi lầm trong quá khứ.

Trung tá Nguyễn Văn Quỳnh, Đội trưởng đội Kế hoạch, hướng nghiệp, dạy nghề và xây dựng, Trại giam Gia Trung dẫn chúng tôi đến gặp anh Nguyễn Minh Hòa (ngụ TX.Ayun Pa, Gia Lai), một trong những phạm nhân lành nghề, cải tạo tốt của lớp nghề xây dựng.

Phạm nhân thực hành nghề xây dựng.

Phạm nhân thực hành nghề xây dựng.

Lúc ở ngoài xã hội, anh Hòa học đến lớp 12, không có nghề nghiệp ổn định nên mới phạm tội. Vào đây, được cán bộ trại giam cho tham gia lớp học nghề xây dựng.

Khi tham gia lớp học nghề, anh Hòa thấy mình phù hợp với nghề này. Học lý thuyết xong là được các thầy cầm tay chỉ việc nên anh Hòa tiếp thu rất nhanh. Theo anh Hòa, nghề xây dựng tuy vất vả nhưng dễ tìm việc, thu nhập cũng khá.

“Từ khi theo học nghề, tôi cũng tìm thấy niềm vui, dần quên đi nỗi buồn, sự chán nản và hy vọng sớm có ngày về đoàn tụ với gia đình. Bây giờ, tôi là một trong những học viên đọc được bản vẽ thi công, hiểu được các kết cấu công trình xây dựng, xây trát đều rất thành thạo. Các thầy còn đánh giá, sau này được ra tù, tôi có thể trở thành thợ chính”, anh Hòa phấn khởi chia sẻ.

Anh Nguyễn Quang Phúc (ngụ H.Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đang thụ án 6 năm, sau khi tham gia lớp học nghề do Trại giam Gia Trung phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai đã có trong tay chứng chỉ sơ cấp nghề xây dựng.

Anh Phúc kể, hồi mới vào trại giam, mình nghĩ không biết sau này trở về sẽ làm gì để có thể lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình khi ra tù. Năm 2024, khi trại phổ biến thông tin về việc mở lớp dạy nghề xây dựng, mình đã đăng ký nguyện vọng ngay. Sau khi học xong, mình được cấp chứng chỉ nghề sơ cấp loại giỏi.

“Từ khi có được chứng chỉ nghề sơ cấp, mình mừng thầm và tự nhủ, đây chính là cơ hội để làm lại từ đầu. Hy vọng rằng với tay nghề, mình có thể kiếm sống lương thiện và tránh xa những cám dỗ sai lầm.

Mình dự định sau khi chấp hành xong án phạt sẽ xin đi làm trong các đội thợ xây một thời gian. Khi đã có kinh nghiệm, mình muốn tự mình thành lập một đội thợ để nhận các công trình nhỏ ở địa phương".

Học chữ và dạy nghề cho phạm nhân được Trại giam Gia trung chú trọng.

Học chữ và dạy nghề cho phạm nhân được Trại giam Gia trung chú trọng.

Từ năm 2020 đến 2024, Trại giam Gia Trung đã phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức dạy nghề cho 18 lớp với 620 phạm nhân.

Tất cả các phạm nhân sau khi học nghề đa phần đều xếp loại khá, giỏi. Sau khi học, các phạm nhân được cấp chứng chỉ để sau này chấp hành án xong có thể đi tìm việc làm.

Dự kiến trong năm 2025, Trại giam Gia Trung sẽ mở 7 lớp học nghề cho 245 phạm nhân.

Trung tá Nguyễn Văn Quỳnh cho biết, hiện nay, Trại giam Gia Trung phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai mở các lớp dạy nghề như: may công nghiệp; xây dựng; trồng rau sạch; kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su ….

Những nghề này sát với nhu cầu đời sống xã hội thực tế bên ngoài, cũng như nơi thường trú của các phạm nhân.

Theo Trung Tá Quỳnh, thời gian qua, việc đẩy mạnh đào tạo nghề cho phạm nhân tại Trại giam Gia Trung đã góp phần tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Đặc biệt, tạo điều kiện về tâm lý lao động phù hợp cho phạm nhân, nâng cao thái độ chấp hành cải tạo.
Phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù cũng có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm tội.

Chí Dũng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhip-song/chia-khoa-lam-lai-cuoc-doi_176210.html