'Chìa khóa' phòng ngừa, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thông qua hoạt động môi giới mua, bán bất động sản, làm giả giấy tờ, giả danh cơ quan thực thi pháp luật, kêu gọi đầu tư, xin việc làm, thuê xe ô tô mang đi cầm cố, sử dụng công nghệ cao, lợi dụng tình cảm yêu đương... là những thủ đoạn tinh vi các đối tượng sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) của người dân, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, cần có giải pháp đồng bộ để xử lý nghiêm.

Tháng 5.2022, Nguyễn Thị Huyền, sinh năm 1984, trú tại xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) đến thành phố Hà Giang thuê nhà để kinh doanh, buôn bán. Vì cần tiền chi tiêu và trả nợ, Huyền nảy sinh ý định vay tiền của nhiều người bằng thủ đoạn đưa ra thông tin giả là hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu, đang cần tiền thu gom hàng ở các tỉnh để xuất khẩu, khi có lợi nhuận sẽ chia phần cho người góp vốn. Với thủ đoạn này, Huyền đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh với số tiền hơn 70 tỷ đồng. Ngày 23.10.2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thị Huyền về hành vi LĐCĐTS. Đây là một trong số các vụ LĐCĐTS điển hình với số tiền lớn đang được các cơ quan chức năng xử lý, là lời cảnh báo đanh thép cho người dân cần cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng.

Một phiên tòa xét xử bị cáo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một phiên tòa xét xử bị cáo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những năm trước đây, tình hình tội phạm LĐCĐTS trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; trung bình hàng năm phát hiện trên 20 vụ, tập trung tại địa bàn: Thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, Bắc Quang. Nguyên nhân chủ yếu do sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và lòng tham, mất cảnh giác của một bộ phận người dân; việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, không gian mạng, đất đai, công chứng... chưa chặt chẽ; hình thức phạm tội ngày càng biến tướng, tinh vi, khó phát hiện.

Để ngăn ngừa, xử lý tội phạm LĐCĐTS, ngày 25.5.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21 chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động LĐCĐTS với mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong sở hữu tài sản. Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 21, với nhiều giải pháp đồng bộ, tình hình tội phạm LĐCĐTS trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, số vụ phạm tội giảm qua từng năm, nhiều vụ việc được xử lý dứt điểm, nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân được nâng lên.

Qua công tác tuyên truyền, vận động, quần chúng nhân dân đã cung cấp trên 3.000 tin báo có giá trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chuyển cho các cơ quan, lực lượng chức năng xử lý, giải quyết; các cấp, ngành duy trì hoạt động hiệu quả 587 mô hình tự quản, 2.082 tổ tự quản về an ninh trật tự tại thôn, tổ dân phố và 271 mô hình “Dân vận khéo” trong lực lượng Công an; các kênh tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm duy trì hoạt động 24/24 giờ. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện, ngành nghề kinh doanh thường bị các đối tượng hoạt động LĐCĐTS lợi dụng; chủ động phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi LĐCĐTS. Từ tháng 5.2020 - 5.2023, cơ quan chức năng đã điều tra, làm rõ, khởi tố 35 vụ/35 bị can, trong đó 6 vụ/6 bị can LĐCĐTS thông qua hoạt động môi giới, mua, bán bất động sản; 5 vụ/5 bị can làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 6 vụ/6 bị can giả danh người có chức vụ, quyền hạn lừa xin việc làm để nhận tiền rồi chiếm đoạt; 5 vụ/5 bị can thuê xe ô tô sau đó mang đi cầm cố chiếm đoạt tài sản; 1 vụ/1 bị can sử dụng điện thoại thông minh thay đổi giọng nói, lợi dụng tình cảm yêu đương để LĐCĐTS và 12 vụ/12 bị can sử dụng các phương thức, thủ đoạn khác.

Hiện nay, tình hình tội phạm LĐCĐTS tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, biến tướng khó phát hiện hơn, đặc biệt hoạt động lừa đảo trên không gian mạng. Các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 21; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức; rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện, các ngành nghề dễ phát sinh hoạt động LĐCĐTS; chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện và có biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư an ninh, an toàn; thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; đặc biệt người dân cần cảnh giác cao độ trước các hành vi, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng để tự bảo vệ tài sản của chính mình.

Bài, ảnh: AN GIANG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/phap-luat/202311/chia-khoa-phong-ngua-xu-ly-toi-pham-lua-dao-chiem-doat-tai-san-9bd61f3/