'Chìa khóa' phục hồi và tăng trưởng
Trước những thách thức của dịch Covid-19 và khó khăn của nền kinh tế, Hải Dương nhận thấy nâng cao tay nghề, cải thiện năng suất lao động chính là 'chìa khóa' để thích ứng linh hoạt và phát triển bền vững.
Năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo nghề.
Đầu tư cho nhân lực
Ông Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội dẫn chứng: “Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ của Hải Dương năm 2022 đạt 31,5%, vượt 3,2% so với mục tiêu đề ra, tăng hơn 1% so với năm 2021. Điều này cho thấy vai trò của người lao động (NLĐ); lao động có trình độ và tay nghề ngày càng được tỉnh cũng như các doanh nghiệp quan tâm. Nhận thức của người dân, nhất là NLĐ về học nghề cũng đã thay đổi nhiều so với trước”.
Để nhân lực của Hải Dương bắt kịp “chuyến tàu” cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trước hết cần có sự thay đổi về chính sách. Năm 2022, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030". Tỉnh cũng gấp rút triển khai Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp thì đây là bước đi cần thiết giúp Hải Dương nắm bắt cơ hội của thời kỳ dân số vàng, tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư và tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động có kỹ năng và năng suất. Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc điều hành vùng châu Á, Thái Bình Dương, Công ty TNHH Prettl nhận định: "Nhiều người cho rằng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì máy móc sẽ đảm nhận nhiều công đoạn sản xuất và NLĐ sẽ bị ra rìa nhưng có thể khẳng định máy móc không thể thay thế hoàn toàn con người, nhất là những lao động có trình độ, được đào tạo bài bản, nắm bắt và làm chủ công nghệ".
Thích ứng
Hải Dương đang bước vào giai đoạn dân số vàng, có nguồn nhân lực dồi dào, tỷ lệ lao động trẻ cao. Trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của lao động không ngừng nâng lên. Nhưng nếu không kịp nâng cao trình độ, chăm lo đào tạo nguồn nhân lực thì lợi thế đó khó có thể khai thác tốt.
Là một trong những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động của tỉnh, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) luôn quan tâm nâng cao tay nghề cho NLĐ. Ngoài được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, khoa học, thân thiện, NLĐ còn được tạo điều kiện tham gia các khóa học nâng cao tay nghề ở trong và ngoài nước.
Anh Nguyễn Văn Tính, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Brother cho biết: “Máy móc có thể làm việc cả ngày lẫn đêm mà không đòi hỏi phải được nghỉ ngơi hay đi du lịch xả hơi và thưởng Tết. Nếu NLĐ không được đào tạo, nâng cao tay nghề và làm chủ được công nghệ thì khó có thể cạnh tranh với sự thay đổi nhanh chóng của máy móc hiện đại. Thích ứng là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi NLĐ”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1446/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Điều này cho thấy sự rốt ráo vào cuộc của Chính phủ cũng như Nhà nước đối với sự phát triển nguồn nhân lực, nhất là những lao động chất lượng cao, giỏi nghề, thạo công nghệ…
Để làm được điều này, công tác đào tạo nguồn nhân lực được Hải Dương coi là giải pháp hàng đầu. Tỉnh chú trọng phân luồng học sinh ngay sau khi tốt nghiệp THCS, góp phần điều chỉnh cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo nhân lực. Theo ông Vũ Xuân Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương Hải Dương, hiện nay số lượng các trường nghề của Hải Dương còn chưa nhiều, nhận thức về học nghề của người dân đã có chuyển biến nhưng chưa rõ rệt. Muốn phục hồi kinh tế nhanh sau dịch bệnh thì bên cạnh sự lớn mạnh của doanh nghiệp còn cần sự “trưởng thành” của đội ngũ công nhân, NLĐ. Lao động phổ thông sẽ không còn là lợi thế trong tương lai.
Những tín hiệu lạc quan về tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ của Hải Dương là tiền đề để tỉnh có thể phát huy lợi thế nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển từ chiến lược “mục tiêu kép” sang “đa mục tiêu” mà tỉnh đã xác định trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Bức tranh về nhân sự và việc làm đang thay đổi mạnh mẽ. Nơi nào làm chủ được công nghệ và có nguồn lao động có kỹ năng nghề tốt cũng chính là nắm được lợi thế phát triển trong tương lai. Quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là "chìa khóa" để Hải Dương bứt phá và sớm đạt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp.
Theo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030" do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu, đến năm 2025 tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 33% và đến năm 2030 đạt 43%. Lực lượng lao động phổ thông, lao động giản đơn trong doanh nghiệp giảm còn dưới 65% (năm 2025) và dưới 60% (năm 2030).
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/chia-khoa-phuc-hoi-va-tang-truong-223225