'Chìa khóa' tạo sự đồng thuận

Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, công tác giám sát và phản biện xã hội đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Hà Giang quan tâm triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm trong thời gian qua, trở thành phương thức hiệu quả góp phần tạo sự đồng thuận mạnh mẽ trong nhân dân.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thôn Bản Lầy (xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) giám sát thi công đường bê tông.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thôn Bản Lầy (xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) giám sát thi công đường bê tông.

Theo thông tin từ Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang, năm 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai công tác phản biện xã hội. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã xây dựng và ban hành kế hoạch phản biện, đồng thời gửi văn bản đến các cơ quan, ban ngành để thông báo các nội dung cần phản biện. Trong năm, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Hà Giang đã chủ trì 163 hội nghị phản biện, trong đó cấp tỉnh chủ trì 2 hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh. Các ý kiến tham gia phản biện tại hội nghị được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp tổng hợp gửi về cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo nghị quyết, để khi nghị quyết được ban hành đảm bảo chất lượng, hiệu quả, sát với tình hình thực tế của địa phương.

Đối với công tác giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Hà Giang đã chủ trì hiệp thương, thảo luận, thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội, phối hợp với HĐND, UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch giám sát. Cụ thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức giám sát được 126 cuộc, trong đó cấp tỉnh chủ trì và phối hợp giám sát được 22 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào những lĩnh vực được đông đảo nhân dân quan tâm như việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện các chính sách về giáo dục và đào tạo; việc triển khai thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của huyện... Thêm vào đó, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng luôn được cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Đơn cử tại xã Ngọc Linh (huyện Vị Xuyên), con đường dài 600m, rộng 3m ở thôn Nặm Đăm được khởi công xây dựng từ năm 2023, là công trình được Nhà nước hỗ trợ 90%, nhân dân đóng góp 10%. Từ khi khởi công, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thường xuyên có mặt tại công trình để thực hiện giám sát việc thi công đúng theo thiết kế. Ông Trần Tiến Túc - Trưởng thôn Nặm Đăm, thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho biết, Ban đã phân công, bố trí công việc cụ thể đối với từng thành viên, trực tiếp theo dõi, đếm số lượng từng loại vật liệu xây dựng; đồng thời góp ý, lựa chọn nhân công là những người nhiệt tình, biết việc và có kinh nghiệm làm bê tông. Trong quá trình thi công, khi phát hiện những hạng mục chưa đáp ứng tiêu chuẩn, các thành viên trong Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng sẽ yêu cầu làm lại để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho công trình. Việc làm này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ nhân dân trong thôn.

Nhằm phát huy hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang Vàng Seo Cón cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp tục tập trung giám sát có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề cộng đồng, xã hội đang quan tâm; đồng thời lựa chọn tổ chức các hội nghị phản biện dự thảo các nghị quyết của HĐND tỉnh, các chương trình, kế hoạch của tỉnh, huyện về triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm của năm.

Tiến Đạt

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chia-khoa-tao-su-dong-thuan-10299459.html