'Chìa khóa' trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Nghiêm
Xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) còn gặp nhiều khó khăn, xuất phát điểm để xây dựng nông thôn mới (NTM) thấp, song, nhờ nắm bắt thời cơ, đổi mới cách nghĩ, cách làm, biết dựa vào sức dân và tranh thủ các chương trình, dự án, sự hỗ trợ của các cấp, ngành, doanh nghiệp, chính là 'chìa khóa' mang đến thành công trong xây dựng NTM ở địa phương này.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ trên địa bàn xã cho thu nhập cao.
Còn nhớ, 8 năm trước không chỉ người dân, ngay cả cấp ủy đảng, chính quyền ở xã Phú Nghiêm vẫn còn khá bỡ ngỡ với chủ trương xây dựng NTM và cho rằng xây dựng NTM là một dự án đầu tư lớn của nhà nước, địa phương chỉ việc đón nhận, hưởng thụ. Bà Nguyễn Thị Bình, bản Đồng Tâm cho hay: “Khi tìm hiểu chúng tôi mới vỡ lẽ ra là người dân phải đóng vai trò chủ thể, trực tiếp đóng góp công sức, trí tuệ, tiền bạc để thực hiện. Dân làm, dân hưởng. Trên chỉ định hướng, hỗ trợ thôi!”.
Có đoàn kết, có sức dân, có NTM. Sức mạnh từ phương châm đó đã trở thành một phong trào lan tỏa sâu rộng tại Phú Nghiêm. Nhiều người dân sẵn sàng hiến hàng trăm m2 đất để làm đường bê tông nông thôn hoặc xây dựng công trình công cộng. Bởi, người dân nơi đây đều tâm niệm rằng đường mở đến đâu, họ sẽ tự nguyện hiến đất đến đó, sẵn sàng chung tay xây dựng NTM cho quê hương. Tiêu biểu như gia đình các ông Phạm Bá Lực, Cao Văn Hân (bản Pọng Kame); Ngân Văn Xuân (bản Vinh Quang); Hà Văn Xuân, Hà Văn Kính, Hà Văn Dệ, Hà Văn Giang, Hà Văn Vuông, Hà Văn Dân (bản Đồng Tâm)... “Ở làng quê, mảnh vườn, thước đất, hàng rào cây xanh là tài sản quý và gắn bó với mỗi gia đình. Nhưng đây là vì lợi ích cộng đồng, vì sự phát triển chung của địa phương, việc ý nghĩa như vậy, hà cớ gì mình không làm”, ông Cao Văn Hân (bản Pọng Kame) bày tỏ. Cũng nhờ sự ủng hộ của người dân mà đến nay 100% đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã được cứng hóa, hệ thống kênh mương nội đồng đảm bảo được tưới và tiêu nước chủ động cho sản xuất nông nghiệp. Trong tổng số 65,706 tỷ đồng xây dựng NTM thì người dân Phú Nghiêm đã đóng góp 15,646 tỷ đồng (chiếm 23,82%).
Ngoài phong trào hiến đất làm đường, phát huy mọi tiềm lực về đất đai, lao động, kinh nghiệm, lợi thế so sánh, xã Phú Nghiêm đã thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Nhờ đó, tổng diện tích gieo trồng hàng năm đạt trên 92 ha, sản lượng lương thực đạt trên 375 tấn. Chăn nuôi được chỉ đạo theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang mô hình gia trại. Coi trọng kinh tế gia trại, là động lực lớn giúp cho kinh tế nông nghiệp tăng trưởng. Thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, đưa các giống cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế cao như bưởi, ổi, cam Cao Phong... vào sản xuất. Thông qua các phong trào thi đua, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ như: Nuôi ong mật, nuôi gà, trồng cam, bưởi; chăn nuôi bò, lợn... cho năng suất và hiệu quả cao. Nhiều gương điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo như hộ gia đình ông Phạm Bá Nhơn (bản Pọng Kame) với mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi gia súc lợi nhuận thu được 300 triệu đồng/năm; ông Hà Thiết Kế (bản Đồng Tâm) với mô hình chăn nuôi lợn, thu nhập 300 triệu đồng/năm; ông Cao Văn Hân (bản Pọng Kame) với mô hình chăn nuôi gia súc và nuôi ong lấy mật thu nhập trên 250 triệu đồng/năm...
Để có được kết quả trên, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã Phú Nghiêm đã xác định đây là chương trình tổng thể mang tính dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh - quốc phòng ở nông thôn. Vì vậy, xã Phú Nghiêm đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, như tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhằm truyền tải mục đích, nội dung, ý nghĩa của chương trình, để tạo sự đồng thuận của toàn dân trong xây dựng NTM; chủ động quyết tâm đổi mới cách làm, phát động phong trào xây dựng NTM đến mọi người dân với tinh thần: Chương trình NTM chỉ thực sự thành công, có ý nghĩa khi nó đi vào từng thôn xóm, từng hộ gia đình và phải bắt nguồn từ sự thay đổi trong tư duy của mỗi cán bộ và mỗi người dân, để mỗi người không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước mà tự giác tham gia chương trình. Do đó, khi triển khai, thực hiện chương trình trước hết là cán bộ phải học, hiểu rõ, nắm chắc nội dung yêu cầu, quy định của từng tiêu chí, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, sau đó mới triển khai trong nhân dân để nhân dân được biết, được bàn và quyết định các vấn đề liên quan đến đời sống của người dân. Từ việc được nghiên cứu, học tập, được tuyên truyền, vận động, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân đã thay đổi cả về nhận thức, tư duy và hành động...
Ông Đỗ Minh Việt, Bí thư Đảng ủy xã Phú Nghiêm cho biết: Ngay từ khi triển khai xây dựng NTM, xã xác định đây là một chương trình lớn, cần phải kiên trì thực hiện lâu dài, do vậy, đảng ủy, UBND xã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế, xác định mũi nhọn là trồng trọt, chăn nuôi gắn với phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Từ nguồn kinh phí huy động được, xã đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình, như xây dựng, cải tạo 8,8 km đường giao thông xã và đường từ trung tâm xã đến huyện; xây mới 3/3 nhà văn hóa bản; 2/2 trường học đều đạt chuẩn quốc gia. Hiện, bình quân thu nhập của người dân trong xã đạt 33,18 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,94%. Năm 2019 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Hiện địa phương đang tích cực đẩy mạnh thực hiện các nội dung xây dựng NTM nâng cao. Trong đó, cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo các bản phải hoàn thiện nâng cao chất lượng xây dựng NTM bền vững; huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế. Chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn.