'Chìa khóa vàng' nâng cao chất lượng dân số
Mỗi năm, nước ta có khoảng 1,4 triệu trẻ được sinh ra, trong đó có từ 1,5-2% trẻ bị dị tật. Đây là những con số thật đáng tiếc, vì để hạn chế dị tật này chúng ta hoàn toàn kiểm soát được thông qua việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh... Theo sự phát triển của xã hội, ngày nay việc làm sao để có một thai kỳ ổn định, trẻ sinh ra được an toàn, khỏe mạnh… là điều quan tâm hàng đầu thay vì tìm hiểu về giới tính như trước kia. Sự thay đổi này được xem như 'chìa khóa vàng' nhằm nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới.
Sàng lọc - yếu tố tiên quyết để có dân số khỏe
Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Phước Long là đơn vị được đánh giá rất tốt về thực hiện sàng lọc sơ sinh, đặc biệt là phương pháp lấy máu gót chân để tầm soát bệnh cho trẻ sơ sinh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, mỗi y, bác sĩ tại Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản thường xuyên phải cập nhật các kiến thức, kỹ năng; đồng thời xác định rõ ý nghĩa của hoạt động này, tư vấn người nhà khi trẻ đã đủ thời gian và sức khỏe.
Sau khi sinh con được 2 ngày, chị Huỳnh Thị Trúc Phương (xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) được các y, bác sĩ ở khoa tư vấn thực hiện lấy máu gót chân, tầm soát các bệnh liên quan đến nội tiết cho bé. Khác với lo lắng của chị, việc lấy máu gót chân cho bé được thực hiện nhanh chóng và nhẹ nhàng. Chị Phương chia sẻ: Qua tìm hiểu, tôi biết việc lấy máu sàng lọc nhằm phát hiện các triệu chứng 6 loại bệnh di truyền để đảm bảo sức khỏe cho bé. Mặc dù trong quá trình mang thai, tôi cũng đi siêu âm định kỳ nhưng không thể phát hiện, bởi đây là những loại bệnh chỉ có thể phát hiện được thông qua sàng lọc sau sinh.
Cũng như chị Phương, đây là lần thứ 2 gia đình anh Trần Văn Khóa (xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập) đưa con đi thực hiện các bước sàng lọc sơ sinh, cụ thể là phương pháp lấy máu gót chân. Anh Khóa tự tin: Thông qua việc sàng lọc này, gia đình tôi có thể biết được rất nhiều loại bệnh di truyền ở trẻ, từ đó mình sẽ biết để phòng tránh tốt hơn.
Hiện có rất nhiều biện pháp để thực hiện sàng lọc sơ sinh, như: Lấy máu gót chân; đo thính lực, nhĩ lượng và phản xạ bàn đạp… nhưng việc lấy máu gót chân dễ dàng thực hiện và đơn giản hơn rất nhiều. Trong năm 2020, TTYT thị xã Phước Long đã nhận được 222 mẫu và thực hiện sàng lọc cho tất cả trường hợp đến sinh tại đây. Thông qua chương trình sàng lọc miễn phí, phương pháp này đã giúp người nhà phát hiện ra nhiều bệnh lý để kịp thời điều trị cho trẻ.
Thông qua việc lấy máu gót chân, các bác sĩ sẽ phát hiện ra một số bệnh như: Thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sinh tuyến thượng thận... Đây là những bệnh mà chúng ta không thể phát hiện được qua sàng lọc trước sinh.
Nữ hộ sinh NGUYỄN THỊ LAN, Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, TTYT thị xã Phước Long
Thực tế cho thấy, khi TTYT các huyện, thị xã đang gặp một số khó khăn trong việc triển khai phương án này thì các bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu. Chị Tưởng Thị Luyến, điều dưỡng trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước cho biết: Hiện tất cả sản phụ khi vào bệnh viện đều được các y, bác sĩ, điều dưỡng tư vấn và hướng dẫn quy trình lấy máu sàng lọc cho trẻ. Trong tầm 4-10 ngày, sau khi có kết quả từ Trung tâm xét nghiệm quốc gia thì chúng tôi gửi về người nhà sản phụ. Trường hợp bé có nguy cơ cao bị bệnh thì sẽ hướng dẫn để kịp thời có cách xử lý, chăm sóc phù hợp ngay từ những năm đầu đời của trẻ.
Ý thức thay đổi = thành công dân số
Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, trong số hơn 7.000 trẻ ra đời từ đầu năm đến nay thì có khoảng 70% số trẻ đã được thực hiện biện pháp sàng lọc sơ sinh, cụ thể là lấy máu gót chân. “Bây giờ người ta không chọn cách sinh nhiều nhưng sẽ chú trọng làm sao để sinh con phải khỏe mạnh, sức khỏe tốt, đó chính là cơ sở để làm “bật” lên chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Nhận thức người dân đã thay đổi, đó chính là thành công lớn nhất sau 10 năm thực hiện sàng lọc trước sinh, sơ sinh” - bác sĩ Bạch Sỹ Long, Chi cục trưởng đánh giá.
Hiện nay, người dân Bình Phước có nhiều thuận lợi để đi khám sức khỏe tại các tỉnh, thành phố lớn. Đây vừa là thuận lợi vừa là khó khăn đối với ngành y tế tỉnh. Bởi nơi đó họ cung cấp khá tốt các dịch vụ tư vấn sàng lọc sơ sinh, góp phần nâng tỷ lệ sàng lọc của người dân Bình Phước luôn cao hơn so với các tỉnh trong khu vực. Nhưng điều này cũng là nhược điểm của mình. Nếu chúng ta tổ chức tốt thì người dân vừa chăm sóc sức khỏe tại chỗ vừa thu hút được nguồn lực tài chính, phục vụ lại cho mình.
Thời gian tới, ngành dân số sẽ tiếp tục tham mưu Sở Y tế cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, cung cấp và giảm giá thành dịch vụ sàng lọc để người dân dễ tiếp cận. Càng nhiều người dân được hưởng dịch vụ này thì công tác nâng cao chất lượng dân số càng thắng lợi.
Bác sĩ BẠCH SỸ LONG, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh
Thống kê của ngành y tế cho thấy, mỗi năm có khoảng 1.400-1.800 trẻ sinh ra bị mắc bệnh down, tầm 250 trẻ mắc chứng Edwards, 300-400 trẻ mắc suy giáp bẩm sinh, đặc biệt có khoảng 15.000-30.000 trẻ bị thiếu men G6PD… Những con số này cho thấy, nếu chúng ta không thực hiện tốt sàng lọc trước sinh, sơ sinh, vô hình trung đứa trẻ sinh ra lại trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội và chất lượng dân số. Vì vậy, việc đẩy mạnh các biện pháp sàng lọc, chẩn đoán để phát hiện, can thiệp sớm là vô cùng quan trọng, giúp nâng cao chất lượng dân số theo đúng tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 15-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.