Chia nhỏ... tổ hợp tên lửa phòng không

Tổ hợp tên lửa phòng không S-75 Dvina (SAM-2) do Liên Xô (trước đây) chế tạo, với tính năng ban đầu là để bảo vệ mục tiêu cố định, như: Các thành phố lớn, khu công nghiệp, dân cư đông, căn cứ quân sự, sở chỉ huy cố định và các yếu địa khác.

Do vậy, trận địa của tên lửa thường bố trí cố định, kết cấu của tổ hợp tên lửa cồng kềnh, nặng nề, tính năng cơ động thấp. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc (1965-1972), Liên Xô viện trợ cho nước ta số lượng lớn tổ hợp tên lửa SAM-2.

Trước sự tiến công và liên tục thay đổi phương thức tác chiến của không quân Mỹ, bộ đội tên lửa và lực lượng kỹ thuật của quân đội ta đã nghiên cứu cách đánh và chiến thuật để thích ứng, nhất là nâng cao khả năng cơ động của tổ hợp tên lửa SAM-2. Trong điều kiện địa hình nước ta nhiều đồi núi, sông ngòi, việc cơ động xe-máy vốn khó khăn, thì việc cơ động các tổ hợp tên lửa đến các trận địa mới càng khó khăn hơn. Điều lệ tác chiến tên lửa phòng không của Liên Xô quy định, mỗi tiểu đoàn SAM-2 cần từ 1 đến 2 trận địa dự bị trong phạm vi bán kính cơ động 5-10km. Phạm vi này ở nước ta dễ bị không quân Mỹ đánh phá hiệu quả. Vì vậy, Bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam đã "chia nhỏ" trận địa dự bị của tên lửa, mỗi tiểu đoàn SAM-2 có từ 4 đến 6 trận địa dự bị, phạm vi cơ động tên lửa đến các trận địa lên tới hàng trăm cây số, trên các địa hình khác nhau. Sau mỗi trận đánh, khí tài, bệ phóng tên lửa được tháo dỡ, cơ động đến trận địa khác. Những trận địa cũ được triển khai các bộ khí tài giả, tên lửa, khí tài làm bằng tre, cót, cao su, được sơn phủ giống như thật. Vì thế, máy bay của không quân Mỹ đã nhiều lần công kích, đánh phá vào các trận địa giả; các trận địa tên lửa thật của ta vẫn được bảo toàn.

Khi triển khai tên lửa chiến đấu ở địa hình chật hẹp, hiểm trở như ở Quảng Bình, Vĩnh Linh và Quảng Trị, theo biên chế, mỗi tiểu đoàn tên lửa SAM-2 phải có đủ 6 bệ phóng và đồng bộ khí tài. Song, trong các năm 1966-1968 và 1972, trên địa bàn này, mỗi tiểu đoàn tên lửa SAM-2 của ta chỉ triển khai được 3 bệ, 2 bệ, thậm chí 1 bệ, song vẫn bảo đảm chiến đấu. Riêng năm 1972, đối phó với không quân Mỹ, nhất là 12 ngày đêm Chiến dịch "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, do bị thiếu khí tài, một số tiểu đoàn đã mạnh dạn chia số lượng bệ phóng tên lửa ra 2-3 trận địa, trên đó đã lắp sẵn đạn. Khi đánh xong ở một trận địa, kíp chiến đấu lập tức kéo khí tài ra trận địa mới, đấu nối với các bệ phóng đã sẵn sàng và có thể chiến đấu được ngay. Với cách đánh này, bộ đội tên lửa đã đạt hiệu suất chiến đấu cao, gây bất ngờ cho không quân Mỹ và làm cho chúng bị thất bại nặng nề.

HƯƠNG NGÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chia-nho-to-hop-ten-lua-phong-khong-663638