Chia rẽ địa chính trị sâu sắc sau thượng đỉnh G7

Hội nghị thượng đỉnh G7 làm nổi bật sự chia rẽ địa chính trị giữa một bên là phương Tây và bên còn lại là Trung Quốc và Nga.

Trong khi Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima (Nhật) bàn cách đối phó Trung Quốc ((TQ) và Nga thì Bắc Kinh và Moscow đã có những động thái gần gũi nhau hơn.

Thượng đỉnh G7 và động thái từ TQ, Nga

Vào ngày 21-5, trong thông cáo chung sau Hội nghị thượng đỉnh G7, các nhà lãnh đạo của nhóm 7 nền kinh tế trong nhóm G7 đã cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine, tiếp tục trừng phạt Nga.

Bên cạnh đó, dù không nhắc tên TQ, G7 cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với tình hình của khu vực Biển Đông và Hoa Đông, phản đối mạnh mẽ hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng nói chung bằng bạo lực và uy hiếp, đồng thời xác nhận tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan.

G7 cũng tuyên bố chống lại sự cưỡng ép kinh tế và gây sức ép với TQ về các vi phạm quyền con người ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong, theo The New York Times.

Lãnh đạo các nước G7 và một số lãnh đạo các quốc gia khác được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản vào ngày 20-5. Ảnh:REUTERS

Lãnh đạo các nước G7 và một số lãnh đạo các quốc gia khác được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản vào ngày 20-5. Ảnh:REUTERS

TQ và Nga đã chỉ trích hội nghị G7. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng các quyết định của Nhóm G7 là nhằm mục đích ngăn chặn Nga và TQ, theo hãng thông tấn TASS.

Thứ trưởng Ngoại giao TQ Tôn Vệ Đông đã triệu tập đại sứ Nhật tại TQ để phản đối thông cáo chung và cho rằng Nhật đã hợp tác với các nước khác tại Hội nghị thượng đỉnh G7 "trong các hoạt động và tuyên bố chung nhằm bôi nhọ và tấn công TQ, can thiệp vào các công việc nội bộ của TQ".

Bên cạnh đó, TQ và Nga cũng đã có các chuyến thăm cấp cao ngay sau thượng đỉnh G7.

Cụ thể, hôm 21-5, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương TQ Trần Văn Thanh bắt đầu chuyến thăm Nga 8 ngày, trong đó có hội đàm với Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev.

Vài ngày sau, ngày 23-5, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin dẫn đầu một phái đoàn lớn gồm doanh nghiệp Nga thăm TQ nhằm đẩy mạnh thương mại hai nước.

Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 23-5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Mao Ninh cho biết “sự hợp tác Trung-Nga có sự bền bỉ mạnh mẽ và tiềm năng lớn” và sẽ không bị “ảnh hưởng hoặc đe dọa bởi bất kỳ bên thứ ba nào”.

Chia rẽ địa chính trị sâu sắc

Ông Alexander Korolev, giảng viên cấp cao tại Đại học New South Wales (Úc) chuyên nghiên cứu về quan hệ TQ - Nga nhận định: “TQ sẵn sàng tăng cường mối quan hệ với Nga sau hội nghị thượng đỉnh G7 vì chủ đề trọng tâm của hội nghị này không chỉ bao gồm vấn đề chiến sự Nga - Ukraine mà còn cả về TQ và phương Tây nên đối phó TQ như thế nào”, theo tờ The New York Times.

Ông cho rằng Hội nghị thượng đỉnh G7 và sự hiện diện của Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho thấy “sự chia rẽ địa chính trị rõ ràng và sâu sắc hơn giữa một bên là phương Tây và một bên là TQ và Nga”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dự đoán rằng sẽ có sự tan băng trong quan hệ với Bắc Kinh và tìm cách làm cho bầu không khí thượng đỉnh không căng thẳng với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, đối với TQ, việc thể hiện sự đoàn kết giữa các nền dân chủ G7 ngay trước “thềm nhà” mình có thể dẫn đến việc Bắc Kinh cho rằng Mỹ đang cố gắng dẫn dắt đồng minh nhằm vào TQ, khơi lên xung đột trong khu vực.

Ông Lyle J. Goldstein - chuyên gia về TQ của tổ chức tư vấn Defense Priorities có trụ sở tại Mỹ, cho biết hội nghị thượng đỉnh G7 đã khiến TQ không thoải mái.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (chính giữa) họp với lãnh đạo các nước G7 vào ngày 21-5 tại Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: AP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (chính giữa) họp với lãnh đạo các nước G7 vào ngày 21-5 tại Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: AP

Một trong những lý do đáng chú ý là việc Nhật đăng cai tổ chức sự kiện này mà Nhật và TQ vốn có những mâu thuẫn sâu xa từ lịch sử. Truyền thông nhà nước TQ đã chỉ trích Nhật, cáo buộc Tokyo làm theo những yêu cầu của Mỹ và thổi phồng “mối đe dọa từ TQ” để Tokyo có thể sửa đổi hiến pháp nhằm xây dựng lại quân đội kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ông Goldstein cho rằng tại G7, TQ coi Nhật “thông đồng với Mỹ” để “đưa châu Âu vào vấn đề Đài Loan” - động thái mà ông cho là khiêu khích như “phát vải đỏ trước mặt bò tót”.

TQ xích lại gần Nga hơn

Trong khi Nga chịu nhiều trừng phạt của phương tây, TQ vẫn tiếp tục hợp tác với Nga, đặc biệt là kinh tế.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh Nga - TQ tại TP Thượng Hải vào ngày 23-5, Thủ tướng Nga Mishustin cho biết Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với TQ - quốc gia vẫn là một trong những nhà cung cấp công nghệ hàng đầu của Nga như vi mạch và là một trong những khách hàng năng lượng lớn nhất của Nga.

Theo ông Mishustin , thương mại song phương đã đạt gần 190 tỉ USD vào năm ngoái. "Tôi chắc chắn rằng trong năm nay, chúng ta sẽ đạt được mức 200 tỉ USD mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã đề ra. Trong tương lai, chúng ta chắc chắn sẽ đạt được mức cao hơn nữa" - ông Mishustin nhấn mạnh.

Ông Korolev, thuộc ĐH New South Wales, cho biết chiến tranh và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đẩy nhanh quá trình tái định hướng kinh tế của Nga sang châu Á. Sự chuyển hướng chính sách đó, vốn đã bắt đầu từ hơn một thập niên trước, đã vấp phải những lo ngại ở Nga về việc phát triển sự phụ thuộc quá mức vào TQ.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ông Korolev cho rằng Nga không có nhiều sự lựa chọn: “Tất cả các rào cản chính trị tồn tại trước đây giờ đã được dỡ bỏ và Nga không còn lo ngại về việc dựa vào hoặc thậm chí là phụ thuộc vào TQ để phát triển kinh tế”.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/chia-re-dia-chinh-tri-sau-sac-sau-thuong-dinh-g7-post734718.html