Chia sẻ công bằng gánh nặng phát thải
Pakistan vừa chứng kiến 'trận lụt thế kỷ' khiến 1/3 diện tích bị ngập trong biển nước do những tác động của khủng hoảng khí hậu. Đây là bằng chứng cho thấy sự thiếu công bằng khí hậu khi những nước phát thải ít lại phải chịu hậu quả lớn. Trước thực trạng trên, Liên Hợp quốc cũng đã kêu gọi sự chịu trách nhiệm từ những nước giàu và tinh thần đoàn kết thế giới.
Gánh nặng “trên vai” những nước nghèo
Cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng, khi nhiệt độ ở Pakistan vượt quá 53 độ C trong mùa hè năm nay, biến các thị trấn phía Nam của đất nước thành những nơi nóng nhất trên hành tinh, làm tan chảy các sông băng, đốt cháy rừng và thiêu rụi mùa màng. Nhưng không có sự chuẩn bị nào cho “trận lụt thế kỷ” khiến 1/3 diện tích của Pakistan bị ngập trong biển nước, thậm chí vượt qua cả thảm họa năm 2010 về cường độ và tần suất.
Nghiên cứu khoa học cho rằng, lũ lụt khắc nghiệt ở Pakistan là do khủng hoảng khí hậu và thảm họa này đưa ra một lời cảnh báo rõ ràng cho tất cả những ai còn đang đặt “báo thức khí hậu” đến vài thập kỷ nữa.
Các kịch bản về ngày tận thế không tưởng trước đây đã bắt đầu trở thành điều không thể tránh khỏi. Các tỉnh Sindh và Balochistan của Pakistan biến thành những “vùng biển vô cực”, không có đất để dựng lều, không còn mái nhà để trú ẩn. Hơn 33 triệu người lâm vào cảnh túng thiếu, 1.500 người chết, trong khi đất nước chật vật giải quyết hậu quả.
Tuy nhiên, chi phí kiến thiết lại và thích ứng với thời tiết khắc nghiệt lại là một nguyên nhân gây lo lắng. Trong khi thế giới bắt đầu ổn định, thì Pakistan vẫn phải lo vượt qua các giai đoạn cứu trợ cho cuộc khủng hoảng, với một thế hệ người di cư khí hậu mới đang tìm nơi trú ẩn. Tuy nhiên, việc cung cấp các nhu cầu cơ bản sau thảm họa như nơi ở và thực phẩm thì cần phải có kinh phí ngay lập tức.
Nỗ lực phục hồi có thể tiêu tốn hàng tỷ đô la, trong khi các ước tính tái thiết vẫn đang diễn ra. Ngay cả trong một năm không có thiên tai, Pakistan thường mất 9,1% GDP do tác động kép của khủng hoảng khí hậu. Các ước tính ban đầu cho thấy, con số đó gần như có thể tăng gấp đôi do tổn thất trung hạn từ siêu bão.
Thế nhưng Pakistan không phải là trường hợp duy nhất phải hứng chịu hậu quả. Phần lớn các quốc gia phía Nam bán cầu đều bị ảnh hưởng bởi các tác động khí hậu, gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí xã hội cao hiện đang tìm kiếm sự chuyển giao các nguồn lực đã được cam kết, để có các cơ chế tài chính mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa sự thích ứng cần thiết.
Các nước phát thải thấp không thể đơn độc trong “cuộc chiến” cam go này.
Trên thực tế, sự tương phản là hoàn toàn rõ rệt. Riêng G20 (nhóm các nền kinh tế phát triển) đã chiếm 75% lượng khí thải toàn cầu, gấp nhiều lần so với nhóm các nước dễ bị tổn thương về khí hậu, trong đó có Pakistan, nước thải ra ít hơn 1% khí nhà kính nhưng cuối cùng lại phải trả giá cao hơn về con người, xã hội và tài chính cho sự phát thải carbon của những nước khác.
Kêu gọi trách nhiệm toàn cầu
Phát biểu khai mạc tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) tại New York hôm 21/9, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, các công ty năng lượng phải trích lợi nhuận thu được để hỗ trợ các nạn nhân của biến đổi khí hậu và bù đắp chi phí nhiên liệu và thực phẩm đang gia tăng.
Ông Guterres kêu gọi các nước giàu đánh thuế lợi nhuận của các công ty năng lượng và chuyển nguồn vốn cho cả những quốc gia chịu tổn thất và thiệt hại do khủng hoảng khí hậu và những quốc gia đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt tăng cao.
Khi các quốc gia chuẩn bị cho các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu vào tháng 11, tiền không chỉ là một vấn đề ngày càng quan trọng, mà còn là vấn đề có thể khắc sâu hơn sự chia rẽ giữa các quốc gia giàu và nghèo. Các công ty dầu mỏ trong tháng 7 đã báo cáo lợi nhuận chưa từng có lên tới hàng tỷ đô la mỗi tháng. Exxon Mobil đã công bố lợi nhuận ba tháng là 17,85 tỷ đô la. Chevron là 11,62 tỷ đô la và Shell là 11,5 tỷ đô la.
“Đã đến lúc cần lưu ý các nhà sản xuất, nhà đầu tư và nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Những người gây ô nhiễm phải trả tiền” - ông Guterres thẳng thắn đề nghị.
Ông Guterres cũng kêu gọi các quốc gia phát triển phải chịu trách nhiệm cho những mất mát và thiệt hại xảy ra ở các quốc gia nghèo, những quốc gia ít đóng góp vào biến đổi khí hậu nhưng lại chịu những tác động tồi tệ nhất. Điều đó bao gồm cả Pakistan, quốc gia vẫn đang quay cuồng với những trận lũ lụt kinh hoàng ở miền Nam vào tháng trước.
Trách nhiệm đối với sự mất mát và thiệt hại phải là một phần của chương trình nghị sự về tài chính khí hậu tại COP27 vào tháng 11 ở Ai Cập. Kỳ vọng chính là việc chia sẻ công bằng gánh nặng phát thải.
Theo báo cáo của Liên minh quốc tế Oxfam, chưa đầy 18 ngày lợi nhuận của các tập đoàn dầu mỏ và khí đốt có thể trang trải toàn bộ 49 tỷ đô la cho lời kêu gọi nhân đạo toàn cầu của Liên Hợp quốc trong năm 2022. Vì vậy không vô lý khi đặt câu hỏi: Tại sao các quốc gia có lượng khí thải carbon ít phải gánh chịu chi phí cho thảm họa mà họ không tạo ra?
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chia-se-cong-bang-ganh-nang-phat-thai-5697358.html