Chia sẻ được đồng tình của nhà văn Hoàng Anh Tú: Đừng hy sinh đời bố củng cố đời con nữa!
Bố mẹ cứ muốn tốt cho con theo cách nghĩ của bố mẹ, con cái không muốn nghe thì thành bất hiếu mà nghe thì thành bất công với chính bản thân mình, thành bất hạnh với chính cuộc đời mình, ước mơ của mình.
Nhà báo, Nhà văn Hoàng Anh Tú hay còn được biết đến là anh Chánh Văn nổi danh một thời của báo Hoa Học Trò. Hiện nay anh còn là chuyên gia tâm lý, khách mời quen thuộc tư vấn các chủ đề học đường, dạy con và gia đình...
Mới đây, anh Hoàng Anh Tú đã có một bài viết về chủ đề "Đừng hy sinh đời bố, củng cố đời con nữa". Ngay sau khi đăng tải, bài viết của anh đã nhận được nhiều sự đồng tình của các bậc phụ huynh.
Được sự đồng ý của nhà văn Hoàng Anh Tú, chúng tôi xin được chia sẻ lại nội dung bài viết.
ĐỪNG HY SINH ĐỜI BỐ CỦNG CỐ ĐỜI CON NỮA!
Làm cha mẹ chưa bao giờ là dễ dàng cả. Làm cha mẹ “hợp cạ” với con lại càng khó hơn. Nhưng, muốn làm chúng ta nghĩ đến giải pháp, không muốn làm chúng ta sẽ chỉ viện dẫn những lý do mà, phải không?
Tôi vẫn cho rằng việc học làm cha mẹ là việc chúng ta thay đổi mỗi ngày và học suốt cuộc đời chứ không phải chỉ khi con còn nhỏ hay cho đến khi con đã tốt nghiệp đại học ra đời làm việc.
Không phải mục tiêu là nuôi dạy con đạt những thành tích, thành tựu mà là để xây dựng một mối quan hệ cha mẹ - con cái gắn kết vững bền. Là để chúng ta cùng hạnh phúc chứ không chỉ con cái hạnh phúc trong khi cha mẹ vật vã mưu sinh, hy sinh này nọ.
Thế nên tôi rất ghét đọc những bài báo kiểu mẹ vất vả nuôi con đỗ 5 trường đại học hay bố mẹ hy sinh cho con cái thành tựu. Tôi không thích nhìn thấy những đứa trẻ áp lực nặng nề chỉ vì cha mẹ vất vả quá, mình phải học thật giỏi. Để rồi bằng đại học loại giỏi vẫn đi làm những công việc nhàm chán chỉ để cày cuốc báo hiếu cha mẹ.
Như nhiều đứa trẻ ở Singapore dành 20 năm sau khi ra trường chỉ để kéo cày trả những món vay của cha mẹ cho chúng đi học. Như nhiều người bạn của tôi, của các con tôi, không tìm thấy tiếng nói chung với cha mẹ dù khi 10 tuổi, 20 tuổi, thậm chí 40 tuổi.
Bởi bố mẹ cứ muốn tốt cho con theo cách nghĩ của bố mẹ, con cái không muốn nghe thì thành bất hiếu mà nghe thì thành bất công với chính bản thân mình, thành bất hạnh với chính cuộc đời mình, ước mơ của mình.
Tôi học làm cha mẹ là học cách để biến mối quan hệ với các con mình không còn những khoảng cách thế hệ, khoảng cách cha con - mẹ con gần gũi hơn, có thể thoải mái chia sẻ được với nhau như những người bạn TÍN NHIỆM.
Hôm nay chưa được thì ngày mai. Ngày mai chưa được thì tiếp tục. Cho đến khi chúng ta có thể xóa nhòa và lược bỏ đi những câu: Con phải/Bố mẹ muốn con. Là một mối quan hệ xây dựng trên sự TÔN TRỌNG KHÁC BIỆT nhưng vẫn đâu ra đó, cha là cha, con là con.
Để con NỂ và PHỤC chứ không phải SỢ và ẤM ỨC khi phải nghe theo. Tôi thích ĐỐI THOẠI chứ không thích ĐỐI PHÓ. Tôi cần ĐỘNG LỰC chứ không cần ÁP LỰC. Để cùng nhau HẠNH PHÚC chứ không chỉ thỏa mãn cái tôi hay quyền của bố, quyền làm bố.
Có nhiều điều chúng ta tưởng đúng nhưng theo thời gian nó lại là sai. Chả sao hết! Nếu chúng ta biết việc làm cha mẹ là cả cuộc đời của chúng ta mà, phải không? Sai thì sửa thôi, đừng tiếc một lời xin lỗi con. Bạn xin lỗi con không khiến vị trí của bạn kém đi trong con đâu. Trái lại, bạn sẽ giúp con bạn tự tin hơn, cảm thấy được cha mẹ tôn trọng hơn và chính con cũng học được từ cha mẹ tinh thần dũng cảm nhận lỗi mà.
Có nhiều cha mẹ lỡ mất những năm tháng ấu thơ của con, giờ con đã lớn, sợ khó uốn nắn lại con hay khó kết nối lại với con. Chả sao hết! Nếu chúng ta biết việc làm cha mẹ là cả cuộc đời của chúng ta mà, phải không? Bất kể khi nào, con bạn có 43 tuổi, bạn vẫn có thể bắt đầu kết nối lại được với con. Đừng nghĩ về việc uốn nắn con, hãy nghĩ về việc thay đổi mình để hạnh phúc cùng con. Là cả 2 cùng cảm thấy làm cha con với nhau thật hạnh phúc đi.
Cuối cùng, vẫn là chúng ta hãy cùng nhau để mỗi phút giây bên nhau đều thật đáng nhớ trong ký ức của con, thật đáng hân hoan lúc nhớ về. Cùng con tạo ra những phút giây bên nhau hạnh phúc, tôi nghĩ, đó mới là thành công của hành trình "Học làm cha mẹ" của mỗi người.