Chia sẻ giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất

Trong những tháng đầu năm 2020, dịch COVID -19 đã khiến nhiều doanh nghiệp và các hộ kinh doanh gặp khó khăn, sản xuất đình trệ, doanh thu thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp TNHH GFT Việt Nam có trụ sở tại huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Doanh nghiệp TNHH GFT Việt Nam có trụ sở tại huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Với nhiều nỗ lực, ngành thuế và hệ thống các ngân hàng ở Hải Dương đã và đang tích cực triển khai các biện pháp chia sẻ giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, sớm khôi phục sản xuất.

Theo thống kê của UBND tỉnh Hải Dương, 3 tháng đầu năm, một số nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh giảm nhiều, như: ô tô giảm 10,4%, may mặc giảm 3,8%, xi măng giảm 12,6%... Lĩnh vực du lịch, dịch vụ cũng chịu tác động lớn, ảnh hưởng đến thu nộp ngân sách.

Khắc phục những trở ngại do dịch bệnh gây ra, ngành thuế Hải Dương vừa đảm bảo thu ngân sách vừa thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người nộp thuế. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 3 tháng đầu năm ước đạt trên 4.600 tỷ đồng, bằng 25% dự toán năm, bằng 84% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh một số khoản thu đạt khá như thu tiền sử dụng đất, thu thuế bảo vệ môi trường… thì nhiều khoản thu đạt thấp như thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương.

Cục Thuế Hải Dương đã chỉ đạo các phòng và các chi cục rà soát toàn bộ những người nộp thuế, theo dõi nắm bắt diễn biến tình hình sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Từ đó, xác định mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của từng ngành, từng lĩnh vực.

Sau khi có Chỉ thị 15/CT-TTg của Chính phủ về thực hiện các giải pháp ứng phó với dịch COVID-19, Cục Thuế Hải Dương đã tạm dừng việc thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Tổng cục Thuế, ngành thuế Hải Dương đã nhanh chóng vào cuộc triển khai các Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

“Ngành Thuế Hải Dương cam kết triển khai đồng bộ, hỗ trợ một cách tối đa để doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách được kịp thời, đúng đối tượng”, ông Nguyễn Năng Hoàn, Cục trưởng Cục Thuế Hải Dương khẳng định.

Cục thuế Hải Dương đã ban hành công văn số 1369/CT-QLN về việc tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế do đại dịch COVID-19; chỉ đạo các phòng chuyên môn và các chi cục thuế nhanh chóng cụ thể hóa bằng văn bản hướng dẫn, giải thích, tuyên truyền về chủ trương, chính sách mới cho các đối tượng nộp thuế hiểu và thực hiện. Từ đó, đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế.

Ông Nguyễn Tuấn Chung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Hải Dương cho biết, Chi cục đã ban hành văn bản tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tiếp đó, Chi cục đã ban hành văn bản về việc hướng dẫn gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, cụ thể hóa danh mục đối tượng được gia hạn tiền nộp thuế và tiền thuê đất, thời gian gia hạn và thời hạn nộp thuế đối với từng loại tiền thuế. Căn cứ hướng dẫn này, người nộp thuế dễ dàng nhận biết được mình thuộc trường hợp nào và từ đó xác định được quyền lợi tương ứng.

Chi cục thuế thành phố Hải Dương cũng đã phối hợp với các xã, phường tuyên truyền rộng rãi nội dung này trên hệ thống loa truyền thanh cho người dân. Đồng thời, Chi cục đã tập huấn cho đội trưởng các đội thuế của thành phố và cử cán bộ thuế phát tờ mẫu kê khai thông đăng ký gia hạn nộp thuế cho các đối tượng cho người nộp thuế.

Theo ông Nguyễn Năng Hoàn, Cục thuế Hải Dương đang dự kiến tham mưu cho UBND tỉnh nghiên cứu xem xét sau khi chấm dứt thời hạn thực hiện cách ly xã hội sẽ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp về những tác động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Từ đó, có cơ chế của tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng với ngành thuế, thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng tích cực và kịp thời có các biện pháp hỗ trợ thiết thực giúp khách hàng vơi bớt phần nào khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Thực hiện Thông tư số 01/2020/TT- NHNN ban hành ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, các ngân hàng ở Hải Dương đã đồng loạt giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giãn hoãn thời gian trả nợ.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thành Đông, tỉnh Hải Dương đã giảm lãi suất cho trên 800 khách hàng; trong đó, có trên 100 khách hàng doanh nghiệp và khoảng 700 khách hàng cá nhân với mức hạ lãi suất từ 0,8-2%/năm. Ngân hàng cũng đã cơ cấu lại nợ cho khách hàng với tổng số dư nợ gần 600 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc BIDV chi nhánh Thành Đông, ngay từ khi Nhà nước công bố dịch, với tinh thần chia sẻ khó khăn cùng các khách hàng, ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đông đã triển khai rà soát, đánh giá và xác định mức độ ảnh hưởng dịch bệnh đối với từng khách hàng, từ đó áp dụng mức giảm lãi suất phù hợp và hồ sơ thủ tục chặt chẽ, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng.

Toàn bộ khoản vay của các doanh nghiệp đang có dư nợ hiện hữu phát sinh trước ngày 1/4 đều được giảm lãi suất với mức lãi suất cho vay đã thấp hơn từ 1-1,5%/năm so với trước. Bên cạnh đó, BIDV Thành Đông cũng đưa ra những gói ưu đãi lãi suất cho khách hàng với mức lãi suất trung bình xấp xỉ 6%/năm; giảm các loại phí và đẩy mạnh cải cách hành chính, giao dịch điện tử tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng.

Không riêng BIDV Thành Đông, nhiều ngân hàng khác ở Hải Dương cũng thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Theo tổng hợp nhanh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hải Dương, tính đến 17/4/2020, toàn tỉnh đã có 2.478 khách hàng được các ngân hàng miễn, giảm lãi suất với dư nợ 5.981 tỷ đồng. Số lãi được miễn, giảm trên 3 tỷ đồng, đồng thời, các ngân hàng cũng cơ cấu nợ cho 182 khách hàng với dư nợ 896 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng cho 806 khách hàng vay mới với số tiền 1.373 tỷ đồng.

Có thể nói, sự tích cực vào cuộc của các tổ chức tín dụng đã góp phần giảm gánh nặng tài chính, là nguồn động viên, tiếp sức cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh sớm vượt qua giai đoạn khó khăn để phục hồi sản xuất.

Mạnh Minh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/chia-se-giup-doanh-nghiep-khoi-phuc-san-xuat-20200424162006557.htm