Chia sẻ kết quả đánh giá tác động của FTAs đối với cà phê Hướng Hóa

Hôm nay 20/4/2021, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Mạng lưới an ninh lương thực và giảm nghèo Việt Nam (CIFPEN) tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá tác động của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) đối với cà phê Hướng Hóa.

 Các đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: L.A

Các đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: L.A

Theo đánh giá của CIFPEN, khi tham gia các hiệp định FTAs song phương và đa phương, bên cạnh tạo cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thì sẽ có những thách thức như gia tăng cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu, khó đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ, nhiều hàng rào kỹ thuật... Tại Quảng Trị, theo khảo sát của CIFPEN, mặc dù thời gian qua, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ thông qua đề án tái canh cà phê; chương trình OCOP; chương trình khuyến công; các dự án EMEE, Viện Mekong... Điều kiện đất đai, thời tiết khí hậu vùng Hướng Hóa phù hợp với phát triển của cây cà phê. Người dân có nhiều kinh nghiệm; sản phẩm cà phê có chất lượng tốt, đã từng xuất khẩu đi Hà Lan và Đức.

Tuy nhiên, việc phát triển cây cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa vẫn còn nhiều thách thức như nguồn phân hữu cơ ít và giá cao; mô hình tự sản xuất phân hữu cơ vi sinh có quy mô nhỏ; tính cạnh tranh của sản phẩm cà phê yếu trong bối cảnh giá cà phê thế giới biến động mạnh; nguồn vốn tích lũy của người dân cạn kiệt; khả năng ứng dụng công nghệ mới vào trồng trọt và chăm sóc cây cà phê của người dân còn hạn chế; tính cam kết của hộ dân thấp.

Trên cơ sở đó, CIFPEN đề xuất các kiến nghị gồm thúc đẩy các diễn đàn đối thoại 6 nhà (nhà nước, ngân hàng, nông dân, doanh nghiệp, khoa học, phân phối); xác định các khâu, tạo mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi sản xuất; xây dựng và áp dụng bộ quy chuẩn trồng, chăm sóc, thu hái cà phê theo hướng hữu cơ; đánh giá mô hình Hợp tác xã (HTX) cà phê sạch Khe Sanh để rút kinh nghiệm và nhân rộng; các chương trình hỗ trợ cần đồng bộ, đi vào thực chất và có sự tham gia của các bên liên quan.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích những khó khăn, thách thức và triển vọng trong sản xuất, chế biến và cung cấp sản phẩm cà phê cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Đồng thời, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về tái canh, trồng mới cây cà phê; hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; xây dựng tiêu chuẩn ISO 22000; các thủ tục giấy tờ để xuất khẩu cà phê; liên kết với các doanh nghiệp, các HTX trong thực hiện các mô hình đạt tiêu chuẩn 4C, hữu cơ...; đa dạng các chính sách hỗ trợ về cây giống, phân bón... để nâng cao chất lượng cây cà phê; hỗ trợ nguồn vốn để phát triển máy móc chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=157007&title=chia-se-ket-qua-thuc-hien-danh-gia-tac-dong-cua-ftas-doi-voi-ca-phe-huong-hoa