CHIA SẺ KHÓ KHĂN KHI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN TƯ PHÁP TRONG ĐIỀU KIỆN DỊCH BỆNH, THIÊN TAI
Theo chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 26/10 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp trực tuyến, nghe Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2020.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2020.
Trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, trong bối cảnh của năm 2020, Ủy ban Tư pháp ghi nhận, đánh giá cao kết quả Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đạt được, nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội, đồng thời, cũng chia sẻ những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh, thiên tai.
Lưu ý số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng
Về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; đồng thời nhấn mạnh mặc dù tình hình chung vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng, như: hiếp dâm tăng 13,51% (trong đó hiếp dâm trẻ em tăng 30,38%); gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%; chống lại lực lượng Công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 260%.
Về công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2020, công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đạt nhiều chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm, vi phạm pháp luật về chức vụ, tham nhũng.
Về công tác điều tra xử lý tội phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay, năm 2020, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, một số chỉ tiêu vượt yêu cầu của Quốc hội như: tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội vượt hơn 10%, án đặc biệt nghiêm trọng vượt hơn 6%. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm.
Thực hiện nghiêm túc nhiều kiến nghị của Ủy ban Tư pháp được nêu các năm trước về thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp
Về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, năm qua, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực.
Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã kịp thời phát hiện, yêu cầu hủy bỏ 164 quyết định trái pháp luật của Cơ quan điều tra và ban hành 1.315 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; số kiến nghị được chấp nhận, thực hiện đạt tỷ lệ 99,5%, vượt 19,5% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện nghiêm túc nhiều kiến nghị của Ủy ban Tư pháp được nêu trong báo cáo thẩm tra các năm trước.
Trong công tác kiểm sát xét xử: số bị can bị Viện kiểm sát truy tố mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận đều vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Công tác giải quyết án tham nhũng, kinh tế được chỉ đạo quyết liệt, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tăng 5,2%.
Cùng với đó, công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao cơ bản bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, số vụ án được phát hiện, khởi tố, điều tra đều tăng lên, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng và xâm phạm hoạt động tư pháp được dư luận quan tâm. Tỷ lệ thu hồi tài sản do phạm tội tham nhũng mà có tăng 11,9%.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm giảm 13,3%, chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Đáng lưu ý, tỷ lệ giải quyết án rất nghiêm trọng, án đặc biệt nghiêm trọng là 63%, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là trên 90%.
Về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính: Số vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động được kiểm sát tăng; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được Tòa án chấp nhận vượt 13,6% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, công tác kiểm sát việc xét xử các vụ án hành chính còn hạn chế, một số chỉ tiêu giảm mạnh và chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Số lượng kháng nghị phúc thẩm giảm 22,8%; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận đều giảm mạnh so với năm 2019 và chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Về công tác kiểm sát thi hành án, Ủy ban Tư pháp đề nghị cần lưu ý, một số Viện kiểm sát nhân dân chưa kịp thời phát hiện vi phạm trong quản lý người bị tạm giữ, tạm giam dẫn đến tình trạng người bị tạm giữ, tạm giam trốn, tự sát, phạm tội mới cao hơn năm trước; công tác kiểm sát án có điều kiện thi hành án và án chưa có điều kiện thi hành án hành chính, dân sự trong một số trường hợp chưa chặt chẽ.
Chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội trong năm 2020
Về Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của ngành Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Tòa án nhân dân tối cao về những kết quả đạt được và nhận thấy, năm 2020, công tác giải quyết, xét xử các loại án đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2019.
Trong công tác giải quyết các vụ án hình sự, tỷ lệ giải quyết án đạt 97,8%, vượt 9,8% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội; hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Trong công tác giải quyết các vụ, việc dân sự, tỷ lệ giải quyết vượt 11,02% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội, đặc biệt, tỷ lệ giải quyết việc dân sự vượt 19%, tỷ lệ giải quyết vụ việc lao động vượt 15,2%. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội; giảm 56,4% các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành.
Trong công tác giải quyết án hành chính, số lượng các vụ án đã giải quyết vượt 8,8% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội; không có vụ án nào để quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; đã ra quyết định buộc thi hành án đối với 124 trường hợp (trong khi, từ năm 2014 đến 2017, các Tòa án nhân dân chỉ ra quyết định buộc thi hành án đối với 22 trường hợp).
Tuy nhiên, các Tòa án nhân dân vẫn còn nhiều vi phạm dẫn tới Viện kiểm sát nhân dân phải ban hành 657 kiến nghị yêu cầu khắc phục trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự; 1.628 kiến nghị trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính; 81 kiến nghị trong quá trình giải quyết án hành chính. Đáng lưu ý, một số trường hợp sau khi tuyên án, đương sự phản ứng bức xúc với kết quả xét xử và dư luận xã hội chưa đồng tình. Tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Tỷ lệ thi hành án hành chính còn thấp
Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2020. Kết quả thi hành xong về tiền tăng cả về giá trị và tỷ lệ thi hành. Các vụ án trọng điểm, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng thi hành xong tăng 5,12% về việc và tăng 42,1% về tiền so với năm 2019. Công tác kiểm tra, theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, tỷ lệ thi hành xong về việc trong tổng số án dân sự có điều kiện thi hành giảm so với năm 2019; vẫn tiếp tục xảy ra các vi phạm trong xác minh, phân loại điều kiện thi hành án; quản lý, xử lý tiền, tài sản thi hành án... Trong công tác thi hành án hành chính: tỷ lệ thi hành án đạt thấp (43,73%), số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng. Đáng lưu ý phần lớn các bản án hành chính chậm được thi hành thì người phải thi hành án lại là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Về công tác thi hành án hình sự, Ủy ban Tư pháp ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác thi hành án hình sự, nhất là trong điều kiện dịch bệnh và số người bị kết án phạt tù, số người chấp hành án tại các cơ sở giam giữ cũng như số người bị kết án tử hình tăng mạnh. Các trại giam không để xảy ra tình trạng phạm nhân tập trung gây rối, chống đối tập thể; tỷ lệ phạm nhân được xếp loại cải tạo khá tăng lên. Việc tổ chức thi hành án tử hình và giải quyết cho thân nhân người bị thi hành án nhận tử thi, tro cốt về cơ bản bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá công tác thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; công tác xây dựng pháp luật; công tác cán bộ; công tác xây dựng cơ sở, vật chất; đồng thời đưa ra các kiến nghị đối với Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49447