Chia sẻ khó khăn với lao động tự do
Do dịch Covid-19, những người bán hàng rong phải nghỉ bán, lao động tự do mất việc. Nhiều đoàn thể của TP Hải Dương đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để họ vơi bớt khó khăn.
Thực hiện nghiêm cách ly xã hội, những người bán hàng rong phải nghỉ bán, lao động tự do mất việc. Họ là những người bị ảnh hưởng thu nhập đầu tiên. Nhiều gia đình vốn chỉ trông chờ vào "buôn thúng, bán mẹt", nay vì dịch bệnh kinh tế càng khó khăn.
Nghỉ là không còn thu nhập
Từ hơn chục năm nay, chị Ngô Thị Hoài ở phố Đội Cấn, phường Trần Phú (TP Hải Dương) kiếm sống bằng bán đồ giải khát, bánh kẹo cho trẻ em. Chị Hoài thường xuyên đẩy xe hàng đi bán ở cổng sau Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Trước đây chưa có dịch Covid-19, từ xe đẩy hàng nhỏ này, mỗi ngày chị Hoài cũng kiếm được khoảng 100.000đồng. Nhưng năm nay, do dịch bệnh, học sinh được nghỉ nên thu nhập của chị giảm nhiều. Từ ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội, chị Hoài phải nghỉ hẳn. Chồng chị làm nghề sửa chữa đồ điện tử. Vốn ngày thường đã ít khách, nay dịch dã cũng nghỉ. Hai vợ chồng chị Hoài hiện phải chi tiêu bằng tiền tiết kiệm trước đó. Nhà có 5 miệng ăn nên chị chi tiêu dè sẻn vì chưa biết nghỉ tới bao giờ. Đợt dịch trước, gia đình chị Hoài trong diện được hỗ trợ nhưng do hồ sơ chưa đầy đủ nên chưa được nhận tiền.
Cùng hoàn cảnh, chị Vũ Thị Nhung ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) thường ngày bán hoa tại chợ Đông Ngô Quyền (phường Tân Bình). Chị dậy từ 3-4 giờ sáng, lấy hàng ở phường Hải Tân mang lên chợ bán kiếm đồng lãi. Từ hôm thành phố thực hiện giãn cách xã hội, chị Nhung nghỉ hẳn ở nhà. Những ngày đi bán hàng, chị thu lãi 150.000-200.000 đồng/ngày, nhưng từ ngày nghỉ chị chẳng còn nguồn thu nhập nào. "Mọi ngày kiếm được vài đồng để lo chi tiêu trong nhà còn thiếu, giờ nghỉ ở nhà chơi tôi thấy sốt ruột lắm", chị Nhung rầu rĩ.
Gia đình chị Lê Thị Lan ở khu 7, phường Tân Bình (TP Hải Dương) cũng đang trong tình cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thường ngày chị Lan bán hoa quả ở chợ, chồng chị làm lao động tự do. Dù không khá giả nhưng số tiền kiếm được từ gánh hoa quả của chị và tiền ngày công của chồng cũng đủ lo cho cả nhà với 5 nhân khẩu. Từ hôm cách ly xã hội, chị Lan ở nhà, cũng không còn ai thuê mướn chồng chị nên cả gia đình càng túng thiếu.
Chung tay
Từ ngày dịch bùng phát ở TP Hải Dương, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm, đơn vị cùng vào cuộc hỗ trợ những người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài hỗ trợ các gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người già cô đơn, trẻ mồ côi, các hộ trong khu phong tỏa y tế, Hội CTĐ thành phố còn hướng tới những hộ buôn bán nhỏ, người làm nghề tự do bị giảm thu nhập. Hội đã gửi thư kêu gọi các đơn vị, người dân cùng chung tay hỗ trợ. Nhờ đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ gạo, bánh kẹo, dầu ăn, mắm muối, mỳ chính, trứng, rau sạch, mỳ tôm... Hội đã chuyển những vật phẩm trên cho Hội CTĐ các phường, xã để trao tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch Hội CTĐ thành phố cho biết: "Nhiều hộ chủ yếu sống vào nghề buôn bán nhỏ, người nhặt rác, đạp xích lô... Cuộc sống của họ vốn đã khó khăn, nay do ảnh hưởng của dịch bệnh càng khốn khó hơn. Từ số quà vận động được, Hội CTĐ thành phố đã cân đối, điều tiết giữa các địa phương, các hộ để giúp đỡ họ".
Đến ngày 24.8, Hội CTĐ thành phố đã chuyển 1.540 suất quà là nhu yếu phẩm (mỗi suất trị giá 300.000 đồng) cho nhiều người yếu thế trong xã hội. Ngoài ra, hội cũng đã chuyển 1.250 suất quà gồm 10 kg gạo, bánh, mỳ tôm cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình trong khu phong tỏa cách ly y tế, hộ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ngoài việc hướng các nguồn hỗ trợ tới các tuyến đầu chống dịch, Hội Phụ nữ TP Hải Dương cũng vận động trợ giúp hội viên nghèo, bị mất việc, giảm thu nhập do dịch bệnh. Các cấp hội đã vận động hội viên tặng 68 suất quà với tổng trị giá hơn 11triệu đồng cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều đoàn thể khác đã và đang tiếp tục kêu gọi ủng hộ người khó khăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Đây là sự động viên, hỗ trợ kịp thời, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của dân tộc.