Chia sẻ khó khăn với người lao động

Trước tác động nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, UBND TP Thủ Đức, UBND 21 quận, huyện đang khẩn trương rà soát tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở giáo dục… đang gặp khó khăn để có phương án hỗ trợ người lao động (NLĐ)theo tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố.

Đại diện Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp động viên và trao quà cho người lao động sinh sống tại phường 14, quận Gò Vấp đang thực hiện cách ly theo quy định của thành phố.

Đại diện Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp động viên và trao quà cho người lao động sinh sống tại phường 14, quận Gò Vấp đang thực hiện cách ly theo quy định của thành phố.

Trước tác động nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, UBND TP Thủ Đức, UBND 21 quận, huyện đang khẩn trương rà soát tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở giáo dục… đang gặp khó khăn để có phương án hỗ trợ người lao động (NLĐ)theo tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố.

Đây là đợt hỗ trợ thứ hai sau đợt hỗ trợ năm 2020 của chính quyền thành phố với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn, nhất là NLĐ thuộc nhóm phi chính thức, làm việc thời vụ…

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB-XH) TP Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, đối tượng được địa phương rà soát, thống kê lần này là NLÐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ đủ một tháng trở lên, mất việc làm không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Một đối tượng khác cũng được hỗ trợ là NLÐ phi chính thức (lao động tự do) không có giao kết hợp đồng lao động, bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với NLÐ tự do phải có đủ các tiêu chí và điều kiện sau: không có giao kết hợp đồng lao động, không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, làm việc thuộc khu vực kinh tế phi chính thức, có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, thường không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản bảo đảm an sinh xã hội. NLÐ tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian áp dụng cho các đối tượng được hỗ trợ kể từ ngày 1-5 đến 31-12-2021. Ông Tấn nhấn mạnh, NLÐ tự do được hỗ trợ phải cư trú hợp pháp tại địa phương và làm một trong bảy loại công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái mô-tô hai bánh chở khách, xe xích-lô chở khách; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm bảo vệ); làm công việc thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND thành phố (cơ sở làm đẹp, massage; xông hơi; các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí...). Bà Nguyễn Thị Lệ Mai, ngụ phường 7, quận Phú Nhuận chia sẻ: "Tôi chuyên phụ quán cơm gần khu vực sân bay nhưng cả tháng nay thất nghiệp. Nếu được thành phố hỗ trợ, những NLÐ thời vụ như tôi sẽ giảm bớt gánh nặng và lo âu vì dịch vẫn còn diễn biến phức tạp…".

Ông Lê Minh Tấn cho biết: Hiện Sở đã trình UBND thành phố chính sách hỗ trợ cụ thể. Dự kiến tổng kinh phí cho gói an sinh xã hội lần này hơn 1.000 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách của thành phố. Ðơn cử, mỗi NLÐ bị ngừng việc, hoãn việc do DN gặp khó khăn vì dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ mức ba triệu đồng/lần với khoảng 42 nghìn lao động được hưởng. NLÐ tự do, không ký kết hợp đồng lao động như: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, chạy xe ôm… sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/lần với khoảng 230 nghìn người được hưởng. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ còn thực hiện với các đối tượng là NLÐ chấm dứt hợp đồng lao động (không đủ điều kiện hưởng Bảo hiểm thất nghiệp); giáo viên mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ ngoài công lập; các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng do dịch… "TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện gói an sinh xã hội một cách kịp thời như đã thực hiện trong đợt dịch của năm 2020 là thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Ðảng bộ, chính quyền thành phố để hỗ trợ cho người dân, NLÐ và DN vượt qua khó khăn, vực dậy sản xuất, tiếp thêm cơ hội để hàng nghìn người có việc làm, ổn định cuộc sống", ông Lê Minh Tấn nhấn mạnh.

Thực hiện hỗ trợ cho NLÐ theo Quyết định 2606/QÐ-TLÐ của Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư kể từ ngày 27-4-2021, LÐLÐ thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLÐ trên địa bàn thành phố. Theo đó, LÐLÐ thành phố đã chi hỗ trợ cho 101 trường hợp theo Quyết định 2606 của Tổng LÐLÐ Việt Nam với số tiền 55 triệu đồng. LÐLÐ thành phố đang tiếp tục thống kê những NLÐ thuộc diện hỗ trợ để thực hiện chi trả chế độ theo quy định. Theo quyết định này, đoàn viên, NLÐ khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả DN, đơn vị chưa có tổ chức công đoàn) là F0 đang điều trị bệnh được hỗ trợ nhiều nhất là ba triệu đồng/người; đoàn viên, NLÐ (tại các DN, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí công đoàn) là F1 phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, DN), mức hỗ trợ nhiều nhất là 1,5 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn thành phố còn tập trung cho công tác chăm lo cho đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức - NLÐ trong các cơ quan, đơn vị, DN, các khu lưu trú, khu nhà trọ bị cách ly gồm nhu yếu phẩm và các vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết với tổng số tiền hơn 150 triệu đồng. Ngoài ra, LÐLÐ thành phố tổ chức các đoàn đi thăm và tặng quà cho lực lượng phòng, chống dịch tại địa phương với tổng số tiền chăm lo hơn 533 triệu đồng…

Phó Chủ tịch LÐLÐ TP Hồ Chí Minh, Hồ Xuân Lâm nhấn mạnh: Công đoàn thành phố tập trung chăm lo cho NLÐ làm việc tại các Khu chế xuất, Khu công nghiệp, DN đang bị cách ly do dịch Covid-19 là các đối tượng trực tiếp sản xuất cho nên việc chăm lo cần kịp thời, đúng quy định của Tổng LÐLÐ Việt Nam. Họ chính là nguồn lực lao động quan trọng để duy trì bộ máy, dây chuyền sản xuất, vì vậy các cấp công đoàn quan tâm chăm lo kịp thời đúng đối tượng để họ yên tâm chữa trị trong thời gian bị cách ly, bảo đảm đủ sức khỏe khi quay trở lại làm việc.

Bài và ảnh: VÕ LÊ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/chia-se-kho-khan-voi-nguoi-lao-dong-650118/