Chia sẻ kinh nghiệm hạn chế rủi ro trong giao dịch bảo đảm khi cấp tín dụng
Ngày 9/2, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) có cuộc tọa đàm trực tuyến toàn quốc về triển khai Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Đánh giá tại tọa đàm này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, hoạt động cấp tín dụng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó, các biện pháp bảo đảm được áp dụng tương đối phổ biến để phòng ngừa và dự phòng rủi ro.
Tăng các biện pháp kiểm soát rủi ro với tổ chức tín dụng phi ngân hàng ECB cảnh báo ngân hàng trong Eurozone về các rủi ro tiềm ẩn trong 2023
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, biện pháp bảo đảm không phải là điều kiện bắt buộc khi cấp tín dụng, nhưng là một trong các yếu tố quan trọng để tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá, quyết định cấp tín dụng cho khách hàng. Vì vậy, các TCTD thường yêu cầu người vay phải có tài sản bảo đảm cho số tiền vay.
Đến nay, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm (hiệu lực thi hành kể từ đầu năm 2023) đã quy định nhiều nội dung mới tác động tích cực đến hoạt động của các TCTD, góp phần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các TCTD trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm.
Theo các chuyên gia của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tham dự tọa đàm, việc nắm bắt các quy định mới sẽ giúp các TCTD giảm thiểu được nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện thực tế.
Trong đó, một số quy định mới bao gồm quy định cụ thể đăng ký biện pháp bảo đảm đối với các giao dịch bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên thứ ba; quy định tư cách của chủ doanh nghiệp tư nhân trong việc đứng tên người yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm.
Một trong những nội dung quan trọng trong nghị định là trách nhiệm của cơ quan đăng ký trong việc không yêu cầu sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp vi phạm nguyên tắc này; tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai số hóa hồ sơ.../.