CHIA SẺ KINH NGHIỆM HOẠT ĐỘNG DÂN CỬ GIỮA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH, ỦY BAN XÃ HỘI VỚI THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH BÌNH DƯƠNG
Sáng 24/02 tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thường trực Ủy ban Xã hội phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tổ chức giám sát, thẩm tra trong hoạt động dân cử.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có đại diện Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thường trực Ủy ban Xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương và lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, đại diện HĐND các huyện, thành phố của tỉnh Bình Dương.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan dân cử ở Trung ương và địa phương
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Quốc hội và Hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử, các đại biểu đều do cử tri bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân.
Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Hội đồng nhân dân tỉnh có nhiệm vụ tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật: quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nhấn mạnh, trong những năm qua, hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống pháp luật Việt Nam đến nay cơ bản đồng bộ, với số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, đã thể chế hóa tương đối đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý cho sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước, là một trong những yếu tố quan trọng mang tính quyết định giúp đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, tổ chức Hội nghị là cần thiết và có ý nghĩa để tiếp tục cùng nhau phát huy các kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục các hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan dân cử ở Trung ương và địa phương; đồng thời, là dịp để tăng cường, thúc đẩy mối quan hệ phối hợp, giao lưu hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan dân cử.
Kinh nghiệm trong hoạt động thẩm tra, giám sát thuộc lĩnh vực quốc phòng, và an ninh, trật tự và xã hội
Chia sẻ một số kinh nghiệm trong hoạt động thẩm tra, giám sát các nội dung thuộc lĩnh vực quốc phòng, và an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh cho biết, trong hoạt động lập pháp, giám sát, Ủy ban luôn bám sát các chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng đoàn Quốc hội; đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động sát, đúng là định hướng quan trọng để Ủy ban thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh nhấn mạnh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh luôn chủ động “từ sớm, từ xa” trong công tác xây dựng pháp luật. Tinh thần chủ động, “từ sớm, từ xa” làm cho việc thẩm tra hiệu quả, thể hiện rõ nét nhất từ khi bắt đầu nhiệm kỳ khóa XV này. Thường trực Ủy ban Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã vào cuộc từ sớm cùng với Ban soạn thảo, Tổ biên tập các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết ngay từ đầu, từ khi mới thành lập đã cử người tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập để cùng trao đổi về quy trình, thủ tục, nắm bắt về nội dung phục vụ cho công tác thẩm tra, chỉnh lý được hiệu quả, chất lượng hơn.
Ủy ban cũng luôn coi trọng công tác thu thập thông tin, tài liệu, chủ động nghiên cứu kết hợp với huy động sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thẩm tra các dự án, dự thảo do Ủy ban phụ trách; lựa chọn chuyên đề giám sát, đối tượng giám sát và làm tốt công tác chuẩn bị quyết định chất lượng hoạt động giám sát…
Liên quan đến kinh nghiệm tổ chức giám sát, thẩm tra và tổ chức phiên giải trình các nội dung thuộc lĩnh vực xã hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lê Văn Khảm cho rằng, việc đề xuất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải xuất phát từ yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thực tiễn đời sống nhân dân.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lê Văn Khảm nhấn mạnh, các cơ quan có trách nhiệm trong quy trình lập pháp phải thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục và bảo đảm chất lượng nội dung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, các Ban soạn thảo cần quan tâm nhiều đến công tác nghiên cứu, phân tích, đánh giá tác động chính sách, đưa ra các phương án khác nhau với giải trình minh bạch, có cơ sở, thuyết phục để cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội có căn cứ xem xét và quyết định.
Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập, khách quan trong suốt quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh. Nhất quán quan điểm lấy chất lượng làm đầu, thẳng thắn góp ý xây dựng, thể hiện thái độ, chính kiến rõ ràng đối với những nội dung chuẩn bị chưa đạt yêu cầu.
Ủy ban Xã hội cũng đã tăng cường phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong hoạt động thẩm tra, giám sát. Huy động sự tham vấn của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, đánh giá thực tiễn đầy đủ, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, của đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của dự luật để bảo đảm tính phản biện, khách quan.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lê Văn Khảm cho rằng kết quả giám sát là cơ sở quan trọng đánh giá thực trạng, nhận diện vấn đề, tiếp nhận thông tin đa chiều, củng cố quan điểm chính sách để đề xuất, thẩm tra Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như để thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết.
Tại Hội nghị, các đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương cũng đã trao đổi với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thường trực Ủy ban Xã hội về công tác giám sát và thẩm tra các dự thảo nghị quyết của HĐND về lĩnh vực Pháp chế, văn hóa xã hội.
Các đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương đề nghị các cơ quan của Quốc hội tạo điều kiện cho HĐND tỉnh tiếp cận và tham gia vào các hoạt động giám sát của Quốc hội tại địa phương, tham dự các Hội nghị, Hội thảo chuyên đề… nhằm giúp địa phương kịp thời nắm bắt tình hình thực tiễn và tăng cường tính phối hợp và trách nhiệm trong tổ chức hoạt động giám sát, tái giám sát tại địa phương.
Đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức; các lớp bồi dưỡng và nâng cao năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác thẩm tra, giám sát nhất là đối với các nội dung về lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục… cho các đại biểu chuyên trách và các đại biểu HĐND các cấp; Đề nghị Quốc hội, các cơ quan Trung ương có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi, kiện toàn bộ máy tham mưu giúp việc cho HĐND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả giúp nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động…
Hình thành cơ chế chia sẻ, hợp giữa các cơ quan của Quốc hội và HĐND địa phương
Kết luận Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tổ chức giám sát, thẩm tra cũng như hoạt động của đại biểu dân cử giữa Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thường trực Ủy ban Xã hội và Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội bày tỏ vui mừng khi Hội nghị đã đạt được những kết quả tích cực. Qua Hội nghị, các đơn vị đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động tổ chức giám sát, thẩm tra tại đơn vị mình, đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan.
Ghi nhận các ý kiến kiến nghị của các đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND ở địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Thường trực Ủy ban Xã hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương nghiên cứu, phối hợp với địa phương để có những giải pháp đối với từng kiến nghị.
Với tinh thần hợp tác, chia sẻ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh mong rằng trong thời gian tới Thường trực 2 Ủy ban và HĐND tỉnh Bình Dương phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong các hoạt động giám sát, thẩm tra tại địa phương, đặc biệt là công tác đối thoại cử tri; hình thành cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin giữa 2 Ủy ban và HĐND tỉnh Bình Dương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan dân cử ở Trung ương và địa phương./.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội nghị:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73428