Chia sẻ kinh nghiệm hợp tác Nam-Nam trong phát triển thương mại lúa gạo

Việt Nam luôn sẵn sàng và cam kết mở rộng hợp tác Nam-Nam để hỗ trợ các quốc gia châu Phi bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, hướng đến mục tiêu Tăng trưởng Xanh, phát triển bền vững.

Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Trong khuôn khổ Festival Quốc tế Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023, chiều 12/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức Hội thảo Đối thoại Chính sách Việt Nam-châu Phi: Hợp tác Nam-Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực.

Hội thảo nhằm thúc đẩy đối thoại về quy mô, phương thức, hiệu quả hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và một số quốc gia châu Phi thông qua chia sẻ kinh nghiệm về hợp tác Nam-Nam trong phát triển thương mại lúa gạo, kết nối chuỗi giá trị thực phẩm nông sản và an ninh lương thực toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, đã và đang hướng đến là nhà sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch-trách nhiệm-bền vững, một nền Nông nghiệp Xanh, ít phát thải với mục tiêu hướng đến mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

"Với những kinh nghiệm của mình cùng với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng và cam kết mở rộng hợp tác Nam-Nam để hỗ trợ các quốc gia châu Phi bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, hướng đến mục tiêu Tăng trưởng Xanh, phát triển bền vững và thịnh vượng," Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, hội thảo là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, cơ chế thúc đẩy về hợp tác Nam-Nam trong phát triển khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện của châu Phi; phát triển thương mại lúa gạo, kết nối chuỗi giá trị thực phẩm nông sản và an ninh lương thực toàn cầu; đồng thời, đánh dấu bước hợp tác quan trọng của Việt Nam và các tổ chức quốc tế về phối hợp khoa học, kỹ thuật và thể chế trong hợp tác Nam-Nam nhằm hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm; thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam; trong đó có Hậu Giang luôn chung tay phát triển nền nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực toàn cầu.

 Lễ ký kết Biên bản Ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế về phối hợp khoa học, kỹ thuật và thể chế trong hợp tác Nam-Nam nhằm hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Lễ ký kết Biên bản Ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế về phối hợp khoa học, kỹ thuật và thể chế trong hợp tác Nam-Nam nhằm hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Tiến sỹ Jongsoo Shin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) khu vực châu Á nhận định sản lượng lúa thấp, hạn chế tiếp cận công nghệ tiên tiến, quản lý sau thu hoạch gặp khó khăn ảnh hưởng đến an ninh lương thực là những vấn đề châu Phi đang đối mặt. Các vùng trồng lúa châu Á phải giải quyết vấn đề do suy thoái đất và tài nguyên nước.

"Nếu các nhà khoa học phát triển công nghệ mà không đối thoại chặt chẽ với người nông dân, thì người dân châu Á, châu Phi đều không thể tiếp cận được kỹ thuật tiên tiến. Do đó, chia sẻ kiến thức và chuyên môn là một trong những mục tiêu chính của hợp tác Nam-Nam. Hợp tác Nam-Nam có tiềm năng cách mạng hóa sản xuất lúa gạo ở châu Á và châu Phi, các quốc gia cần trao đổi kiến thức, nguồn lực, cách thực hành nông nghiệp tiên tiến nhất. Bên cạnh đó, hợp tác với tổ chức quốc tế sẽ giúp các quốc gia đang phát triển huy động vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo phân phối nguồn giống công bằng," tiến sỹ Jongsoo Shin cho hay.

Tại Hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi các nội dung về thúc đẩy hợp tác khoa hoa học công nghệ phù hợp với điều kiện của châu Phi; kinh nghiệm và gợi ý từ FAO trong tăng cường kết nối chuỗi giá trị nông sản thực phẩm Nam-Nam; thúc đẩy hợp tác Nam-Nam cho thương mại lúa gạo và an ninh lương thực toàn cầu; hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và các nước châu Phi trong nỗ lực chuyển đổi hệ thống nông sản thực phẩm; chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển lúa gạo bền vững trong Hợp tác Nam-Nam từ dự án "Các trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh - GIC."

Hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết Ý định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế về phối hợp khoa học, kỹ thuật và thể chế trong Hợp tác Nam-Nam nhằm hỗ trợ chuyển đổi Hệ thống lương thực, thực phẩm đánh dấu bước hợp tác quan trọng giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với các quốc gia và tổ chức quốc tế, thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc chung tay phát triển nền nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chia-se-kinh-nghiem-hop-tac-nam-nam-trong-phat-trien-thuong-mai-lua-gao-post915213.vnp