Chia sẻ kinh nghiệm, phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam
Ngày 3/7, tại Trung tâm hội nghị chùa Bái Đính, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Ủy ban UNESCO Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.
Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế cùng đại diện của 32 địa phương của Việt Nam có di sản được UNESCO công nhận để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tham luận, tìm biện pháp để phát huy tối đa danh hiệu UNESCO để phục vụ phát triển bền vững nhất.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Phát triển bền vững và sáng tạo đã trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Việt Nam coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đó vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh nội sinh và là nguồn lực, động lực quan trọng để phát triển.
Trong suốt 47 năm qua kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập UNESCO, người Việt Nam đã phát huy tâm thế và mang nhận thức đó vào trong tất cả các hoạt động hợp tác với các đối tác nhất là với UNESCO. Quan hệ Việt Nam – UNESCO là hình mẫu tốt về hợp tác hiệu quả, ở đó Việt Nam – UNESCO là những người bạn cùng chí hướng, chung tầm nhìn và rất kiên trì, bền bỉ trong việc thực hiện các cam kết.
Không những thế, Việt Nam là một trong những quốc gia tổ chức nhiều hoạt động, tham gia nhiều sự kiện quan trọng quốc tế và được UNESCO bầu giữ các chức vụ lãnh đạo. Điều đó đã khẳng định Việt Nam là thành viên chủ động và có trách nhiệm đối với UNESCO, đóng góp tích cực cho thành công của các khuôn khổ và hoạt động của UNESCO, đặc biệt là trong kiến tạo, đối thoại, hợp tác vì hòa bình và phát triển.
Về phía đại diện UNESCO, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại Firmin Edouard Matoko cho biết: Việt Nam là hình mẫu hợp tác tích cực và hiệu quả với UNESCO, trong suốt 47 năm qua, Việt Nam và UNESCO đã xây dựng mối quan hệ bền chặt dựa trên niềm tin chung về tầm quan trọng thiết yếu của giáo dục, khoa học và văn hóa như những động lực chính cho sự phát triển bền vững.
Hội nghị được diễn ra với 3 phiên thảo luận chuyên đề với sự tham gia của hơn 10 chuyên gia nước ngoài, hàng chục tham luận của đại diện các tỉnh, thành phố tại Việt Nam có di sản được UNESCO vinh danh cùng rất nhiều các nhà khoa học, nhà nghiên cứu nhằm mục tiêu định vị lại Việt Nam trong khu vực và trên thế giới là một đất nước đầy tiềm năng về cơ hội phát triển bền vững, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu xã hội mà vẫn đảm bảo việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa – thiên nhiên và các giá trị truyền thống.
Hội nghị cũng là dịp để các tỉnh, thành phố có di sản trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác nghiên cứu, bảo tồn, quản lý trong nước và quốc tế, từ đó thảo luận nhằm đưa ra được định hướng cho công tác bảo tồn và phát huy nhiều hơn nữa giá trị của di sản theo hướng bền vững nhất.