Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam

Sáng nay (21/3), tại Trường Đại học Công đoàn đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về 'Phát triển công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam - tiên phong trong chính sách an sinh xã hội và việc làm'.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết: Được sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Trường Đại học Công đoàn phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam - tiên phong trong chính sách an sinh xã hội và việc làm”.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đây là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi học thuật và kinh nghiệm; chia sẻ tri thức về vấn đề công tác xã hội với người lao động, chính sách an sinh xã hội, việc làm với người lao động tại Việt Nam hiện nay.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tiến sĩ Dương Thị Thanh Xuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết: Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020, từ đó công tác xã hội chính thức được công nhận là nghề chuyên nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện để phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam, cũng như phát triển công tác an sinh xã hội ngày càng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Với vị trí, vai trò trong việc trợ giúp con người, công tác xã hội giữ vai trò tiên phong trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, tuy nhiên, theo Tiến sĩ Dương Thị Thanh Xuân, trên thực tế, bên cạnh những thuận lợi, người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về việc làm, thu nhập, nhà ở, giáo dục, y tế… Mô hình công tác xã hội với người lao động chưa được thực hiện, nhất là tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho người lao động.

Do đó, Hội thảo là là dịp để cùng nhìn lại thực tiễn, đề xuất các giải pháp phát triển nghề công tác xã hội, cũng như các giải pháp để đảm bảo việc làm và an sinh xã hội ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Tại hội thảo, từ hơn 100 bài nghiên cứu, đánh giá gửi tới, Ban Tổ chức đã chọn lựa 80 bài đưa vào Kỷ yếu hội thảo, trong đó có 32 bài nghiên cứu bằng Tiếng Anh, 48 bài tiếng Việt.

Tiến sĩ Dương Thị Thanh Xuân cho biết: Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu sẽ trình bày và tập trung thảo luận: Làm rõ những hạn chế, kết quả, bài học kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, triển khai, thực thi chính sách; những khoảng trống về khung pháp lý, về cơ chế, chính sách đối với hoạt động công tác xã hội nói chung và trong lĩnh vực can thiệp của công tác xã hội đối với người lao động nói riêng để chính sách an sinh xã hội gần với đời sống thực tiễn, giải quyết được các vấn đề của người lao động trong giai đoạn hiện nay, qua đó giúp người lao động được tiếp cận bình đẳng cơ hội việc làm và đào tạo nghề, xây dựng những mô hình công tác xã hội với người lao động phù hợp.

Các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự Hội thảo.

Các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự Hội thảo.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, ông André Gama - Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam khẳng định: An sinh xã hội là một quyền cơ bản của con người, được ghi trong các công cụ nhân quyền cốt lõi của Liên hợp quốc. Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến nhằm tạo cơ sở cho việc từng bước mở rộng mức độ bao phủ an sinh xã hội. Những điều này đã được thể hiện trong Đề án tổng thể về cải cách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28-NQ/TW) và Đề án đổi mới và phát triển trợ giúp xã hội (Quyết định 488/TTg/2027), cũng như các kế hoạch hành động tương ứng.

Đặc biệt, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đặt ra mục tiêu bao phủ 60% dân số trong độ tuổi lao động vào năm 2030 thông qua hệ thống bảo hiểm xã hội, với mục tiêu cuối cùng đạt được là “bảo hiểm xã hội toàn dân”. Tuy nhiên, theo ông André Gama, hiện nay vẫn còn những khoảng trống đáng kể trong công tác an sinh xã hội.

Từ việc phân tích các thách thức chính đối với người lao động ở Việt Nam trong việc tiếp cận đến các chế độ an sinh xã hội một cách đầy đủ và thỏa đáng, ông André Gama cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam cần phải cải cách khẩn cấp và đáng kể để có thể tiếp tục tiến tới mục tiêu an sinh xã hội cho tất cả mọi người.

Ông André Gama - Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo.

Ông André Gama - Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo.

Ông André Gama cũng dành thời gian phân tích sâu hơn về 4 trụ cột chính khi tập trung vào người lao động là: Tăng cường phối hợp và liên kết giữa các nhánh an sinh xã hội khác nhau; tăng cường sự tập trung vào các chương trình bắt buộc; làm cho an sinh xã hội trở nên hấp dẫn hơn đối với người lao động trong quá trình làm việc của họ; tăng đầu tư và trợ cấp của Nhà nước để hỗ trợ sự tham gia của người lao động.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chia-se-kinh-nghiem-ve-phat-trien-cong-tac-xa-hoi-voi-nguoi-lao-dong-tai-viet-nam-167894.html