Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Trung tâm Quản lý rủi ro liên ngành tập trung

Ngày 9.6, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về Trung tâm quản lý rủi ro liên ngành tập trung và thảo luận khả năng thành lập mô hình này tại Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, trong những năm qua, bằng việc áp dụng quản lý rủi ro kết hợp với chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", ngành hải quan đã giảm đáng kể tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa. Tuy nhiên, để áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu trên cơ sở thực hiện các chính sách quản lý chuyên ngành, yêu cầu đặt ra là nghiên cứu và xây một mô hình Trung tâm Quản lý rủi ro liên ngành tập trung.

Theo ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại (USAID/TFP), tỷ lệ hàng hóa cần phải kiểm tra chuyên ngành đã giảm từ 30% năm 2015 xuống 19% hiện nay song thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn cần được tiếp tục cải thiện để tạo thuận lợi thương mại theo yêu cầu của Chính phủ. Mặt khác, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành và các quy định liên quan theo hướng giảm kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro. Chính phủ cũng đã đặt những mục tiêu trong phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc xây dựng Trung tâm Quản lý rủi ro để quản lý thông quan trên toàn quốc một cách thống nhất.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá cao ý tưởng về việc xây dựng mô hình Trung tâm quản lý rủi ro liên ngành tập trung, bởi hiện nay nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành chưa được áp dụng quản lý rủi ro.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Hoa Kỳ, chuyên gia quốc tế của dự án USAID/TFP Daniel Baldwin cho biết, điều quan trọng khi xây dựng mô hình này là cần duy trì được sự minh bạch trong các cơ quan liên ngành khác nhau. Ba hình thức có thể áp dụng khi xây dựng mô hình gồm: ủy quyền, hợp tác giao ủy quyền hoặc đưa các bộ tham gia biệt phái tại trung tâm.

Giới thiệu về mô hình 5 con mắt đại diện cho 5 cơ quan khác nhau đã được áp dụng tại Australia, New Zealand, Canada và Vương quốc Anh, ông Daniel Baldwin cho rằng, mô hình trung tâm quản lý rủi ro cần có cái nhìn tổng thể về chuỗi thương mại, sử dụng dữ liệu thương mại gửi trước và công cụ phân tích tiên tiến, với các đối tác phân tích thương mại, thanh tra, hình sự, thuế. Bên cạnh đó, để quản lý rủi ro liên ngành tập trung, Hoa Kỳ còn xây dựng Hội đồng điều hành biên giới liên ngành (BIEC).

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/chia-se-kinh-nghiem-xay-dung-trung-tam-quan-ly-rui-ro-lien-nganh-tap-trung-i291660/