Chia sẻ kỹ thuật để cùng sản xuất hiệu quả English Edition
Thời gian qua, nông dân tỉnh Long An ta thường xuyên trao đổi, chia sẻ kỹ thuật canh tác nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật với nông dân nước bạn để sản xuất hiệu quả hơn.
Hướng dẫn sản xuất
Những năm đầu sau giải phóng, tỉnh Long An huy động lực lượng hơn 10.000 người để giúp nhân dân tỉnh Svay Rieng và một số tỉnh khác của Campuchia trên cả 2 phương diện đánh địch và xây dựng toàn diện. Ngày nay, trong sản xuất nông nghiệp, nông dân 2 nước vẫn thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nhau.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh, nông nghiệp Campuchia trước đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nông dân Campuchia chủ yếu sản xuất theo thói quen, tập quán nên năng suất và chất lượng nông sản khá thấp, chủ yếu tự cung, tự cấp và chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Thời gian qua, thông qua các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật và sự trao đổi, chia sẻ của nông dân 2 bên biên giới, nhiều thông tin nông nghiệp hữu ích và kỹ thuật được nông dân Campuchia ứng dụng để cải tiến canh nông và chất lượng sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Bé chia sẻ: “Địa phương có hơn 100ha đất nông nghiệp cặp tuyến biên giới. Nông dân địa phương cùng nông dân nước bạn Campuchia thường xuyên qua lại, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, nắm bắt nhu cầu về mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ, thúc đẩy các cơ hội hợp tác trong sản xuất nông nghiệp; giới thiệu những thành tựu về khoa học - công nghệ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao”.
Anh Nguyễn Quốc Kỳ, ngụ xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, nói: “Tôi canh tác hơn 10ha giáp ranh nước bạn. Ngoài ra, tôi còn thuê 5ha đất nông nghiệp để sản xuất lúa tại xã ThMay của nước bạn. Mỗi mùa vụ, tôi cùng nông dân nước bạn trao đổi kỹ thuật sản xuất; hướng dẫn họ cách cải tạo đất, gieo sạ theo hàng và áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; sử dụng phân, thuốc đúng quy trình. Nhờ đó, những năm gần đây, năng suất tăng lên rõ rệt”.
Năng suất tăng gấp đôi
Chủ tịch UBND xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng - Trương Đông Hồ cho biết: “Nông dân nước bạn còn hạn chế về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp trong khi tiềm năng phát triển nông nghiệp lại rất lớn. Để nông dân Campuchia sản xuất theo phương pháp mới, cách tốt nhất là “cầm tay, chỉ việc” và “mắt thấy tai nghe”. Cụ thể, cho họ thấy được thành quả của việc áp dụng khoa học - kỹ thuật là năng suất lúa tăng cao. Từ đó họ áp dụng các kỹ thuật canh tác mới, cách gieo sạ hàng, tiết kiệm giống, phòng trị dịch hại trên lúa, đưa ra quy trình và kỹ thuật chăm bón khoa học. Nhiều năm qua, nông dân 2 nước thường xuyên giao lưu, học hỏi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đạt hiệu quả ngày càng cao”.
Anh Phat Chang (xã Cham, huyện Kampong Trabaek) phấn khởi khi việc sản xuất lúa mang lại hiệu quả hơn cả sự mong đợi. Anh Chang tâm sự: “Ruộng lúa này trước đây chỉ thu hoạch 3-4 tấn/ha là coi như đã được mùa. Nhưng những năm gần đây, được các bạn nông dân Việt Nam đến tận đồng ruộng hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là cách phòng, trừ sâu, bệnh và bón phân hợp lý nên năng suất tăng rõ rệt. Vụ Đông Xuân năm rồi, tôi thu hoạch gần 7 tấn/ha, cao gấp đôi so với các vụ trước”.
Vui không kém gì anh Chang, anh Sok Chàm (xã Thmay, huyện Kampong Ro) hào hứng khoe, 4ha đất của anh chưa bao giờ đạt năng suất cao như vậy. Nhờ áp dụng phương thức sản xuất mới mà nông dân Việt Nam hướng dẫn, anh thu hoạch lúa được gần 7 tấn/ha. Anh Chàm nói: “Tôi học được rất nhiều từ những hướng dẫn của nông dân, chủ đại lý thuốc bảo vệ thực vật bên huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng. Tôi thường xuyên sử dụng phân, thuốc theo đúng hướng dẫn, giúp cây lúa khỏe mạnh, mang lại hiệu quả rõ rệt. Chắc chắn vụ mùa này, năng suất sẽ cao như những vụ trước”.
Theo chị Bùi Thị Huệ - chủ đại lý phân, thuốc Ngọc Dung (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng), hơn 20 năm nay, gia đình chị bán thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn cho rất nhiều nông dân nước bạn. Chị Huệ kể: “Do đất nông nghiệp bên nước bạn cằn cỗi, hệ thống thủy lợi chưa bảo đảm nên năng suất lúa thấp. Trung bình mỗi năm, họ lời khoảng 10 triệu đồng/ha là vui rồi. Từ khi nông dân 2 bên biên giới thường xuyên qua lại, trao đổi, học hỏi cũng như hướng dẫn họ cách sử dụng phân, thuốc hiệu quả thì những năm gần đây, năng suất lúa tăng cao. Bây giờ, trung bình mỗi năm, họ sản xuất 2 vụ, lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha nếu lúa bán được giá”.
Việc canh tác nông nghiệp của nông dân Campuchia ngày càng thuận lợi, đạt hiệu quả, trong đó có sự chia sẻ, hướng dẫn để cùng sản xuất hiệu quả của nông dân Việt Nam./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/chia-se-ky-thuat-de-cung-san-xuat-hieu-qua-a86548.html