Chia sẻ những kinh nghiệm cứu nạn, cứu hộ tại Myanmar

Ngày 4-4, điểm đổ nát khách sạn Jade City, thị trấn Poke Ba Thiri, Thủ đô Naypyidaw (Myanmar), là tâm điểm cứu nạn khi hiện trường rất khó khăn và còn ít nhất 3 nạn nhân mắc kẹt ở đây.

Trong ngày, có 5 đoàn cứu hộ quốc tế cùng đến khu vực trên làm theo chiến thuật đoàn Bộ Công an Việt Nam đưa ra để thực hiện nhiệm vụ giải cứu.

Trước đó, tại cuộc họp của 16 đoàn cứu nạn quốc tế tại Myanmar, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đã nêu các phương pháp, chiến thuật để thực hiện nhiệm vụ giải cứu và được các đoàn công tác quốc tế khác đồng tình, đánh giá cao.

Điểm tìm kiếm của đoàn Việt Nam cùng các đoàn cứu trợ quốc tế trong ngày 4-4. Ảnh: Lê Hoàng

Điểm tìm kiếm của đoàn Việt Nam cùng các đoàn cứu trợ quốc tế trong ngày 4-4. Ảnh: Lê Hoàng

Do tòa nhà còn lại của khách sạn có thể tiếp tục đổ sập xuống bất kỳ lúc nào, để bảo đảm an toàn cho công tác tìm kiếm, cứu nạn, cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an Việt Nam đã lên kế hoạch, phương án tỷ mỉ, đào, lật từng lớp đất, gạch… Các đoàn cứu trợ nước bạn rất ngạc nhiên khi thấy cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an Việt Nam đặt những chai nước uống dở ở nhiều địa điểm chuẩn bị việc đào bới.

Đồng thời, các đoàn cứu trợ nước bạn khâm phục hơn khi được giải thích đây là kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn của các chiến sĩ cứu nạn Công an nhân dân Việt Nam. Hiện trường đổ sập nhà cao tầng thường có diện tích rất rộng, các thiết bị kiểm tra rung chấn hiện đại mà đoàn mang theo còn hạn chế về số lượng. Những chai nước lật ngược trên vừa sẵn có, vừa thiết lập nhanh, do đó phát huy tốt việc cảnh báo rung chấn.

Phương án cứu hộ của đoàn Việt Nam được các bạn quốc tế đánh giá cao. Ảnh: Lê Hoàng

Phương án cứu hộ của đoàn Việt Nam được các bạn quốc tế đánh giá cao. Ảnh: Lê Hoàng

Đã 6 ngày từ khi đoàn công tác của Công an nhân dân Việt Nam nhận nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong trận động đất tại nước bạn Myanmar. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 7 nạn nhân được cán bộ, chiến sĩ Công an Việt Nam tìm thấy và cứu giúp. Để có thể thực hiện nhiệm vụ cũng như thao tác cứu nạn được nhanh chóng, kịp thời, ngoài kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn của mỗi cán bộ, chiến sĩ thì sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật cũng đóng góp không nhỏ.

Kinh nghiệm đặt chai nước uống dở để nhận biết rung chấn. Ảnh: Lê Hoàng

Kinh nghiệm đặt chai nước uống dở để nhận biết rung chấn. Ảnh: Lê Hoàng

Thượng úy Dương Văn Linh - Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an Việt Nam) cho biết, việc sử dụng kìm thủy lực, cưa máy có thể phá vỡ được các mảng, khối bê tông lớn nhưng gần như không gây ra rung chấn… Những động tác kìm nhanh, ngọt khiến các mảng bê tông vỡ vụn tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ tiếp cận hiện trường, giải cứu nạn nhân, đồng thời, giảm thiểu tối đa các nguy cơ bị sập đổ thứ cấp… Chiếc kìm thủy lực này được các chiến sĩ gọi là "chiến thần" trong chiến dịch cứu nạn, cứu hộ lần này tại Myanmar.

Sử dụng kìm cắt hiệu quả. Ảnh: Lê Hoàng

Sử dụng kìm cắt hiệu quả. Ảnh: Lê Hoàng

Anh Soe Myint Tun, Đội cứu nạn, cứu hộ Myanmar cho biết: "Có rất nhiều quốc gia cử đoàn cứu hộ đến Myanmar để khắc phục hậu quả, trong số những đội cứu hộ, tôi nhận thấy đội cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam rất mạnh cùng trang thiết bị đầy đủ và các bạn đã hỗ trợ chúng tôi rất tích cực trong những ngày qua. Những kinh nghiệm quý báu được đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam chia sẻ khiến các bạn bè quốc tế rất trân trọng".

Đặc biệt ấn tượng với bạn bè quốc tế là tính kỷ luật của các chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam rất cao. Mỗi buổi sáng trước khi lên đường ra hiện trường, Đại tá Nguyễn Minh Khương đều tổ chức đội hình 26 thành viên trong đoàn để tổng kết rút kinh nghiệm ngày làm việc trước đó, lên kế hoạch phương án tác chiến và phân công nhiệm vụ trong ngày. Việc tập trung đội hình tổng kết toàn đoàn mỗi buổi sáng thể hiện sự chính quy, khoa học và nâng cao tinh thần cho chiến sĩ trước giờ ra hiện trường.

Tại nơi đóng quân của đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam, người dân Myanmar sinh sống gần đó thường xuyên đến chia sẻ với những người bạn đến từ Việt Nam, những người mà họ cảm nhận rõ được sự thân thiện, gần gũi như người thân.

Chu Dũng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chia-se-nhung-kinh-nghiem-cuu-nan-cuu-ho-tai-myanmar-697940.html