Đề xuất bỏ án tử hình đối với 8 tội danh: Bước tiến trong cải cách tư pháp
Theo luật sư Phạm Thành Tài, việc bỏ hình phạt tử hình đối với những tội danh này không làm giảm hiệu quả răn đe mà còn giúp tăng tính công bằng, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đây là một bước tiến quan trọng trong cải cách tư pháp, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.
Mới đây, Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an soạn thảo. Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở luật hiện hành, trong đó có tội tham ô tài sản, nhận hối lộ. Phóng viên VOV.VN đã trao đổi với luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh về sự sửa đổi này.
PV: Luật sư nhận định như thế nào về đề xuất của Bộ Công an về việc bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở luật hiện hành? Nếu bỏ hình phạt tử hình thì hình phạt cao nhất dành cho những tội danh này liệu có đủ sức răn đe để ngăn ngừa tội phạm hay không, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thành Tài: Hình phạt tử hình là biện pháp chế tài nghiêm khắc nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm trừng trị các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cải cách tư pháp nước ta và xu hướng nhân đạo hóa hình phạt trên thế giới, vấn đề duy trì hay loại bỏ án tử hình đang trở thành một chủ đề gây nhiều tranh cãi.
Tôi cho rằng, chúng ta cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình nhưng theo lộ trình giảm dần, tiến tới xóa bỏ đối với một số tội danh không còn phù hợp. Việc điều chỉnh này cần dựa trên các tiêu chí như: Mức độ nguy hiểm của tội phạm và tầm quan trọng của khách thể bị xâm phạm; áp lực từ tình hình tội phạm thực tế; khả năng khắc phục hậu quả của tội phạm; quan điểm nhân đạo và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc phòng chống tội phạm.
Do vậy, tôi cũng đồng tình với đề xuất của Bộ Công an về việc bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) đối với các tội danh tại dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) như nêu trên.
Theo quan điểm của tôi, việc bỏ hình phạt tử hình đối với những tội danh này không làm giảm hiệu quả răn đe mà còn giúp tăng tính công bằng, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đây là một bước tiến quan trọng trong cải cách tư pháp, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam. Cải cách này không chỉ thể hiện tinh thần nhân đạo của pháp luật mà còn giúp đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả trong phòng, chống tội phạm.
PV: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự liên quan đến áp dụng hình phạt tử hình và thi hành án tử hình hiện nay còn bất cập gì cần sửa đổi, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thành Tài
Luật sư Phạm Thành Tài: Theo quy định Bộ luật Hình sự hiện hành có 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các quy định về thi hành án tử hình còn một số bất cập, có thể kể đến như sau:
Một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình và khi xét xử, Tòa án cũng thường không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội danh này, ví dụ như tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”… hoặc ít áp dụng như tội “Tham ô tài sản, Nhận hối lộ”...
Về phạm vi không áp dụng hình phạt tử hình, trường hợp người bị bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS, tiên lượng xấu… là những căn bệnh cũng có thể được xem như một bản án tử hình, nhưng vẫn phải tạm giam kết hợp điều trị tích cực để chờ thi hành án mà chưa có quy định không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành án tử hình với những đối tượng này.
Về thời hiệu thi hành án tử hình, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định cụ thể về thời hiệu thi hành bản án tại Điều 60. Theo đó, khi hết thời hạn quy định, người bị kết án không phải chấp hành về bản án đã tuyên; đối với các trường hợp xử phạt tử hình thì thời hiệu thi hành bản án là 20 năm. Nhưng Bộ luật Hình sự không có quy định sau khi hết thời hiệu thi hành bản án tử hình, người bị kết án tử hình có được chuyển xuống hình phạt khác như tù chung thân, phạt tù có thời hạn hay được trả tự do và chưa có thủ tục chuyển hình phạt.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan trong hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thi hành án tử hình còn kéo dài dẫn đến các trường hợp người bị kết án tử hình giam giữ lâu mà chưa thi hành án…
PV: Khi đề xuất bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở luật hiện hành, Bộ Công an lý giải, các quy định về hình phạt tử hình còn nhiều bất cập. Cơ quan soạn thảo nêu dẫn chứng, các tội sản xuất trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy (tại khoản 4 Điều 248, Điều 250, Điều 251 Bộ luật Hình sự) đều quy định phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình nếu khối lượng ma túy từ 100 gam heroine, cocaine, methamphetamin,.. trở lên. Theo ông, lý giải này của Bộ Công an có hợp lý không?

Bị cáo Vũ Hoàng Oanh bị tuyên án tử hình vì liên quan đường dây mua bán ma túy từ Campuchia về Việt Nam.
Căn cứ vào những bật cập tôi vừa nêu ở trên có thể thấy rằng, lý giải của Bộ Công an về đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với một số tội danh tại dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) như nêu trên là hợp lý và có căn cứ, theo đó, các cơ quan chức năng cần nhìn nhận khách quan về những hạn chế này để có thể đưa ra những sửa đổi, bổ sung cần thiết đối với các quy định của pháp luật liên quan đến việc áp dụng hình phạt tử hình trong thời gian sắp tới.
PV: Xin cảm ơn luật sư!
Tại dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Công an dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 5 tội danh gồm: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109 Bộ luật Hình sự hiện hành); tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421). Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án ở 3 tội danh khác, gồm: tội gián điệp (Điều 110), tội tham ô tài sản (Điều 353) và tội nhận hối lộ (Điều 354).