Chia sẻ rủi ro với người lao động Hải Dương

Doanh nghiệp đóng đúng, đủ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không chỉ chia sẻ rủi ro với người lao động mà còn làm tròn trách nhiệm với chính sách an sinh xã hội.

Doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội sẽ giúp người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đầy đủ

Doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội sẽ giúp người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đầy đủ

Trách nhiệm của doanh nghiệp

2 tháng trước, chị Nguyễn Thị Thái ở xã Thanh Hải (Thanh Hà), công nhân một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu gần nhà thấy khó thở, viêm họng kéo dài. Khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, chị mới biết mình mắc bệnh bụi phổi, một trong những bệnh nghề nghiệp thường gặp ở công nhân ngành may. Bác sĩ cho biết do làm nghề may mặc quá lâu, thường xuyên hít phải bụi vải nên chị Thái đã bị bệnh phổi nặng cần nằm viện điều trị dài ngày.

“Rất may sau khi hoàn thiện hồ sơ giám định bệnh nghề nghiệp, tôi đã được hưởng trợ cấp hằng tháng gần 1 triệu đồng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Số tiền trợ cấp này bù đắp phần nào cho cuộc sống của gia đình tôi bởi gần đây thu nhập của chồng cũng rất bấp bênh. Tôi cũng được công ty chuyển sang bộ phận kiểm cuối để đỡ tiếp xúc nhiều với bụi vải”, chị Thái nói.

Được hưởng các chế độ như chị Thái là do doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, đúng quy định nên giúp chị được hưởng những quyền lợi thiết thực, trong đó có trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi không may gặp rủi ro.

Chị Lê Thị Kim Thoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shint BVT (TP Hải Dương) cho biết: “Trong sản xuất, dù làm công việc đơn giản hay phức tạp thì rất khó có thể lường trước những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra với người lao động. Quy định về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do chủ sử dụng lao động đóng đã trở thành “điểm tựa” giúp bù đắp một phần tổn thất cho người lao động khi không may gặp tai nạn hay mắc bệnh nghề nghiệp”.

Trước năm 2015, Luật Bảo hiểm xã hội chỉ quy định về chế độ cho người lao động khi bị tai nạn hay mắc bệnh nghề nghiệp mà chưa cụ thể, chi tiết trách nhiệm, quyền lợi phòng ngừa tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp của doanh nghiệp. Từ năm 2015, quy định về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chuyển từ Luật Bảo hiểm xã hội sang Luật An toàn vệ sinh lao động, không chỉ đối tượng được hưởng chế độ mở rộng mà trách nhiệm của chủ sử dụng lao động cũng được nâng lên.

Đại diện Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hải Dương cho biết hằng năm, ngoài trả trợ cấp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn dành khoảng 10% nguồn thu để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động phòng ngừa như khám, chữa bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động; huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... Để được hưởng 10% số tiền từ quỹ này thì doanh nghiệp buộc phải nêu cao trách nhiệm phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiêp trong sản xuất, kinh doanh.

Môi trường làm việc an toàn

Theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, những doanh nghiệp trong vòng 3 năm không bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự liên quan đến tai nạn lao động; chấp hành báo cáo định kỳ về an toàn vệ sinh lao động đúng thời hạn; tần suất tai nạn lao động giảm từ 15% trở lên/năm sẽ chỉ phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 0,3% mức lương cơ sở cho mỗi lao động thay vì 0,5%.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hải Dương hướng dẫn quy trình hưởng chế độ bảo hiểm cho người lao động (ảnh Bảo hiểm Xã hội tỉnh cung cấp)

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hải Dương hướng dẫn quy trình hưởng chế độ bảo hiểm cho người lao động (ảnh Bảo hiểm Xã hội tỉnh cung cấp)

Theo ông Vũ Đình Tuyên, Giám đốc Công ty CP Vinawood HY (Bình Giang), xây dựng môi trường làm việc an toàn, thân thiện với người lao động, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ích kép. Đầu tiên là việc tuyển dụng lao động sẽ thuận lợi hơn, người lao động gắn bó, cống hiến. Doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí khi giảm 0,2% số tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, xây dựng môi trường làm việc an toàn rất cần thiết, giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Thời gian tới, sở tiếp tục quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động về ý nghĩa của việc bảo đảm môi trường làm việc an toàn.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh tăng cường tuyên truyền, đối thoại để các doanh nghiệp thực hiện tốt việc đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; xử lý nghiêm những trường hợp chậm hoặc trốn đóng để ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; đồng thời giúp người lao động hiểu, nắm rõ các quy định và thực hiện nhanh, gọn, đầy đủ thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm khi cần thiết.

Từ đầu năm đến hết tháng 9, Hải Dương có gần 50 người được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động hằng tháng, hơn 90 người được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động một lần. Những người được hưởng đầy đủ chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do doanh nghiệp làm tốt việc đóng bảo hiểm xã hội.

BẢO ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chia-se-rui-ro-voi-nguoi-lao-dong-hai-duong-360951.html