Chia sẻ vắc-xin để cùng an toàn

Ngày 17/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tặng 80 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho các quốc gia trên thế giới, khoản tài trợ lớn nhất từ một quốc gia.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Chiếm khoảng 13% lượng vắc-xin của Mỹ, 80 triệu liều bao gồm 20 triệu liều Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson; 60 triệu liều AstraZeneca. Dự kiến đến cuối tháng 6, Mỹ sẽ hoàn thành việc phân bổ vắc-xin thông qua chương trình Covax.

Tính đến ngày 1/6, 76 triệu liều vắc-xin đã được tặng cho các nước có thu nhập thấp. Hành động này thúc đẩy đáng kể sự phát triển của Chương trình Covax, khuyến khích nhiều quốc gia giàu có tham gia chiến dịch quyên góp cho các nước khó khăn.

Mỹ có nguồn cung vắc-xin dồi dào, là minh chứng để đất nước này giành lại vai trò đầu tàu trong cuộc chiến chống Covid-19 sau nhiều tháng ngày “điêu đứng” trước đại dịch.

Hơn 50% người Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin và hơn 135 triệu người được tiêm chủng đầy đủ. Những con số này đưa tỷ lệ mắc và tử vong do Covid-19 tại Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020.

Trên đà này, chính quyền Biden cân nhắc dành khoảng 1/4 lượng vắc-xin quốc gia để phân phối trực tiếp đến một số đất nước được chỉ định. Nhiều quốc gia đã đề nghị được Mỹ tặng vắc-xin nhưng cho đến nay, chỉ Mexico và Canada nhận được 4,5 triệu liều.

Mỹ cũng dự kiến tổ chức tiêm chủng vắc-xin cho khoảng 550.000 binh sĩ Hàn Quốc đang hợp tác cùng quân đội Mỹ. Kế hoạch này cho thấy Mỹ có thể chia sẻ nguồn cung vắc-xin với những quốc gia đồng minh phát triển.

Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ, kế hoạch chia sẻ vắc-xin phạm vi rộng vẫn đang được chính quyền Biden xây dựng và hoàn thiện. Đây là một trong những cuộc tranh luận lớn trong Nhà Trắng với sự tham gia của các nhà sản xuất vắc-xin, chuyên gia y tế.

Tuy nhiên, phần lớn vắc-xin có thể sẽ được Mỹ quyên tặng thông qua Chương trình Covax. Vì chương trình này cam kết chia sẻ vắc-xin với hơn 90 quốc gia một cách công bằng, minh bạch. Từ đó, Mỹ tránh khỏi những vấn đề quan hệ chính trị phức tạp trên thế giới.

Đây là một chính sách y tế toàn cầu thông minh giúp Mỹ khẳng định vị thế hàng đầu trên trường quốc tế đồng thời giúp đẩy lùi đại dịch trên toàn thế giới. Nước Mỹ hiểu rằng họ sẽ không thể an toàn tuyệt đối nếu đại dịch trên toàn cầu không được kiểm soát.

Mỹ đang dần tiến đến ngày kiểm soát thành công đại dịch Covid-19. Anh, Scotland, Israel hay các nước EU cũng trong lộ trình tương tự sau khi tăng tốc kế hoạch tiêm chủng vắc-xin cấp quốc gia.

Nhưng tại các quốc gia nghèo trên thế giới, tình hình không khả quan như vậy. Chương trình Covax hiện đang gặp nhiều thách thức. Đầu tiên, cơ chế này đang thiếu khoảng 2 triệu USD tiền mua vắc-xin. Thứ hai, nguồn cung vắc-xin đang trở nên khan hiếm.

Đại dịch quét qua Ấn Độ cũng để lại hậu quả nghiêm trọng cho việc chia sẻ vắc-xin toàn cầu. Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, đã ngừng cung cấp vắc-xin cho Covax để bảo đảm nguồn cung trong nước. Trong khi Mỹ ủng hộ 80 triệu liều, một số quốc gia giàu có khác lại đang tích trữ thay vì chia sẻ.

Vì lẽ đó, chỉ 2% dân số tại châu Phi đã được tiêm vắc-xin. Châu lục này cần ít nhất 20 triệu liều AstraZeneca trong 6 tuần tới để tiêm mũi thứ hai cho những người đã nhận liều đầu tiên. Vấn đề tương tự cũng xảy ra ở Mỹ Latinh và Vùng Caribe, khu vực chỉ chiếm 8% dân số thế giới nhưng ghi nhận 30% trong tổng số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu.

Sự quyên góp của Mỹ là chưa đủ cho Chương trình Covax và cho các quốc gia nghèo đói trên thế giới. Để kiểm soát Covid-19 trên toàn cầu, những đất nước giàu có, các cá nhân, tổ chức tư nhân cần tham gia ủng hộ tích cực hơn nữa. Đại dịch sẽ không thể đẩy lùi nếu các quốc gia, bất kể giàu nghèo, nới lỏng vòng tay chia sẻ vắc-xin.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/chia-se-vac-xin-de-cung-an-toan-Zfyl4N6MR.html