Chia sẻ về công tác đơn thư bạn đọc Báo Quảng Trị năm 2023
Công tác đơn thư bạn đọc là một nhiệm vụ quan trọng của cơ quan báo chí, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Năm 2023, qua nhiều kênh, hơn 80 đơn thư, thông tin từ người dân gửi đến Báo Quảng Trị với mong muốn báo chí vào cuộc làm rõ, phản ánh sự việc, phản biện, đóng góp ý kiến, đưa ra quan điểm, chính kiến của tờ báo, cũng như cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện nhằm giúp bạn đọc hiểu đúng bản chất và chính quyền, cơ quan chức năng nắm bắt sự việc để giải quyết, bảo đảm khách quan, bảo vệ công lý.
Nội dung các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo gửi đến Báo Quảng Trị trong năm 2023 khá đa dạng, như việc các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tranh chấp đất đai, khai thác tài nguyên, cát sỏi trái phép; xây dựng nhà, lăng mộ trên đất đã quy hoạch các dự án nhằm đòi bồi thường; làm đường giao thông ở nông thôn không phù hợp, kém chất lượng; cuộc sống, làm ăn, đường sá đi lại khó khăn cần giúp đỡ; không đồng tình với bản án, cách xử lý của doanh nghiệp, chính quyền; doanh nghiệp không đảm bảo các chế độ cho công nhân; kiến nghị được hưởng chế độ người có công cách mạng; người dân tổ chức trò chơi vi phạm pháp luật, đánh đập nhau gây thương tích, bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Không những người dân mà chính quyền, doanh nghiệp cũng chủ động cung cấp thông tin cho báo để cùng vào cuộc nhằm giải thích, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, pháp luật, tạo thuận lợi trong giải quyết sự việc, hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc định hướng dư luận xã hội. Dưới đây xin chia sẻ một số trường hợp “khó quên” về công tác đơn thư bạn đọc năm 2023.
Xúc phạm và khiếu nại
Bài báo đầu tiên của công tác đơn thư bạn đọc năm 2023 là bài báo với mục đích làm từ thiện nhưng lại gặp “rắc rối”. Đó là trường hợp cháu bé ở xã Cam Tuyền bị bại liệt bẩm sinh không đứng ngồi được, chỉ nằm một chỗ; ba mẹ cháu thì đã chia tay nhau, đi tìm hạnh phúc mới, để cháu lại cho ông bà ngoại già yếu trông nom hơn 10 năm nay trong khi kinh tế quá khó khăn.
Khi báo vừa đăng bài ở chuyên mục “Địa chỉ cần giúp đỡ” về hoàn cảnh đáng thương của cháu thì qua đường dây nóng, một phụ nữ đã phản đối, đề nghị báo gỡ bài, nếu không sẽ khiếu nại. Người phụ nữ này cho biết là mẹ của cháu, đang sinh sống ở TP. Vũng Tàu. Chúng tôi trao đổi là ông bà ngoại cháu muốn đăng báo nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng nhưng chị vẫn không đồng ý vì sợ mọi người nghĩ không hay về mình. Đây là trường hợp hi hữu, “làm ơn mắc oán” mà chúng tôi gặp phải trong quãng thời gian hơn 15 năm làm từ thiện.
Trong quá trình tác nghiệp ở mảng đơn thư bạn đọc, phóng viên không ít lần gặp nguy hiểm, rắc rối. Bởi, không ai muốn những việc làm sai trái của mình bị báo chí phê phán, phản ánh trên công luận, nên việc bị đối tượng trong vụ việc phản đối, đe dọa, xúc phạm cũng là chuyện bình thường.
Một trong những lần như vậy là vào tháng 2/2023, khi báo đăng bài “Cần minh bạch trong làm đường giao thông nông thôn ở thôn Trường Trí” thuộc xã Hải Thái, huyện Gio Linh. Bài báo được viết từ đơn của người dân ở thôn này không đồng tình với việc chọn vị trí bắt đầu của tuyến đường để bê tông hóa.
Sau khi báo đăng, phóng viên nhận được điện thoại của người có liên quan với thái độ gay gắt, xưng mày tao với phóng viên, liên tiếp chửi tục, không thể chấp nhận được. Sau đó lãnh đạo địa phương xác định thái độ của ông Đ. đối với phóng viên như vậy là hoàn toàn sai và hứa sẽ có biện pháp chấn chỉnh.
Ngày 3/8/2023, hai ông L.V.Đ. và N.V.H., ở Khóm 5, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, có đơn gửi Tổng Biên tập Báo Quảng Trị khiếu nại thông tin bài báo: “Việc thay đổi vị trí cầu vượt qua cao tốc Bắc - Nam tại Khóm 5, thị trấn Bến Quan: Người dân cam kết sớm bàn giao mặt bằng nếu giữ nguyên hướng tuyến đã được phê duyệt”. Bài báo được phóng viên viết khi nhiều hộ dân gửi đơn đến báo thể hiện không đồng ý với dự kiến sẽ thay đổi hướng tuyến đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, ông Đ. và ông H. nói rằng, mình không đồng tình với phương án hướng tuyến đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt nhưng bài báo có câu “người dân cam kết sớm bàn giao mặt bằng nếu giữ nguyên hướng tuyến đã được phê duyệt”. Từ đó cho rằng: “... là nhà báo nên viết đúng sự thật, nhìn nhận sự việc nhiều chiều chứ không nhìn nhận một chiều rồi quy chụp như vậy, sẽ làm ảnh hưởng tới người dân”.
Xử lý khiếu nại, phóng viên đã chứng minh tại buổi đối thoại, ông Đ. và ông H. đều không có ý kiến phản đối phương án hướng tuyến đường cao tốc đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Cùng với những căn cứ có được, Báo Quảng Trị khẳng định toàn bộ nội dung bài báo đã phản ánh khách quan, đa chiều, đúng diễn biến sự việc, chứ không “nhìn nhận một chiều rồi quy chụp” và câu “người dân cam kết sớm bàn giao mặt bằng nếu giữ nguyên hướng tuyến đã được phê duyệt” là đúng. Sau đó, hai ông Đ. và H. không có ý kiến gì thêm.
Không chỉ xúc phạm phóng viên, khiếu nại cơ quan báo chí, mà nhiều trường hợp cũng “dở khóc dở cười”. Đó là những khi người dân “trở chứng”, liên tục thay đổi về cách xử lý sự việc. Như trường hợp của ông N.V.H. ở xã Hải Lệ gửi đơn đến Báo Quảng Trị tố cáo bà Q. làm hợp đồng giả tạo nên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2006. Xử lý đơn, phóng viên Quang Hiệp đã mất nhiều thời gian liên lạc, đi lại tìm hiểu vụ việc, tuy nhiên, nửa chừng ông H. rút đơn không tố cáo, để hai gia đình tự giải quyết. Sau đó, sự việc có lẽ không như ý nên ông H. quay lại nói không rút đơn nữa mà tiếp tục tố cáo vụ việc với báo... Những lần như vậy đúng là phóng viên cũng “hoa mắt” với người dân.
Cung cấp thông tin
Lâu nay, hầu hết các đơn thư gửi đến Báo Quảng Trị đều của người dân nhưng nay báo còn nhận được cả văn bản của chính quyền, doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin về những sai phạm của người dân để đưa ra công luận.
Như việc hai hộ dân trú tại thôn Hậu Trường, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, xây dựng công trình lều quán trái phép trên đất hành lang an toàn đường bộ thuộc tuyến đường ĐT 584, thế nhưng họ không tự tháo dỡ mà còn ra “điều kiện” với chính quyền. Trước tình hình đó, địa phương đã chủ động cung cấp thông tin để Báo Quảng Trị phản ánh sự việc, đồng thời phân tích cho người dân hiểu rõ hành vi đó là vi phạm pháp luật, nên chủ động tháo dỡ nếu không sẽ bị cưỡng chế và còn phải mất thêm chi phí cưỡng chế hơn 22 triệu đồng. Sau đó một hộ đã tự tháo dỡ toàn bộ lều quán, còn một hộ bị cưỡng chế.
Hoặc để giải quyết tình trạng khan hiếm đất vật liệu xây dựng trên địa bàn, 5 doanh nghiệp phản ánh đến báo để báo kiến nghị tỉnh đưa các mỏ đất mới trúng đấu giá vào khai thác nhằm cung cấp vật liệu đất đắp mà không chờ quy hoạch chung của tỉnh, vì làm vậy thì còn lâu mới xử lý được tình trạng khan hiếm đất vật liệu.
Việc người dân gửi đơn đến báo thường có nội dung kiện tụng, tranh chấp liên quan đến lợi ích của họ nhưng lần này lại khác. Đó là người dân đã “mật báo” sẽ có nhiều đối tượng lợi dụng đông người tại kỳ Hành hương Đức mẹ La Vang năm 2023 để tổ chức các “sòng bạc mini” bằng hình thức quay bầu cua ăn tiền. Đúng như dự đoán, khi bắt đầu diễn ra sự kiện thì cũng là lúc xuất hiện tình trạng đánh bạc bằng hình thức bầu cua và báo Quảng Trị đã kịp thời phản ánh sự việc. Nắm được thông tin, cơ quan chức năng tức khắc vào cuộc, dẹp bỏ ngay nạn bầu cua làm mất an ninh trật tự ở khu vực hành hương này.
Hay như việc người dân thấy nhiều tàu thuyền thường xuất hiện vào đêm khuya ở sông Vĩnh Định (đoạn qua các thôn Đồng Tâm 1, Đồng Tâm 2, thuộc địa bàn thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong), nên đã chủ động cung cấp thông tin, đề nghị Báo Quảng Trị tìm hiểu, làm rõ. Xử lý thông tin, phóng viên Nhơn Bốn đã điều tra thực tế và có bài viết về việc khai thác cát trái phép ở đây. Từ thông tin của bài báo, chính quyền, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý.
Cảm ơn báo chí
“Chú đọc rồi, như vậy là tốt! Thay mặt hợp tác xã và Nhân dân biết ơn sự quan tâm giúp đỡ của cháu nói riêng, cơ quan báo chí đã đem tiếng nói chung của người dân một địa phương trong hai cuộc kháng chiến có những đóng góp nhỏ bé (một làng quê có 100 hộ thờ liệt sĩ và trên 10 Mẹ Việt Nam anh hùng)... Mong cháu hiểu! Chúc vạn sự như ý”. Đó là tin nhắn của người dân gửi tác giả bài báo “Người dân thôn Phương Ngạn, Triệu Long mong mỏi được đầu tư bê tông hóa kênh mương” của phóng viên Thanh Trúc. Trước đó, người dân ở đây phản ánh đến Báo Quảng Trị rằng, trên địa bàn chỉ còn thôn này là không có kênh mương nội đồng nên gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
Thêm chuyện nữa, từ năm 2021 đến cuối tháng 5/2023, Báo Quảng Trị có đến 5 bài viết phản ánh việc bốn hộ dân ở huyện Hải Lăng đã định cư hơn 30 năm nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các bài báo đã đưa ra cơ sở và căn cứ pháp lý khẳng định đủ điều kiện cấp đất cho bốn hộ dân này. Vui mừng vì sau một thời gian dài kiến nghị đã có kết quả tốt đẹp, qua người quen, các hộ dân xin gặp phóng viên, lãnh đạo báo để có lời cảm ơn (do bận việc nên chúng tôi không gặp được, xin thứ lỗi).
Việc người dân cảm ơn (đúng nghĩa) phóng viên, cơ quan báo chí đã đồng hành để sự việc được giải quyết như quy định pháp luật cũng là văn hóa của người Việt Nam. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể mà xử sự cho phù hợp, nhằm giữ được tình cảm và sự kính trọng từ người dân. Chúng tôi xem việc xử lý đơn thư, thông tin nhận được là trách nhiệm, nhiệm vụ của người làm báo. Và luôn cảm ơn người dân, chính quyền, các tổ chức đã tin tưởng cung cấp, phản ánh sự việc với báo, để Báo Quảng Trị thực hiện hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo Đảng địa phương.