Chia tay năm 2023, thế giới hy vọng về năm mới 2024

Hôm nay, ngày 31/12, hàng loạt các quốc gia trên thế giới đang chờ đón khoảnh khắc chia tay năm 2023, khép lại 12 tháng đầy biến động được đánh dấu bằng những cuộc khủng hoảng như biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột đầy khốc liệt ở Gaza và Ukraine.

Buổi diễn tập đêm giao thừa ở Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, ngày 29/12. Ảnh: AFP

Buổi diễn tập đêm giao thừa ở Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, ngày 29/12. Ảnh: AFP

Theo AFP, hơn 8 tỷ người trên thế giới đang đếm ngược khoảnh khắc chia tay một năm cũ 2023 và chờ đón năm 2024 - năm của hy vọng.

Vào đêm 31/12, hàng tấn pháo hoa sẽ thắp sáng trên bầu trời của các quốc gia, chào đón một năm 2024 với nhiều cuộc bầu cử quan trọng liên quan đến một nửa dân số thế giới, cũng như sẽ đón chào các sự kiện hấp dẫn như Thế vận hội Paris 2024 tại Pháp.

Sydney (Australia) - nơi được mệnh danh là "Thủ đô đón năm mới của thế giới", sẽ là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới đổ chuông đón năm mới 2024. Dự kiến có hơn 1 triệu người sẽ tập trung trên bờ biển của thành phố để hòa mình vào không khí tưng bừng này.

Người dân tập trung chờ đón giao thừa tại sân trước Nhà hát Opera Sydney, ngày 31/12. Ảnh: The Sydney Morning Herald

Người dân tập trung chờ đón giao thừa tại sân trước Nhà hát Opera Sydney, ngày 31/12. Ảnh: The Sydney Morning Herald

Theo ghi nhận của AFP, ngay trước khi màn đêm buông xuống, hàng chục nghìn người đã tập trung tại các điểm thuận lợi xung quanh Cầu Cảng Sydney mang tính biểu tượng của thành phố, bất chấp thời tiết ẩm ướt bất thường.

2023 - Năm của hàng loạt các thách thức

Trong năm 2023, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Vào tháng 8/2023, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phóng tên lửa lên vùng tối của Mặt Trăng, đồng thời có kế hoạch đưa người lên Mặt Trăng vào năm 2040.

2023 cũng là năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu được ghi nhận vào năm 1880, với hàng loạt thảm họa do khí hậu gây ra xảy ra từ Australia đến vùng Sừng châu Phi và lưu vực sông Amazon.

Một phụ nữ và trẻ em bị thương trong vụ ném bom của Israel nằm tại bệnh viện ở Gaza, ngày 30/12. Ảnh: AFP

Một phụ nữ và trẻ em bị thương trong vụ ném bom của Israel nằm tại bệnh viện ở Gaza, ngày 30/12. Ảnh: AFP

Năm 2023 được ghi nhớ bởi cuộc xung đột ác liệt giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza. Liên Hợp Quốc ước tính gần 2 triệu cư dân Gaza - tương ứng khoảng 85% dân số thời bình, đã phải di dời kể từ khi Israel bắt đầu chiến dịch tấn công đáp trả.

Ông Abed Akkawi, 37 tuổi, người đã chạy trốn giao tranh cùng vợ và 3 đứa con, cho biết: "2023 là một năm đen tối đầy bi kịch". Người đàn ông này và gia đình hiện sống trong một lều trú ẩn của Liên Hợp Quốc tại trại tị nạn ở Rafah, miền nam Gaza.

Tuy nhiên, ông vẫn nói về niềm hy vọng nhỏ nhoi của mình vào năm 2024. "Chúa mong cuộc chiến này sẽ kết thúc, năm mới sẽ tốt đẹp hơn và chúng tôi sẽ có thể trở về nhà và xây dựng lại chúng, hoặc thậm chí sống trong một căn lều trên đống đổ nát", ông nói với AFP.

Ukraine - nơi sắp kỷ niệm 2 năm diễn ra cuộc xung đột với Nga, người dân vẫn đang mong chờ về ngày kết thúc chiến sự.

Trong khi đó, nhiều người Nga cũng bày tỏ mong muốn năm 2024 sẽ giúp cuộc chiến tại Ukraine chấm dứt và cuộc sống của tất cả mọi người sẽ trở lại bình thường, theo AFP.

Người dân Ukraine trú ẩn trong ga tàu điện ngầm tại thủ đô Kiev, ngày 29/12. Ảnh: AFP

Người dân Ukraine trú ẩn trong ga tàu điện ngầm tại thủ đô Kiev, ngày 29/12. Ảnh: AFP

2024 - Năm của bầu cử

Năm 2024, một nửa thế giới sẽ tham gia các cuộc bầu cử, trong đó có khoảng 30 quốc gia sẽ bầu cử tổng thống mới của họ. Những cuộc bỏ phiếu này được nhận định là có khả năng định hình thế giới.

Vào tháng 12 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ tái tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2024. Nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thống Vladimir Putin sẽ kết thúc vào ngày 7/5/2024. Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) đã thông qua một nghị quyết chính thức chỉ định ngày 15-17/3/2024 là ngày tổ chức cuộc bầu cử tổng thống. Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy ông Putin nhận được ủng hộ từ khoảng 80% người dân Nga.

Một cuộc bầu cử khác hứa hẹn sẽ có tác động lớn đến nền chính trị toàn cầu là Mỹ. Hàng chục triệu người dân sẽ bầu ra tổng thống thứ 60 của nước Mỹ vào ngày 5/11/2024. Trong đó, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden, 81 tuổi, đảng viên Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump, 77 tuổi, đảng viên Cộng hòa được cho là sẽ cùng chạy đua vào Nhà Trắng.

Cuộc bầu cử này được giới quan sát đánh giá là sẽ định hình chính sách đối ngoại của Mỹ trong ít nhất 4 năm tới. Bởi ông Trump được coi là người có xu hướng từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington, ưu tiên củng cố lợi ích của Mỹ. Ngược lại, Tổng thống Biden có quan điểm chính trị truyền thống và muốn tăng sức ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu.

Ấn Độ cũng có kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 4 và tháng 5/2024. Đây sẽ được coi là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất thế giới, ước tính với hơn 900 triệu cử tri trong số 1,4 tỷ người của quốc gia Nam Á đã đăng ký đi bầu.

Trong khi đó, hơn 400 triệu cử tri từ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ đi bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu trong cuộc bầu cử diễn ra từ ngày 6 đến 9-6/2024. Cuộc bầu cử này sẽ lựa chọn 720 thành viên của nghị viện, những người có nhiệm vụ giám sát lập pháp châu Âu, quyết định các vấn đề nội khối.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chia-tay-nam-2023-the-gioi-hy-vong-ve-nam-moi-2024-post30640.html