'Chia tay' sổ hộ khẩu giấy: Lộ trình có thể diễn ra đến hết năm 2022
Việc bỏ hộ khẩu giấy là góp phần tiến tới công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí; xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân; qua đó, bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.
Tuy nhiên, với sự tồn tại gần 70 năm, hệ thống quản lý xã hội thông qua “cuốn sổ mỏng” này chứa đựng những mối quan hệ pháp luật phức tạp nên việc “khai tử” sổ hộ khẩu giấy có thể diễn ra trong 18 tháng, đến cuối năm 2022.
Sẽ không thể “gian lận”
Cách thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu hiện nay đã có tuổi đời gần 70 năm, cuốn sổ tuy mỏng nhưng gắn liền với rất nhiều thủ tục quản lý hành chính quan trọng đối với công dân. Nếu trong thời bao cấp, cuốn sổ hộ khẩu luôn đi kèm với sổ gạo, việc làm… thì nay gắn với không ít thủ tục, giấy tờ, trong đó có cả việc học hành.
Tuy nhiên,việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu đã và đang gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, đồng thời gây ra nhiều khó khăn, rườm rà cho công dân khi đi làm các thủ tục hành chính. Thực tế đã có rất nhiều vấn đề nảy sinh từ cuốn sổ hộ khẩu, không ít tiêu cực cũng nảy sinh từ việc “gian lận” để có sổ hộ khẩu.
Vì vậy, Chính phủ đã quyết tâm, có nhiều hành động quyết liệt để tiến tới xóa bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang hình thức quản lý công dân bằng số hóa (qua mã số định danh cá nhân). Đây là dãy số được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), được thể hiện bằng 12 số trên thẻ căn cước công dân hoặc mã số được cấp cho công dân khi đăng ký khai sinh. Mã số định danh cá nhân gắn liền với mỗi người dân từ lúc sinh cho đến lúc chết, không thay đổi, cũng không trùng lắp với người nào.
Quyết tâm này được Quốc hội đồng tình, ủng hộ khi thông qua Luật Cư trú năm 2020 với nhiều quy định mới nổi bật, trong đó có việc chính thức dừng cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ ngày 1/7/2021. Theo đó, khi người dân thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký thường trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, cơ quan đăng ký thường trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú (CSDLCT) thay vì cấp sổ hộ khẩu cho họ như quy định trước đây tại Điều 18 Luật Cư trú năm 2006.
Kể từ ngày 1/7/2021, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022. Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong CSDLCT thì sử dụng thông tin trong CSDLCT. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong CSDLCT theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an nhấn mạnh: “Việc bỏ sổ hộ khẩu không phải là bỏ việc quản lý con người mà chỉ là thay đổi cách thức quản lý. Trước đây, khi chúng ta chưa có điều kiện thì việc quản lý con người được thực hiện theo cách thức thủ công, là ghi chép, lưu giữ trên các loại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Còn hiện nay, chúng ta quản lý con người bằng công nghệ thông tin hiện đại, vừa đảm bảo chính xác vừa rút gọn các loại giấy tờ thủ tục cho người dân”.
Dùng sổ hộ khẩu giấy đến hết năm 2022
Quy định của Luật là vậy nhưng thời gian “khai tử” sổ hộ khẩu giấy; vì sao vẫn kéo dài thời hạn có giá trị của sổ hộ khẩu; các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, học hành... sẽ như thế nào là những vấn đề người dân rất quan tâm.
Cùng với việc quản lý cư trú theo phương thức mới “số hóa dữ liệu” sẽ bỏ hoàn toàn 7 thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký cư trú gồm: cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh thay đổi trong sổ tạm trú và gia hạn tạm trú.
Thiết thực giải đáp cho những câu hỏi này, Bộ Công an đã và đang triển khai tiến trình “khai tử” sổ hộ khẩu giấy, quản lý công dân bằng số hóa theo quy định của Luật Cư trú năm 2020. Quá trình này có thể hoàn tất sớm nhưng cũng có thể diễn ra trong 18 tháng, đến cuối năm 2022.
Nổi bật là ngày 22/6/2021, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo nhiều bộ, ngành, Bộ Công an đã công bố chính thức CSDLQGVDC và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2021. CSDLQGVDC tập hợp thông tin cơ bản như họ tên, giới tính, quê quán, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số định danh cá nhân của tất cả công dân Việt Nam. Do đó, từ ngày 1/7, người dân có thể không cần cầm sổ hộ khẩu giấy đi giao dịch, thậm chí người dân có thể ngồi tại nhà khai báo thủ tục cư trú trực tuyến.
Bộ Công an cũng đã ra văn bản giới thiệu một số nội dung cơ bản và điểm mới của Luật Cư trú năm 2020. Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật này là từ ngày 1/7/2021, khi người dân có thay đổi thông tin về cư trú, cơ quan Công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu và cũng không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Những sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp vẫn được sử dụng và có giá trị cho đến hết ngày 31/12/2022.
Nếu thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp khác với thông tin trong CSDLCT thì sử dụng thông tin trong CSDLCT. Khi người dân đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì Công an có trách nhiệm cập nhật vào cơ sở dữ liệu, đồng thời thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và không cấp mới các loại sổ này.
Cũng theo Bộ Công an, Luật Cư trú năm 2020 quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý bằng công nghệ thông tin. Theo đó, cảnh sát quản lý cư trú sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân (số căn cước công dân) để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên CSDLQGVDC. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên CSDLQGVDC, CSDLCT.
“Việc đổi mới phương thức quản lý này giúp người dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên CSDLQGVDC, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng”, một lãnh đạo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết.
Còn theo lãnh đạo C06, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy đối với Bộ Công an có thể được thực hiện ngay từ thời điểm 1/7/2021. Nhưng sổ hộ khẩu có liên quan đến nhiều chuyên ngành, lĩnh vực khác nên Luật Cư trú đã quy định điều khoản chuyển tiếp, đến thời điểm 31/12/2022 thì sổ hộ khẩu mới chính thức bị bỏ.
Được biết, hiện tại đã có một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành sẵn sàng kết nối với Hệ thống CSDLQGVDC như: Văn phòng Chính phủ (Cổng dịch vụ công quốc gia); Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính (mã số thuế); Bộ Tư pháp (cấp số định danh cá nhân cho trẻ em); Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 63 UBND các tỉnh/thành trực thuộc Trung ương... Sau khi kết nối, các ngành, địa phương liên quan sẽ được cấp quyền khai thác thông tin trên hệ thống theo quy định pháp luật, để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước.
Khi đã có sự kết nối, liên thông giữa CSDLQGVDC với dữ liệu chuyên ngành, người dân không cần phải mang sổ hộ khẩu để thực hiện các giao dịch mà trước đó vốn bắt buộc. “Luật Cư trú đã quy định về việc thu hồi, tiếp đó là bỏ sổ hộ khẩu rồi thì cơ quan chức năng không thể bắt buộc người dân xuất trình sổ nữa, mà phải lấy dữ liệu trong hệ thống ra để thực hiện thủ tục cũng như công tác quản lý”, lãnh đạo C06 khẳng định.
Sổ hộ khẩu trước nay được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Những người đăng ký tạm trú chỉ được cấp sổ tạm trú thay vì sổ hộ khẩu. Sổ hộ khẩu còn được coi là một loại giấy tờ quan trọng để thực hiện các giao dịch dân sự.
Tuy nhiên, vai trò của sổ hộ khẩu giấy sẽ chính thức chấm dứt từ năm 2023 với quy định của Luật Cư trú 2020. Trường hợp các CSDLQGVDC, CSDLCT hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt và các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thực hiện tốt việc kết nối, liên thông để bảo đảm chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú của công dân thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ tự chấm dứt vai trò của mình ngay cả khi chưa đến thời hạn 31/12/2022.