Chiếc áo của thầy

Thanh nằm nghe những tiếng mưa rơi ngoài vườn. Mưa đầu đông rỉ rả, lạnh lẽo chứ không ấm nóng, náo nức như mùa hạ. Đã lâu lắm rồi, anh mới lại nghe tiếng mưa ở đây, mảnh đất tưởng như chẳng bao giờ anh quay trở lại. Thế mà đêm nay, tất cả đang ở ngoài kia, những ký ức buồn vui lại dội về…

Thực ra, Thanh sinh ra ở đất này. Với một đứa trẻ mồ côi từ nhỏ, dù người bác ruột có xòe bàn tay che chở đến đâu thì đói và rét vẫn cứa vào tâm hồn cậu. Những mùa đông ở đây như dao cứa, nhưng điều Thanh ám ảnh nhất là cái bụng sôi réo mỗi sáng đến trường. Hôm nào bác ở nhà thì còn có củ khoai sượng nướng vội. Mấy bữa bác đi vắng thì đến khoai sống có khi muốn lấy còn phải nhòm ý tứ bác gái. Cái đói làm đầu óc cậu mụ mị đi, những con chữ trên bảng như đám dây rừng rối mù, cái bút trên tay như ngọn cỏ lau trước gió cũng đổ xiên đổ xẹo.

Năm Thanh học lớp hai, nhà xảy ra một chuyện đau lòng. Số là trong một lần đi chữa bệnh người ta, bác của Thanh bị đá lăn đè nên bị què chân, từ đó chỉ chống nạng loanh quanh trong vườn, tất cả công to việc lớn trong nhà đều do bà vợ. Một tối, ông chống gậy đến bên giường của Thanh, trong bóng tối cậu vẫn nhận ra những giọt nước mắt của bác:

- Ngày mai cứ đến lớp con ạ, đến gặp thầy gặp bạn một lần, nghe được chữ nào thì nghe, từ mai con tạm ở nhà. Biết đâu sau này ông trời thương bác cháu mình lại có ngày con được trở lại trường…

Sáng ấy, Thanh đến trường với cái bụng lép kẹp. Những giọt sương treo đầu ngọn cỏ như nước mắt. Bước chân của cậu làm những con chim ngủ quên trong lùm cây vội vã choàng tỉnh vút bay lên cành cao. Cậu chỉ ước gì mình có được tấm áo như bộ lông của chúng. Có cái tổ bé xinh mà ấm áp như loài chim trong bụi cây…

Hôm ấy, khi tiếng trống trường vang lên, người bước vào lớp là một thầy giáo mới tên là Phúc. Lớp học ngày đó chỉ là gianh tre tạm bợ, phên liếp thưng lửng ngang bụng người lớn nên không thể che được những cơn gió lùa vào. Thầy giáo trẻ có đôi môi tím tái vì lạnh nhưng đôi mắt ngời sáng. Các thầy từ miền xuôi lên đây đều sợ cái lạnh từ đá núi, từ thung sâu nhưng bao giờ cũng đem đến một sức hút đối với học trò từ những câu chuyện kể.

Thế rồi, tiếng trống cuối cùng cuối buổi học cũng vang lên. Cả lớp đã đứng dậy ra về, ai cũng nghĩ đến bát cơm nóng hổi ở nhà. Biết là từ mai sẽ phải đi theo đàn bò thì mới có bát cơm độn ngô bung nên đôi chân Thanh không muốn rời khỏi cái ghế làm bằng hai cây tre ghép lại. Thầy giáo và các bạn đã ra về từ lâu, sân trường mùa đông vắng lặng, chỉ có những cơn gió mùa chốc chốc lại thổi tung đám bụi và vài mẩu giấy, làm cho đàn chim sẻ giật mình bay lên…

Đúng lúc Thanh đứng dậy để trở về, lần trở về có thể là mãi mãi không còn quay lại với lớp học nhỏ này thì một bàn tay đặt lên bờ vai gầy của cậu. Thầy giáo đã đứng sau lưng cậu từ lúc nào. Thầy không nói gì, kéo cậu bé nép sát vào mình:

- Thầy vừa gặp thầy chủ nhiệm lớp cũ để hỏi về em xong mới quay lại đây, thầy hiểu cả rồi.

Thanh ngước nhìn thầy bằng đôi mắt xúc động. Cậu có một câu nói trong lòng mà lúc này chẳng thể thốt ra được: “Em cảm ơn thầy, em được đến trường hôm nay cũng đủ rồi. Giờ em phải về với đàn bò. Đàn bò sẽ cho em bát cơm độn ngô…”.

Bất ngờ, thầy Phúc đẩy Thanh ra trước sự ngỡ ngàng của cậu:

- Thôi, về xin phép bác đi…

Cậu bé còn chưa hiểu gì nhưng vẫn vâng lời bước đi thì thầy Phúc gọi giật lại:

- Này, đã biết xin phép gì chưa mà đi. Bảo bác cho sang đây ở với thầy từ mai còn đi học.

Thanh không tin vào tai mình thì hai bàn tay cũng lạnh cóng trong sương núi kéo giật lại.

- Khoác cái áo này vào. Nó hơi dài chút. Ở chỗ này cứ ấm cái đã. Mai xem ông tướng học hành thế nào…

Những năm tháng mới qua chiến tranh các trường học ở vùng sâu, vùng xa đều đơn sơ. Các giáo viên đa phần đều là người trong vùng nên có nhà trong làng. Thấy thầy Phúc tình nguyện lên đây với hành trang là mấy quyển sách với ít tư trang nên chỉ trong một buổi chiều bà con xúm lại dựng được gian nhà tranh trong mảnh đất của trường cho thầy.

Từ ngày ấy, dẫu hai thầy trò có bữa sắn, bữa ngô nhưng chiếc áo ấm không bao giờ rời khỏi Thanh… Có đêm, cậu thức dậy thấy thầy Phúc đang thức để hong áo cho cậu vì nắng mùa đông ở đây không kịp làm khô chiếc áo rét mới giặt. Những năm tuổi thơ hồn nhiên và trong sáng, nhiều lần Thanh đã hỏi: “Sao thầy chỉ mặc chiếc áo sơ mi với cái áo len mỏng mà không thấy lạnh?”. Đáp lại chỉ là cái xoa đầu đến rối tung cả đám tóc vàng hoe và câu trả lời của thầy: “Chịu khó học, lớn lên đi làm, mua áo khác trả thầy…”.

Năm tháng trôi qua, một sớm, đang ngồi học ở trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh thì có tiếng người lạ đang hỏi tên thăm Thanh ở hành lang. Cậu vừa kịp ngoái ra đã thấy thằng Hùng, đứa bạn cùng lớp hồi cấp II đã bỏ học giữa chừng. Nó giờ cao to, da đen nhẻm ra dáng một người đàn ông từng trải. Nhìn thấy Thanh, nó thoáng chần chừ ít phút rồi chẳng bận tâm đến giảng viên và sinh viên trong lớp, nó cất tiếng oang oang:

- Mau lên. Thầy Phúc đang nằm viện tỉnh, yếu lắm rồi.

Thanh chỉ kịp ngoái lại nhìn giảng viên ấp úng giây lát rồi nhảy tót lên yên chiếc xe máy Tàu của Hùng lao đi trong gió lạnh. Trên đường đi, hai thằng chẳng nói với nhau lời nào. Hùng là đứa ít nói, cục cằn nhưng lại rất thương người. Từ người nó toát lên mùi hôi hám của những chuyến chở gà, lợn. Phải đến lúc xuống xe, Thanh mới nhận ra nó vừa quệt nước mắt. Nước mắt trên khuôn mặt gã bán lợn quen mặt làm dân phố thị xã ngỡ ngàng.

Nhìn thầy Phúc nằm trên giường bệnh, Thanh biết thầy cũng yếu lắm rồi. Thầy hỏi Thanh tháng nào thi tốt nghiệp, còn tiền ăn không… Thanh chỉ biết nhìn thầy. Mấy năm qua lên đây học, cậu tranh thủ làm thêm nên cũng trang trải được cuộc sống nên lại ít có dịp về thăm thầy. Giờ thầy gầy và còm cõi như một đứa trẻ. Nói chuyện một lát rồi thầy bắt Thanh phải quay về trường kẻo muộn giờ điểm danh. Ra đến hành lang bệnh viện, Hùng ghé tai:

- Xạ trị mấy tháng rồi, giờ thầy xin bệnh viện trung ương cho về viện tỉnh. Hóa ra thầy cũng có một người con bằng tuổi mình mày ạ. Nhưng hai vợ chồng ly hôn lâu rồi.

Sau mấy ngày thi tốt nghiệp, Thanh lao tới bệnh viện thì chỉ nhận được câu trả lời: bệnh nhân đã về nhà. Anh vội vã trở về mái trường cấp II nhưng không ai biết tin gì về thầy Phúc.

Thế rồi, anh ngỡ ngàng khi nhận được quyết định đi dạy ở một trường cấp hai ở một thành phố. Dần dà anh hiểu được đó là ý nguyện thầy Phúc nhờ một người bạn giúp. Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến một sáng đang dạy trên lớp, anh nhận được lời nhắn lên phòng Hiệu trưởng có việc gấp.

Vừa bước vào phòng, anh đã thấy Hiệu trưởng tay cầm ống nghe điện thoại:

- Có đồng chí Hiệu trưởng trường trên quê gọi điện tìm gặp cậu.

Thanh nghe máy. Một giọng nói gấp gáp, anh nghe rõ cả tiếng thở của người đó qua điện thoại:

- Thầy Thanh phải không. Tôi Tiến hiệu trưởng. Chắc đi xa quê lâu thầy không biết tôi đâu. Thế này nhé. Cụ Phúc, ngày trước dạy trên mình ấy… Cụ mất mấy năm rồi nhưng nay anh con trai mới tìm lên thực hiện di huấn của cụ là dành một nửa tài sản để lập quỹ hỗ trợ học trò nghèo. Biết thầy là người thân thiết với cụ như con, mong thầy có mặt trong ngày công bố quỹ vào 20/11, thầy về được thì tốt quá.

Ngày mai, những mong ước của thầy Phúc sẽ trở thành hiện thực trên mảnh đất mà thầy đã gắn bó những năm tháng tuổi trẻ. Nhưng còn những chuyện buồn trong cuộc đời thầy thì chính Thanh cũng mới được biết. Cũng không ai ngờ rằng lần trở về này với Thanh mang một cảm xúc thật đặc biệt vì anh đã xin chuyển công tác từ thành phố về đây. Anh nghĩ đến những bờ vai run rẩy vì lạnh của các em bé, đến những ánh mắt hồn nhiên, lấm lét của học trò miền núi. Trong chiếc va ly của Thanh hôm nay cũng vẫn là những quyển sách, những vật dụng đơn sơ như của thầy Phúc ngày nào. Chỉ khác là có thêm một chiếc áo đã cũ nhưng vô cùng quý giá mà anh luôn mang theo bên mình. Chiếc áo ấm hơn tất cả những tham vọng mà người ta gặp trong cuộc đời này…

Truyện ngắn: Bùi Việt Phương

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/cuoi-tuan/chiec-ao-cua-thay-151697.html