Chiếc bánh chưng năm ấy
Đó là cái tết cách đây khá xa, vào những năm 70 của thế kỷ trước. Bây giờ mỗi khi tết đến xuân về lòng tôi lại dâng lên một niềm xúc động khôn nguôi. Câu chuyện mà bác Huân, người láng giềng của tôi kể lại bao giờ cũng làm tôi rưng rưng, còn đôi mắt bác thì đỏ hoe. Những ngày đầu năm mới, khi đi chơi tết tôi thường nán lại lâu hơn một chút ở nhà bác, ngồi để nghe kể lại câu chuyện về chiếc bánh chưng năm ấy…
Bao giờ cũng thế, bác Huân cũng ngồi trầm tư, đôi mắt hướng xa xăm như đang sống lại những tháng năm nghèo đói. Hồi ấy, ngay sau vụ lụt lịch sử năm 1971, ông nội tôi là người đầu tiên chuyển nhà từ xóm bãi ven sông Hồng vào vùng gò đồi này, nơi mà bây giờ chúng tôi đang ở. Gia đình nhà bác Huân là hộ thứ hai dọn đến ở nơi đây, tiếp sau đó nhiều nhà khác cũng chuyển đến để đông đúc như bây giờ. Vào những năm tháng ấy, hầu như nhà ai cũng khó khăn, nhưng với một cặp vợ chồng mới tách ra ở riêng được vài ba năm như nhà bác Huân thì lại càng khó khăn hơn nữa. Năm ấy, khi chuyển đến nơi này, ngoài ba gian nhà tranh, gia tài của bác cũng chỉ vỏn vẹn cái bồ đựng thóc, hai cái nồi nho nhỏ, cái giường tạm bợ và mấy thứ lặt vặt, còn lại thì không có gì đáng giá.
Những ngày cận Tết, mặc dù kinh tế còn nghèo khó nhưng hầu như ai cũng cố gắng để nhà mình có một cái tết đủ bánh chưng, thịt cá. Ấy thế mà trong nhà bác Huân không còn nổi một hạt gạo nào, cái bồ đựng thóc thì chỉ còn có sắn, mà sắn thì đã vơi quá nửa. Thường ngày gia đình bác phải ăn cháo sắn. May mà vợ bác chịu khó mò cua bắt ốc để cải thiện cho bữa ăn. Thế là món cháo sắn nấu ốc là món thường nhật của gia đình. Nỗi nghèo đói khốn cùng ấy đã làm cho con người ta dễ tự ti. Lẽ ra bác nên kể cho mọi người thì bác đã làm ngược lại, bác xấu hổ vì hoàn cảnh của nhà mình. Nhưng bác không hề biết rằng có một người hàng xóm thường âm thầm giúp đỡ nhà mình lúc bát gạo, khi nải chuối xanh…
Tết năm ấy, vợ chồng bác Huân bàn với nhau vẫn gói bánh chưng, mặc dù trong nhà không có gạo nếp. Sáng 30 Tết cũng lá dong gói bánh như ai nhưng bên trong chỉ toàn sắn, cũng có nhân nhưng chỉ lèo tèo vài hạt lạc. Vợ chồng ngồi gói “bánh chưng” mà không ai nói với ai câu nào, trong lòng họ là nỗi tủi hổ, ngậm ngùi. Có lẽ đó là những chiếc bánh chưng mà vợ chồng họ nhớ nhất trong đời.
Đối với người Việt Nam, dù tết có nghèo đói thế nào đi nữa thì cũng vẫn phải làm đúng phong tục mà ông bà truyền lại. Gần giao thừa, bác Huân cũng chờ đón giây phút thiêng liêng như mọi nhà trong làng. Cái lạnh tái tê đêm giao thừa như những vết cào nhói buốt trong lòng bác. Ngoài trời tối đen như mực, màn đêm như những ngày tháng cơ cực, còn những người nghèo khó như bác thì vẫn chưa tìm ra lối thoát để đến với những ngày tươi sáng.
Bác Huân đang buồn rầu ngồi co ro suy nghĩ thì bất ngờ nhà có khách. Người khách ấy chính là ông nội tôi. Bác Huân rất ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của ông. Qua ánh đèn dầu tù mù những bác có thể thấy rõ nụ cười của người hàng xóm thật hiền từ và thân mật. Ông đưa ra trước mặt bác chiếc bánh chưng vẫn còn hơi nóng bay lên, ông nói: “Biếu anh chị và các cháu chiếc bánh”. Hai mắt cay xè, bác Huân đưa tay nhận mà lòng dâng lên một nỗi xúc động nghẹn ngào. Thì ra lúc sáng khi hai vợ chồng gói bánh, ông nội tôi ghé qua đã vô tình nhìn thấy cảnh gói bánh chưng sắn, thế nên khi luộc chín bánh nhà mình ông mới đem sang cho hàng xóm. Thực ra vào thời ấy, gia đình tôi cũng chỉ hơn nhà bác Huân chút ít vì ông nội là cán bộ về hưu, mà lương hưu của ông cũng chẳng được là bao.
Nhờ có bánh chưng của ông biếu mà năm ấy, bác Huân đã có bánh chưng thắp hương cho tổ tiên. Ở quê tôi thường gói bánh chưng tày (bánh dài) nên một chiếc bánh cũng cắt được vài ba đĩa. Một chiếc bánh chưng như thời bây giờ sẽ chẳng có gì đáng nói nhưng với bác Huân, trong những năm nghèo đói năm xưa thì đó thật là một món quà vô cùng ý nghĩa.
Một năm mới lại đến với bao ước mong và hy vọng. Con người ta có quyền mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng ở một góc độ khác chúng ta cũng cần chiêm nghiệm lại những điều trong quá khứ, để trân trọng những phút giây hiện tại và sống tốt đẹp hơn.
Ông nội tôi đã là người của cõi khác, vài năm sau khi ông mất, bác Huân cũng ra đi do căn bệnh hiểm nghèo. Tôi tin rằng, giờ đây ở thế giới bên kia hai người đã gặp nhau để ôn chuyện cũ: câu chuyện chiếc bánh chưng năm ấy. Và họ sẽ ngồi với nhau ăn bánh chưng, những chiếc bánh chưng mang hương vị tình người.
LÊ MINH HẢI
Huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chiec-banh-chung-nam-ay-post724177.html