'Chiếc cặp' - kết nối kỳ quặc của những kẻ cô độc giữa đô thị đóng kín

'Chiếc cặp' của Hiromi Kawakami đã dựng nên một tình bạn ấm áp và thơ mộng, được hình thành từ những đêm khuya nơi quán rượu sake, giữa không khí mùa xuân Tokyo.

Tác giả Kawakamni khéo léo nắm bắt những rung động nhỏ bé của hai con người cô đơn giữa dòng thành phố: Họ tình cờ gặp nhau, uống rượu, chuyện trò với nhau để những đêm tối bớt cô liêu.

 Sách Chiếc cặp bản chuyển ngữ tiếng Việt được NXB Phụ Nữ ấn hành. Ảnh: PhuongNambook.

Sách Chiếc cặp bản chuyển ngữ tiếng Việt được NXB Phụ Nữ ấn hành. Ảnh: PhuongNambook.

Những hoạt động thật giản dị vậy mà bỗng chốc lại khiến họ trở nên thân thiết, tự nhiên khi ở bên nhau, và cứ thế tự nhiên quý mến nhau. Dẫu cho mỗi người vẫn theo đuổi những khoảng riêng khác nhau trong đời sống, nhưng mỗi đêm khi ngồi uống sake nóng bên nhau, họ lại thấy ưu phiền đều tan đi như những cánh hoa anh đào trôi trong gió.

Lối viết của Kawakami thấm đẫm chất thơ, phảng phất nét u buồn vẫn thường thấy trong văn chương Nhật Bản, với cảm thức aware - nỗi buồn, tiếc thương trước khung cảnh chóng tàn của cái đẹp.

Trong không khí của mùa xuân, khi hoa đào nở, Harustuna Matsumoto và Tsukiko chậm rãi đi bộ bên nhau, đôi khi trao đổi vào câu chuyện, đôi khi lặng lẽ. Nhưng họ vẫn đi song đôi với nhau, cảm giác êm dịu xua đi nỗi cô liêu của hai người.

Harutsuna là một người thầy giáo của thế hệ trước, ông có thói quen lưu giữ những đồ vật, chất đầy trong nhà. Mỗi món đồ đều là một dữ liệu của ký ức, lưu lại cuộc đời ông. Ông thường nhốt mình trong đó, ngẫm nghĩ, suy tư, thỉnh thoảng đọc thơ Haiku. Từ khi gặp gỡ và có Tsukiko ở bên, ông đã bước ra thế giới cô độc của mình, để có thể chia sẻ nỗng lòng với người khác.

Chiếc cặp trong cuốn tiểu thuyết là món đồ gắn liền với hình ảnh của Harutsuna. Ông luôn mang chiếc cặp ấy mọi lúc mọi nơi ngay cả khi đi leo núi. Cho đến khi ông ra đi, chiếc cặp là thứ duy nhất Harutsuna để lại cho Tsukiko. Chiếc cặp đóng kín, bên trong trống rỗng những lại chất chứa cả đời người trong ấy.

Con người khi chết, dáng hình chẳng còn hiện hữu trong cõi đời, chỉ còn những kỷ niệm, vương vấn trong tim người còn sống.

Giữa đô thành hiện đại này, trong những đêm cô đơn, Tsukiko thường ngắm nhìn chiếc cặp, như dõi theo, tìm kiếm hình ảnh người bạn tâm hồn thân thiết của cô.

 Cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thế thành phim năm 2001. Ảnh: Alm-ore.

Cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thế thành phim năm 2001. Ảnh: Alm-ore.

Chiếc cặp xuất hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối tiểu thuyết như một hình ảnh biểu tượng cho những căn phòng đóng kín trong các tòa nhà hiện đại của thành phố Tokyo. Không chỉ có Harutsuna, Tsukiko mà rất nhiều người trưởng thành đang ngày ngày đối diện với nỗi cô đơn, thất lạc nơi này.

Bài thơ yêu thích của Harutsuna được viết bởi Seihaku Irako mà ông thường ngâm ngợi trong nhiều phân đoạn của cuốn sách cũng tạo nên bầu không khí não nùng nhưng đẹp đẽ của thành phố và đời người.

“Trong nỗi cô đơn tôi trôi dạt lẻ loi trên đường dài

Áo choàng tả tơi không ngăn gió lạnh

Và đêm nay bầu trời sáng tỏ

Càng khiến nỗi lòng đau bội phần hơn”

Bầu trời đêm trăng cùng nỗi đau bội phần ấy, cứ mênh mang trôi dạt ra khỏi giới hạn của những trang sách, thấm đẫm tâm hồn người đọc, tưởng như mình đang lạc bước nơi ấy, nhìn ngắm hai người dạo bước trong đêm, dành cho nhau những rung động thầm lặng, đặc biệt.

Một cuốn sách đẹp và buồn. Một cuốn sách sẽ quyến rũ và ám ảnh bất kỳ ai bước vào. Tokyo thật cô đơn, thật tĩnh lặng, và cũng thật nhiều mối duyên kỳ lạ.

Cuốn sách bí ẩn về mối liên kết giữa người với người trong đô thị này đã được tặng Giải thưởng văn học Tanizaki năm 2001. Tác phẩm cũng thu hút được nhiều quan tâm của độc giả và các nhà phê bình.

Amy Sackville đã khen: “Một tác phẩm giống như một giấc mơ, hài hước, buồn bã, ấm áp và vô cùng tinh tế. Tôi đã đọc cuốn sách này trong lúc ngồi xuống nghỉ ngơi và chắc chẳn nó sẽ ám ảnh tôi trong suốt thời gian dài”.

Phong Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chiec-cap-ket-noi-ky-quac-cua-nhung-ke-co-doc-giua-do-thi-dong-kin-post1086642.html