Chiếc cầu tre và ước mơ nối đôi bờ sông Nhùng
Dọc bờ sông Nhùng hiền hòa chảy giữa lòng thôn Mai Đàn (xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), suốt hơn nửa thế kỷ qua, có một cây cầu tre mỏng manh bắc ngang con nước, như sợi chỉ mong manh níu đôi xóm Rào và xóm Phước vào nhau.
Người dân nơi đây vẫn gọi đó là cầu dân sinh, nhưng thực chất, ấy là chiếc cầu của sự nhẫn nại, kiên cường, nơi bao nhiêu thế hệ đã đánh đổi cả sự an toàn của mình để giữ gìn nhịp sống đôi bờ.

Cây cầu tre mỏng manh nối đôi bờ sông Nhùng.
Giữa trưa hè bỏng rát, dù đã ngoài tám mươi tuổi nhưng bà Hồ Thị Thu lặng lẽ ra ngồi bên cầu hóng mát. Mái tóc bà bạc phơ như tro, nhưng ánh mắt vẫn ánh lên vẻ bồi hồi khi nhắc về những ngày đầu dân làng tự góp tre, góp gỗ, góp sức mà dựng cây cầu qua sông. “Sau giải phóng, nhà ai cũng nghèo, nhưng không thể để con sông chia lìa nhau hoài. Vậy là đàn ông, thanh niên chặt tre, phụ nữ lo cơm nước, cứ vậy mà có cây cầu đầu tiên…”, giọng bà rưng rung, như con nước dâng tràn ký ức.
Năm mươi năm qua, dòng Nhùng đổi dòng, xói lở mở rộng lòng sông, cây cầu tre ngày một dài thêm, có khi tới bảy, tám chục mét mới nối được hai bờ. Thế nhưng chiếc cầu vẫn là… cầu tre. Không lan can vững chãi, không móng cọc bê tông, chỉ là những thân tre ghép vội, cột chặt bằng dây chạc chìu, chống chọi với nắng mưa, lũ bão, và cả những bước chân run rẩy của người già, trẻ nhỏ.
Ông Nguyễn Cuối, người đàn ông tuổi ngũ tuần hành nghề thợ xây, mỗi ngày đều qua lại chiếc cầu để đến nơi làm việc ở bên kia sông. Một lần, vào mùa lũ tháng Bảy, ông trượt chân rơi xuống khi mới đi được nửa cầu, trong bóng tối mịt mùng và tiếng nước cuồn cuộn đổ về. “May mà bám được bụi tre gần bờ, việc sống sót là nhờ phước đức ông bà để lại”, ông lặng người, bàn tay run run nắm chặt mũ bảo hiểm đã bạc màu.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như ông Cuối. Cách đây vài năm, một cậu bé chừng tám, chín tuổi đi thăm ông ngoại ở xóm Rào, khi băng qua chiếc cầu thì sẩy chân, rơi xuống dòng nước đang chảy xiết và mãi mãi không trở về… Tang tóc ập xuống, như hồi chuông báo động về hiểm họa rình rập. Ấy vậy mà người dân vẫn tiếp tục đi qua cây cầu, bởi đó là con đường ngắn nhất và duy nhất, kết nối sản xuất, sinh hoạt, tình thân.
Gia đình ông Cuối, như hàng chục hộ khác trong vùng, có đất canh tác nằm ở cả hai phía sông Nhùng. Mỗi mùa vụ, việc vận chuyển phân bón, máy móc, thu hoạch lúa phải đi đường vòng qua xã khác rồi mới về được nhà, quãng đường lên tới cả chục cây số, thay vì chỉ 1 cây số nếu được qua cầu tre. “Nhiều khi nhìn thấy nhà mình ở bên kia, mà phải chở lúa vòng vòng, vừa tốn xăng, vừa mất công, mà gặp mưa gió thì còn khốn đốn hơn nữa”, ông than thở.
Đáng buồn thay, cây cầu mỏng manh ấy mỗi năm trôi đến vài ba lần theo mùa nước lũ. Tháng 9, tháng 10 lụt về, cầu trôi theo dòng. Đến giáp Tết, dân lại rủ nhau dựng lại. Tháng 2, tháng 3 nếu có mưa lớn, cầu lại tiếp tục bị cuốn đi. Người dân ở đây quen với cảnh… trôi rồi dựng, như một chu kỳ buồn của số phận. Chi phí mỗi lần làm lại cầu không lớn, chừng 3 đến 4 triệu đồng, nhưng công sức, nỗi lo thì không thể đong đếm. Cầu cũ vừa làm lại cuối năm 2024, tre chưa kịp khô đã xanh lại mầm, như một biểu tượng của sự tái sinh lặng thầm.
Anh Hoàng Viết Hà, người sống sát ngay đầu cầu, đã không ít lần chứng kiến cảnh người té cầu, rơi sông, thậm chí tử nạn. “Cầu này là mạch sống. Trôi thì dựng lại, nhưng có lúc dựng không kịp là cả xóm thành ốc đảo. Trẻ đi học, người ốm đau không qua được, sản xuất đình trệ…”, anh nhìn dòng nước, trầm ngâm.
Xóm Rào và xóm Phước, hai cụm dân cư nhỏ của đội 3, thôn Mai Đàn, gồm tổng cộng hơn 110 hộ dân. Tất cả đều sống nhờ vào đồng đất hai bờ sông Nhùng. Không có cầu, nghĩa là không thể canh tác thuận tiện, không thể đến trường, đến chợ, không thể đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời. Cầu tre mộc mạc đã làm tròn sứ mệnh kết nối suốt bao năm qua, nhưng đã đến lúc cần thay thế bằng một cây cầu vững chắc, không chỉ để người dân qua lại, mà để họ yên tâm sống, yên tâm sản xuất, dựng xây cuộc sống.
Bà Hồ Thị Thu Ân, Trưởng thôn Mai Đàn, nói đầy trăn trở: “Dân thì có thể góp sức, góp tre làm lại cầu chứ không thể tự làm cầu kiên cố. Chúng tôi tha thiết mong Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng một cây cầu dân sinh chắc chắn, để giúp hàng trăm người dân thoát khỏi cảnh lội nước, run chân trên những thân tre và nơm nớp sợ tai nạn…”.
Đã đến lúc, cây cầu tre nhỏ bé giữa vùng quê không còn phải là biểu tượng của bất trắc và thiệt thòi, mà trở thành ký ức đẹp – khi được thay thế bởi một cây cầu mới, vững vàng nối những phận người đôi bờ sông Nhùng. Một cây cầu không chỉ nối đất, mà còn nối lòng dân với niềm tin vào sự quan tâm thực chất từ những người có trách nhiệm…
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/chiec-cau-tre-va-uoc-mo-noi-doi-bo-song-nhung-i768985/