Chiếc địu của đồng bào Ê-đê
Ở các buôn làng của người Ê-đê thuộc tỉnh Đắk Lắk, nghề dệt truyền thống vẫn luôn được những người phụ nữ nơi đây gìn giữ và phát triển. Họ thường tự dệt quần áo, chăn, mền cho bản thân và gia đình. Đặc biệt là những chiếc địu để địu em bé.
Địu của đồng bào Ê-đê là một tấm vải sợi bông tự dệt, màu đen hay màu chàm đậm. Thường được trang trí bằng dải hoa văn chạy dọc ở chính giữa, gồm những đồ án phối hợp với các hình tam giác và hình thoi; những dải sọc màu đỏ, trắng, vàng chạy dọc theo hai mép, đăng đối với nhau qua dải hoa văn ở chính giữa. Các trang trí đều được dệt ngay trong khi dệt tấm vải. Nhiều người cũng hay khâu viền vải đỏ ở mép vải, để tấm địu vừa dùng bền vừa trông đẹp mắt hơn.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Địu trẻ nhỏ là tập quán từ xưa tới nay ở tất cả dân tộc bản địa Trường Sơn - Tây Nguyên; nữ địu phổ biến hơn nam. Đặt đứa bé áp bụng vào lưng người địu, choàng tấm địu ôm giữ lấy mông và lưng trẻ, đưa một đầu vải qua bên vai này, một đầu qua sườn bên kia rồi vận vào với nhau và giắt vào trong dải vải địu ở trước ngực. Có thể đưa đứa trẻ về phía bụng hoặc sang bên cạnh sườn. Bằng cách này, người ta không chỉ địu nó lúc ở nhà, ở làng mà còn địu theo cả khi lên rẫy hay đi đâu đó xa, thậm chí vừa giã gạo vừa địu con sau lưng, hoặc có thể sau lưng đeo gùi, còn trước bụng địu con.
Qua bàn tay khéo léo của người Ê-đê, chiếc địu sẽ được dệt thành những tấm khăn thổ cẩm dài hình chữ nhật với kết cấu chiều dài, chiều rộng tùy theo sở thích của người dùng, sao cho khi địu trẻ được thoải mái và chắc chắn. Trên chiếc địu, họ dệt lên đó những họa tiết khác nhau như hình khối vuông, tròn, hoa, mây, cây cỏ… với nhiều màu sắc đen, đỏ, xanh… Thông thường khi dệt, người Ê-đê còn chèn tên của em bé trong tấm địu với mong muốn chiếc địu sẽ nâng đỡ và bảo vệ những đứa trẻ đó khi chúng chào đời. Đó có thể là quà tặng của bà ngoại, của các cô, dì cho cháu, hoặc là món quà đầy tình cảm của cha mẹ dành cho con cái.
Thường thì khi những đứa trẻ mới ra đời, chỉ cần tròn một tháng tuổi, người Ê-đê đã sử dụng địu để địu trẻ. Người Êđê sử dụng địu mọi lúc, mọi nơi và dùng nhiều nhất vào giai đoạn trẻ từ 1 đến 2 tuổi. Khi những đứa trẻ lớn lên đến tầm 4, 5 tuổi, chiếc địu thường không được sử dụng nữa. Nếu chiếc địu còn tốt, họ sẽ dùng để địu cho đứa trẻ sau hoặc cất làm vật kỷ niệm của gia đình, để nhắc nhở con cháu luôn nhớ về cội nguồn của mình.
Nhờ có chiếc địu mà các bà, các mẹ có thể vừa trông con, vừa rảnh tay để làm việc, từ những việc nhẹ nhàng như giặt giũ, dệt vải, nấu cơm đến những việc nặng nhọc hơn như lấy củi, giã gạo, làm nương rẫy… Hình ảnh những bà mẹ địu con trên lưng là một hình ảnh đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả. Ở trong tấm địu ấm áp, những đứa trẻ đều rất ngoan ngoãn, ít khi quấy khóc và dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Không chỉ các bà các mẹ mới địu trẻ, kể cả những người đàn ông như bố, chú, bác hay anh chị em trong gia đình cũng sử dụng chiếc địu như một vật thân thuộc để địu những đứa trẻ mỗi khi có việc phải ra ngoài.
Ngày nay, dù xã hội hiện đại, nhiều vật dụng trông trẻ ra đời thế nhưng chiếc địu vẫn không thể thiếu trong bất cứ gia đình người Ê-đê nào. Chiếc địu như vòng tay ấm áp của mẹ, ôm ấp, bảo bọc con. Và từ chiếc địu ấm êm, những đứa trẻ cứ thế mà lớn lên từng ngày…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chiec-diu-cua-dong-bao-e-de-508821.html