Chiếc đũa bếp và cây cột nhà

Suốt cả tuổi thơ cho đến khi đã lớn, mỗi lần mưa to gió lớn, dù giữa đêm hôm, tôi luôn lồm cồm bò dậy, chạy vào bếp tìm cây đũa bếp trong ống đũa, rồi lẹ làng đặt xuống chống vào cái cột cái trong nhà. Cây đũa bếp chống cái cột cái, đó là bí kíp của riêng tôi, để nhà không bị sập trong dông gió.

Tôi chẳng biết làm vậy có linh nghiệm gì không. Nhớ lại những ngày ấy, tôi chỉ thấy niềm tin của mình vào sức mạnh huyền bí nào đó quá chừng trong sáng. Cây đũa bếp đó đã giúp tôi bình tĩnh lại, bớt được một chút nỗi ám ảnh nhà sập từ trận dông gió năm tôi mới chừng sáu, bảy tuổi. Cái giây phút đó, chúng tôi đã chạy ra được khỏi căn nhà sập bẹp toàn bộ phần mái phía trước mà không hề bị thương tích gì, cũng đã là một điều kỳ diệu rồi.

Đó là cơn dông lớn, mấy anh em tôi cùng má sắp soạn ăn bữa cơm chiều lên bàn, vừa ngồi vào thì trận cuồng phong ào qua. Căn nhà, như chiếc lá mỏng, lắc lư và nghiêng theo chiều gió, cùng với đó là tiếng “rắc” mạnh. Má kịp thét lên đẩy các con chạy ra ngoài. Thất kinh nhất là lúc chúng tôi chạy thoát ra được, quay lại không thấy má đâu.

Tôi đã khóc thật lớn giữa trời mưa như trút, rồi anh tôi bò xuống sát đất, bẹp mình ngó qua mái nhà đổ ập, thấy má đứng như trời trồng, tay ôm cứng cây cột cái. Chúng tôi đã đồng thanh gọi má, má tôi lúc đó như mới hoàn hồn. Mâm cơm vẫn còn nguyên trên bàn, bốc khói.

Tôi không biết má đã sợ đến cỡ nào, nhưng bản năng chống đỡ của má hẳn đã khiến má đứng bật dậy. Và bằng sức mạnh thần kỳ nào đó, má xô thẳng cây cột cái, ghì trụ lại, để mái nhà sau vẫn còn được chống đỡ, bởi nếu toàn bộ căn nhà mà sập, thì hậu quả kinh khủng biết dường nào. Nhà chúng tôi ở giữa đồng trống, xung quanh không có nhà ai ở ngoài những chòi lá giữ vườn, giữ ruộng.

Ông bà nội cho ba má ra riêng ở miếng đất xa ngái, đúng nghĩa “đồng không mông quạnh”. Ba tôi thường xuyên vắng nhà, nên căn nhà sập rồi, chỉ có chúng tôi, vì có kêu cũng không có ai ở đó để giúp đỡ. Đêm đó, bằng cách nào đó, má đã dựng tạm một chỗ khô ráo để chúng tôi ngồi vào, đợi cơn mưa dứt hạt. Sáng hôm sau trời quang, chắc biết sự chẳng lành của cơn gió lớn, ông bà nội tôi sai chú út vào thăm xem thế nào, lúc đó chú mới biết nhà đã tan hoang rồi.

Từ đó, tôi luôn sợ những cơn gió, những trận mưa dông. Hễ mưa nhiều một chút, gió to một chút là tôi không thể nằm yên được. Tôi không biết cái nhà mình ở, dù đã được sửa chữa cất lại, có đủ chắc chắn không. Tôi sẽ làm gì đây để bảo vệ ngôi nhà, bảo vệ những người thân yêu của mình?

Chuyện cây đũa bếp là từ bà tôi, bà kể câu chuyện truyền miệng, rằng ông bà thời xưa cũng đã dùng cây đũa bếp để chống cây cột cái khi mưa dông, cái nhà nhờ đó sẽ chống chọi vững vàng hơn. Và tôi đã tin như vậy, trong nhiều năm trời.

Ở giữa đồng trống, lại một thân một mình với đám con nheo nhóc, tôi không biết má tôi đã chống chọi như thế nào. Miền Tây cũng mưa gió, bão lụt liên miên. Những cơn lụt lớn hồi ấy, nước lên đến hơn nửa nhà, má hốt chúng tôi lên xuồng, che chắn, bảo vệ.

Chúng tôi đã quanh quẩn bên má như đám gà con chui dưới chiếc bụng của gà mẹ lúc chiều về, gà mẹ luôn dang đôi cánh ra, che chở cho đàn con mình. Và má đã thành công, không phải thành công vì dựng được căn nhà đủ chắc, mà là giữ được tất cả anh em chúng tôi an toàn, qua những bận thiên tai như thế.

Nhớ lại câu chuyện chiếc đũa bếp nhỏ xíu mà lại chống đỡ cây cột nhà của tuổi thơ, rồi liên tưởng đến chuyện về mùa bão lũ vừa xảy ra trên đất nước mình. Lúc này đây, ở phía Bắc quê hương, những tang thương sau bão lũ vẫn còn dài. Những câu chuyện mất mát đến nhói lòng và những nỗi ngậm ngùi đến xót xa mỗi ngày trên mặt báo. Đau xót đó, nhưng người còn ở lại vẫn phải dựng lên từ những gì còn sót lại và sống tiếp.

Chiếc đũa bếp, làm tôi nghĩ đến sự san sẻ, sự chung tay mọi người với mỗi người, của người này với người kia, của người nơi này với người nơi khác. Mất mát thì đã lớn rồi, nhưng tấm lòng tử tế, dù chỉ nhỏ xíu thôi, như cây đũa bếp, vẫn khiến những mất mát lớn vơi bớt đi. Cây cột cái oằn mình chống đỡ cơn gió dữ, hẳn cũng thấy mình mạnh mẽ hơn một chút, khi có thêm một chiếc đũa bếp nhỏ xíu ở bên cạnh mình, chắc nó cũng biết ơn lắm thay.

Cái cây đũa bếp nhỏ xíu, cái tâm thật thà, trong sáng của đứa trẻ trong tôi hồi nào, như một nhắc nhớ về chuyện sống thật và sống tử tế. Giữa những mất mát không gì nói hết, tôi chỉ ước, người ta bớt sống ảo một chút, bớt khoe khoang một chút và sống thiện tâm hơn một chút.

Chỉ một chút thôi, để mỗi đứa trẻ ở xứ này lớn lên, có thêm niềm tin vào chính mình và tin vào lòng tốt nguyên lành của người xung quanh để trưởng thành, làm những điều trong veo và đủ tự hào.

MINH PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chiec-dua-bep-va-cay-cot-nha-post761232.html