Chiếc khẩu trang chia rẽ người dân Anh

Trong khi một bộ phận người dân ủng hộ chính phủ Anh gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang, nhiều người khác coi đó là hành động 'liều lĩnh'.

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều quốc gia đã ban hành luật bắt buộc người dân đeo khẩu trang và khăn che mặt nơi công cộng trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus.

Theo CNBC, trong khi đa số mọi người coi việc đeo khẩu trang là bình thường và chấp nhận nó mà không phàn nàn, một bộ phận thiểu số lên tiếng phản đối quy định trên và coi đó là sự áp đặt lên quyền riêng tư của họ.

Giờ đây, khi các quốc gia dần nới lỏng các hạn chế về phòng dịch, quy định đeo hay không đeo khẩu trang vẫn là chủ đề gây tranh cãi.

Cuộc tranh luận về chủ đề này nóng lên tại Anh từ ngày 5/7 sau khi chính phủ nước này tuyên bố đeo khẩu trang sẽ trở thành vấn đề "trách nhiệm cá nhân" chứ không phải yêu cầu pháp lý khi các hạn chế phòng dịch Covid-19 được gỡ bỏ theo kế hoạch vào ngày 19/7.

Động thái này ngay lập tức gây ra phản ứng mạnh mẽ từ cả hai phía, những người đồng tình và phản đối đeo khẩu trang.

 Nhiều người lo ngại khi chính phủ Anh tuyên bố việc đeo khẩu trang trở thành "trách nhiệm cá nhân" thay vì quy định bắt buộc. Ảnh: BBC.

Nhiều người lo ngại khi chính phủ Anh tuyên bố việc đeo khẩu trang trở thành "trách nhiệm cá nhân" thay vì quy định bắt buộc. Ảnh: BBC.

Hashtag "WearAMask" (đeo khẩu trang) thịnh hành trên mạng xã hội với cuộc tranh luận sôi nổi giữa các thành viên Quốc hội, chuyên gia y tế và công chúng về việc có nên tiếp tục đeo khẩu trang sau khi các hạn chế được gỡ bỏ.

Không thể chủ quan dù đã tiêm hai mũi vaccine

Vào tháng 6/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cập nhật hướng dẫn của mình, khuyến nghị các chính phủ yêu cầu người dân đeo khẩu trang bằng vải ở các khu vực công cộng, nơi có nguy cơ lây truyền virus.

Hiện tại, người dân vẫn phải đeo khẩu trang hoặc khăn che mặt ở tất cả môi trường công cộng trong nhà ở Anh, như cửa hàng, siêu thị, nhà hát, bảo tàng và trên các phương tiện giao thông công cộng, trừ những người được miễn với lý do y tế. Cảnh sát Anh có quyền phạt 200 bảng Anh (277 USD) bất cứ ai không làm theo quy định.

Kế hoạch gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang của chính phủ Anh được các nhà lập pháp Đảng Bảo thủ ủng hộ, đặc biệt những người từng phản đối kịch liệt các lệnh hạn chế chống dịch nghiêm khắc.

Desmond Swayne, nghị sĩ đảng Bảo thủ cho New Forest West, nằm trong số những người lên tiếng ủng hộ kế hoạch này. Ông nói với CNBC: "Đeo khẩu trang có những tác động tâm lý và xã hội đáng kể. Tôi luôn cảm thấy khó tin khi sống trong xã hội tự do nhưng chúng ta được hướng dẫn về việc mặc gì và bị phạt nếu không làm như vậy".

 Nhiều người sợ rằng việc ngừng bắt buộc đeo khẩu trang khiến dịch bùng phát mạnh. Ảnh: Rex Features.

Nhiều người sợ rằng việc ngừng bắt buộc đeo khẩu trang khiến dịch bùng phát mạnh. Ảnh: Rex Features.

Swayne và những người khác coi việc đeo khẩu trang là hành vi xúc phạm đến quyền tự do dân sự.

Phía những người ủng hộ việc đeo khẩu trang cho rằng nghĩa vụ công dân là phải đeo khẩu trang và ngăn chặn sự lây lan của của một loại virus đã giết chết hơn 3,9 triệu người trên toàn thế giới, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins.

Sau thông báo của chính phủ Vương quốc Anh, công đoàn Unite, Đảng Lao động đối lập và một số chuyên gia y tế nhanh chóng lên tiếng lo ngại hoặc chỉ trích kế hoạch này, nói rằng đó là quyết định rủi ro ở thời điểm biến thể delta đang khiến số ca nhiễm ở Anh và các quốc gia khác tăng nhanh.

Unite, đại diện cho nhiều nhân viên giao thông công cộng, cho biết việc gỡ quy định đeo khẩu trang sẽ là “một hành động sơ suất của chính phủ” và Keir Starmer, lãnh đạo đảng Lao động, mô tả động thái này là “liều lĩnh”.

Anh không phải quốc gia duy nhất có những cuộc tranh cãi công khai về khẩu trang, Mỹ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tuy nhiên, không giống ở Anh, Mỹ có nhiều quy định khác nhau áp dụng ở từng bang. Ở một số bang, đeo khẩu trang là bắt buộc, một số bang khác tuân theo hướng dẫn mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

Vào tháng 5, CDC cho biết những người được tiêm chủng đầy đủ không còn cần phải đeo khẩu trang hoặc đứng cách xa người khác 2 m trong hầu hết môi trường. CDC cũng lưu ý những người tiêm chủng vaccine đầy đủ vẫn phải đeo khẩu trang trên máy bay, xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng khác.

Tuy nhiên, vào tháng 6, WHO đã khuyến cáo những người được tiêm chủng đầy đủ tiếp tục đeo khẩu trang vì biến thể delta rất dễ lây lan nhanh chóng trên toàn cầu.

"Mọi người không thể tin rằng mình tuyệt đối an toàn chỉ vì đã tiêm đủ hai liều vaccine. Họ vẫn cần tự bảo vệ mình. Chỉ một mình vaccine không thể ngăn được sự lây lan trong cộng đồng", Mariangela Simao, trợ lý tổng giám đốc WHO về tiếp cận thuốc và các sản phẩm y tế, nói.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chiec-khau-trang-chia-re-nguoi-dan-anh-post1235578.html