'Chiếc phao' giúp doanh nghiệp có động lực vươn lên

'Chiếc phao' này chính là sự thay đổi tư duy tích cực của những nhà hoạch định chính sách khi lắng nghe và thấu hiểu khó khăn, thực tế trong sản xuất kinh doanh để có giải pháp thiết thực. Minh chứng mới nhất là việc chỉnh lại định mức sử dụng năng lượng trong mảng bao bì nhựa, giảm thuế nhập khẩu đậu tương từ 2% xuống 1% hay giảm thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu…nhằm giúp doanh nghiệp có động lực vươn lên.

Theo thông tin mới đưa ra từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), trong hạ tuần tháng 11/2024 đã có cuộc họp thẩm định Dự thảo Thông tư quy định định mức sử dụng năng lượng trong ngành nhựa do Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) tổ chức.

Lắng nghe và thấu hiểu

Như chia sẻ của VPA, đến nay, tất cả các định mức sử dụng năng lượng trong phiên bản cuối của Dự thảo nêu trên đã được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng hoàn toàn những đề xuất từ phía hiệp hội.

Đáng chú ý, định mức sử dụng năng lượng trong ngành bao bì nhựa, cụ thể là sản xuất túi nhựa, đã được điều chỉnh từ 0,55 kWh/kg sản phẩm lên 0,95kWh/kg sản phẩm.

Sự thay đổi tư duy tích cực từ những nhà hoạch định chính sách khi lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn, thực tế sản xuất của DN là rất cần thiết.

Sự thay đổi tư duy tích cực từ những nhà hoạch định chính sách khi lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn, thực tế sản xuất của DN là rất cần thiết.

“Đây không chỉ là con số, mà còn thể hiện sự thay đổi tư duy tích cực từ các cơ quan quản lý, khi lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn, thực tế sản xuất của doanh nghiệp (DN)”, phía VPA đánh giá.

Cần nhắc lại, trong bản Dự thảo cũ trước đó đã đề xuất điện năng tiêu thụ trong mảng bao bì nhựa là 0.59kwh/kg. Điều đó đã vấp phải phản ứng từ các DN trong mảng này khi trong quá trình sản xuất nhiều loại sản phẩm bao bì thì sử dụng các loại công nghệ khác nhau như công nghệ đùn, công nghệ thổi và định hình.

Chẳng hạn như như với sản phẩm khay, hộp nhựa theo công nghệ định hình sẽ phải qua 2 công đoạn gồm đùn tấm và định hình. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều DN chỉ sản xuất 1 công đoạn cho nên mức điện năng tiêu thụ sẽ khác nhau.

Và qua khảo sát ý kiến từ các DN bao bì nhựa của VPA, đối với nhóm màng, mức điện năng tiêu thụ trung bình 0.7kwh/kg, đối với khay hộp, mức điện năng tiêu thụ trung bình 1.01kwh/kg; điện năng tiêu thụ cho công đoạn đùn tấm 0.67kwh/kg; điện năng tiêu thụ cho công đoạn định hình 0.34kwh/kg.

Chính vì vậy, sau đề xuất của VPA về việc bổ sung định mức tiêu hao theo thực tế các DN bao bì đang sử dụng như hiện nay, việc Dự thảo điều chỉnh mức tiêu hao từ 0,55 kWh/kg sản phẩm lên 0,95kWh/kg sản phẩm là rất đáng ghi nhận. Và chính từ việc rà soát kỹ lại định mức tiêu hao điện năng của các DN bao bì nhựa để Thông tư sau khi được Bộ Công Thương ban hành sẽ giúp DN có thể thực hiện được.

Cũng cần nhắc thêm, trong định hướng gần đây, Bộ Công Thương cho biết sẽ nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, cũng như đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Nhất là tập trung xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng.

Ngoài câu chuyện điều chỉnh mức tiêu hao năng lực nêu trên, trong điều chỉnh chính sách để giúp DN vượt khó, có thể nhắc đến việc từ ngày 16/12 sắp tới sẽ có nhiều mặt hàng được điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi nhằm giảm chi phí đầu ở một số ngành hàng quan trọng. Điều này nhờ vào việc trong tháng 11/2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp ngoài hạn ngạch thuế quan.

Đơn cử như nhập khẩu khô dầu đậu tương được hưởng chính sách nói trên. Trong Nghị định 144/2024/NĐ-CP đã điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi, được phân loại vào mã HS 2304.00.90 từ 2% xuống 1%. Qua đó giúp giảm chi phí đầu vào cho ngành chăn nuôi khi mà hiện tại có đến 85% khối lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn đang phải nhập khẩu do nguồn cung trong nước chưa thể đáp ứng.

Kỳ vọng gỉai pháp thiết thực

Bộ Tài chính cho rằng việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu đậu tương sẽ góp phần giảm chi phí nguyên liệu đầu vào cho ngành chăn nuôi và DN cũng có thể chủ động hơn về nguồn cung. Và việc giảm mức thuế suất như vậy vẫn tạo điều kiện cho ngành sản xuất khô dầu đậu tương trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để có được sự điều chỉnh về thuế suất với đậu tương nhập khẩu như vậy là cả quá trình kiến nghị từ các DN trong ngành nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi với mong muốn giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương nhằm giúp cho họ giảm được chi phí.

Như trong văn bản hồi tháng 3/2023 mà Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep) từng gửi đến Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT có lưu ý đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao. Và chính điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của ngành với các nước đối thủ (Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc…). Chẳng hạn, cùng mặt bằng so sánh và size cỡ thu hoạch tôm, giá tôm nguyên liệu Việt Nam cao hơn từ 20-30% giá tôm nguyên liệu của Ấn Độ và Ecuador.

Nên biết, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 1,5 - 2 triệu tấn hạt đậu tương, trong 10 tháng năm 2024, cả nước nhập khẩu đậu tương lên tới 1,85 triệu tấn (tăng 15,1% về khối lượng) với giá trị ước đạt 953 triệu USD. Hồi năm 2023 kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này là gần 1,17 tỷ USD, còn hồi năm 2022 là gần 1,28 tỷ USD.

Ngoài việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đậu tương, phải kể đến việc Bộ Tài chính trong tháng 11 này đang lấy ý kiến góp ý với Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025. Trong đó, đáng chú ý là Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường trong năm 2025 đối với xăng (trừ etanol), dầu, mỡ nhờn; giảm khoảng 70% đối với nhiên liệu bay và 40% với dầu hỏa.

Ts. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, cho rằng xăng dầu là mặt hàng mà ngành nào cũng tiêu dùng, cho nên nếu giảm được giá xăng dầu sẽ giảm được chi phí sản xuất cho DN. Điều này có thể thấy rõ khi mà trong giá xăng dầu có nhiều loại thuế, phí, trong đó có thuế bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần trực tiếp vào giảm giá xăng dầu và thông qua đó giảm chi phí sản xuất cho DN.

Mới đây, khi góp ý vào Dự thảo Nghị quyết nêu trên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng bày tỏ đồng tình về việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu trong năm 2025. Đây là giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ DN và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Cho rằng giá xăng dầu thế giới trong năm 2025, đặc biệt là giai đoạn đầu năm, được dự đoán là sẽ có biến động mạnh do các yếu tố chính trị và xung đột vũ trang, do đó, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục theo sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để có các phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời.

Tựu trung, một khi các nhà hoạch định chính sách với tư duy tích cực, bám sát, thấu hiểu rõ thực tế sản xuất kinh doanh của các ngành hàng trước những khó khăn vướng mắc và từ đó cân nhắc điều chỉnh kịp thời, sẽ là “chiếc phao” giúp cho DN có động lực để vượt khó, vươn lên trong thời gian tới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chiec-phao-giup-doanh-nghiep-co-dong-luc-vuon-len-1103812.html