Chiếc phong bao đỏ đầu năm

Không biết từ bao giờ phong tục mừng tuổi đầu năm ra đời để rồi lưu truyền từ năm này sang năm khác. Trong những ngày tết, mọi người đến nhà người thân, bạn bè để thăm hỏi và chúc tết, đồng thời không quên mừng tuổi (lì xì) khi gặp trẻ em hay những người cao tuổi. Chiếc phong bao, thường là màu đỏ xinh xinh, đã trở thành một đặc trưng của ngày tết.

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Từ một mỹ tục

Bắt đầu từ thời khắc giao thừa chính thức bước sang năm mới, những người lớn tuổi trong gia đình sẽ lì xì mừng tuổi cho con cháu để lấy may, kèm theo là lời chúc làm ăn phát đạt, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn… Còn con cháu cũng biếu ông bà, cha mẹ những phong bao đỏ thắm cùng với lời chúc sức khỏe và trường thọ. Ý nghĩa chính không nằm ở giá trị tiền mà quan trọng là ở thông điệp. Vì thế, tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ nhưng phải là tiền mới.

Người ta không trực tiếp đưa tiền mà xếp gọn gàng, kín đáo trong những phong bao. Việc làm này thể hiện sự ý nhị trong văn hóa giao tiếp, ứng xử của người Việt khi không muốn người nhận được lì xì so bì về sự ít nhiều của số tiền tượng trưng mà dẫn đến những điều không vui trong ngày tết.

Riêng với tôi, thuở nhỏ sống ở nông thôn thời bao cấp nên hoàn toàn không biết đến mừng tuổi, lì xì là gì. Bởi khi ấy, gia đình nào cũng nghèo, ngày tết lo được chút bánh mứt bày bàn thờ cúng ông bà, mâm cơm có chút thịt và bầy con có bộ quần áo mới đã là quá sức rồi… Cả làng đều nghèo như vậy cả, nên chả thấy nhà ai mừng tuổi ai bao giờ. Khi lớn lên, đi làm xa quê đến một vùng đất mới, và đúng vào thời điểm đất nước đổi mới, kinh tế khá dần lên tôi mới biết đến lì xì đầu năm. Nhưng chỉ là lì xì đi chứ chưa bao giờ được nhận lì xì vì mình… đã lớn, đã đi làm (!)

Nhớ có một thời kỳ tôi công tác ở một cơ quan nọ. Dịp tết, sếp nói tôi chuẩn bị phong bao lì xì để đầu năm sếp đi chúc tết, động viên một số doanh nghiệp. Tôi đêm nằm mất ngủ, hỏi đủ các bạn bè tìm cách để có một phong bao ý nghĩa, đúng phong tục và… đúng chế độ ngân sách quy định. Bạn bè mỗi đứa một ý, mãi rồi cũng nảy ra sáng kiến.

Tôi cho nhân viên đi đổi mớ tiền lẻ còn mới tinh. Mỗi phong bao đỏ thắm chuẩn bị đủ các tờ tiền, mệnh giá bắt đầu từ 1.000 đồng, 2.000 đồng… tới 500.000 đồng. Cộng 9 tờ tiền này lại sẽ cho giá trị đúng 888 ngàn, một con số đẹp và ý nghĩa. Sếp nghe báo cáo, gật đầu khen hay làm mũi tôi nở suốt cả mấy ngày tết. Năm ấy sếp lì xì cho cả cơ quan mỗi người một tờ 2 USD mới cứng. (Chuyện người ta thích được lì xì bằng tờ 2 USD lại là câu chuyện hấp dẫn khác).

… thành công nghệ lì xì

Câu chuyện lì xì, tiền mừng tuổi đẹp và ý nghĩa là vậy, nhưng xung quanh đó cũng đã có không ít chuyện dở khóc dở cười. Ngày nay, chuyện lì xì ngày tết là đương nhiên và hơn thế, trở thành một công nghệ bài bản. Khoảng sau rằm tháng Chạp, phố phường đã rộn rã hơi hướm tết. Trên hè phố đã bày ra những chợ bán thiệp, bao lì xì, đèn lồng… Các cơ quan, nhân viên râm ran nhờ nhau đi đổi tiền mới. Ngân hàng nào cũng có những khách “ruột” nên cố gắng ưu tiên cho đơn vị.

Trước tết từ rất lâu, các cơ sở in ấn đã lo thiết kế mẫu mã phong bao lì xì. Mẫu truyền thống thì năm con giáp nào sẽ in hình con ấy. Năm nay năm Mão thì phong bao thường có chú mèo úc núc. Màu sắc chủ yếu là màu đỏ, vẫn những câu chúc truyền thống dù có thiết kế cách điệu chút đỉnh như: Chúc mừng năm mới, Vạn sự như ý, Tấn tài tấn lộc, hoặc chữ Phúc, chữ Lộc...

Một số doanh nghiệp lớn thường đặt in phong bao riêng, có logo và theo màu sắc nhận diện của đơn vị, vừa làm quà cho nhân viên, vừa quảng cáo cho doanh nghiệp. Mấy công ty có lãnh đạo trẻ trung, thấu hiểu tâm lý nhân viên thì đặt in bao lì xì có những câu chúc rất nghịch ngợm: Đừng hỏi có bồ chưa, Từ từ làm lại, Năm nay sẽ tỏ tình… để khi trao nhau cười ngất.

Lì xì đầu năm cũng gặp nhiều chuyện cười ra nước mắt khi ngày nay, trẻ em biết được giá trị của đồng tiền khá sớm nên rất ý thức chuyện chờ nhận lì xì. Bạn tôi cười gượng, nói năm nào về quê chúc tết cũng khổ ải chuyện chuẩn bị phong bao, không biết bao nhiêu cho đủ. Con cháu trong nhà đông đúc sắp hàng chờ thì không nói, còn bạn của tụi nó nghe có cô chú ở thành phố về cũng chạy theo chen chân. Có đứa thật thà cám ơn khi nhận lì xì, nói thêm “Còn em cháu mới đẻ nằm ở trong phòng nữa”…

Nhưng vậy chưa khó đỡ bằng những trường hợp bố mẹ chưa kịp cản thì con cái đã bóc phong bao lì xì ra ngay khi nhận. Rồi đứa thì với vẻ mặt vui mừng, phấn khởi vì được mừng đồng tiền to, đứa tiu nghỉu với món tiền mừng tuổi nhỏ. Có đứa oang oang so sánh tiền này nhiều ít so với chú A, chú B… Coi như xui xẻo mất ngày đầu năm. Chuyện lì xì của trẻ trở nên to chuyện, khi năm ngoái báo chí rầm rộ với loạt bài viện dẫn Điều 58, Nghị định 144/2021 của Chính phủ để dẫn giải rằng việc giữ tiền lì xì của con cái nếu không được trẻ đồng ý có thể bị phạt hành chính tới 30 triệu đồng, thật hết biết (!)

Tết bây giờ cũng không nhất thiết người lớn lì xì trẻ em, sếp lì xì cho nhân viên hay con cháu mừng tuổi người lớn tuổi trong nhà nữa, gặp nhau đầu năm ai cũng đòi lì xì loạn xạ như một câu chào vui. Lan man chuyện lì xì, bất chợt tôi cũng nóng ruột ngóng ra cổng, chờ xem mấy đứa bạn thân đến chúc tết chưa để chào bằng câu đầu môi: Ê, lì xì của tao đâu?

THỦY NGÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/292614/chiec-phong-bao-do-dau-nam.html