Chiếc roi mây của ngoại
'Cái Hạ đâu rồi, đem 'dạ' về đây cho ngoại…!'. Đến giờ, mỗi lần nhớ lại tiếng gọi réo rắt ấy, tôi lại tủm tỉm cười. Đó là khoảng ký ức êm đềm, hạnh phúc mà tôi không thể nào quên được của một thời thơ ấu…
Mỗi khi tiếng gọi của ngoại cất lên, tạm biệt lũ trẻ trong sự nuối tiếc, tôi chạy thục mạng về “trình diện” dù biết ngoại đang cầm chiếc roi mây đứng chờ ngay trước cửa.
- Mày giỏi nhỉ? Bà bảo lên giường đi ngủ, thế mà trốn tiệt đi chơi.
- Dạ… dạ…! Tại con… không… buồn ngủ ạ! Ngoại tha cho con… - Tôi ấp úng.
Chẳng hiểu sao, tôi lại sợ chiếc roi mây thần thánh của ngoại đến thế! Chỉ cần thấy nó, tôi đã xanh mét mặt mày.
…
Bố đi làm xa nhà. Chỗ làm của mẹ cũng cách nhà hơn chục cây số, vì vậy mẹ thường đi từ sáng sớm, chiều muộn mới về.
Ngay từ nhỏ, tôi đã ở với ngoại nhiều hơn với mẹ. Từ cơm nước, tắm rửa, giặt giũ, rồi đưa tôi đi học… gần như đều một mình ngoại lo. Ông mất sớm nên tất cả tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của ngoại đều giành hết cho chúng tôi.
Nhà ngoại ngay sát cánh đồng. Vào những trưa hè oi ả, đợi cho ngoại đi vào giấc ngủ, tôi với thằng Hòa (con cậu Thành – em ruột của mẹ) lại rón rén rời khỏi giường theo chân lũ trẻ trong xóm ra ngoài đồng chơi. Thằng Hòa hơn tôi một tuổi nhưng hai đứa lại khá hợp nhau. Nó tỏ ra mình là người lớn, thường bảo vệ và nhường nhịn cái thói đành hanh của bà chị như tôi.
Chúng tôi chạy nhảy, nô đùa, cùng nhau bắt con châu chấu, đuổi con muồm muỗm hay ngấu nghiến những quả dại… Thậm chí, xắn quần thi nhau mò cua, bắt ốc dưới những mương nước đang gần trơ đáy. Người ngợm đứa nào đứa nấy đều lem luốc bùn đất. Mỗi khi trông chẳng ra hình người như thế, chúng tôi lại được những trận cười nghiêng ngả.
Sau giờ nghỉ trưa, không thấy bóng dáng của chị em tôi đâu, ngoại lại cầm chiếc roi mây đứng chờ trước cổng. Lần nào, tôi cũng hứa lên, hứa xuống với ngoại, nhưng chỉ được vài hôm, chứng nào lại tật đó.
…
Có lần, tôi và thằng Hòa xin ngoại đi chơi. Ngoại dặn, chỉ được chơi quanh quẩn trong xóm, không được ra sông. Hai chị em “vâng, dạ” rồi cùng hòa vào lũ bạn.
Chúng tôi cùng nhau chơi trốn tìm, đánh trận giả, rồi ra đồng lấy đất sét nặn đồ chơi... Chẳng mấy chốc, đứa nào đứa nấy mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi lấm lem. Thế rồi, cả lũ kéo nhau ra bờ sông.
Ban đầu, chỉ định ra sông rửa tay chân, mặt mũi cho sạch sẽ. Nhưng chỉ được ít phút, chúng tôi đã bị sức hút của dòng nước mê hoặc. Cả lũ đã hùa nhau xuống tắm.
Với những đứa trẻ lớn lên từ sông nước, chẳng cần chờ chuồn chuồn cắn rốn mà đứa nào cũng biết bơi. Bởi chẳng trưa nào chúng không trốn nhà tụ tập, ngụp lặn, hò hét khắp bến sông.
Chẳng cần kính, mũ hay quần áo bơi lội, thằng Hòa cởi chiếc áo cộc tay vắt lên bụi cây dại gần đó, trèo lên cây cầu rồi thả mình xuống dòng nước trong xanh, thoăn thoắt như một chú cá kình. Thấy vậy, lũ trẻ trên bờ hò reo không ngớt. Vậy là những lời dặn dò của ngoại chẳng mấy chốc đã bị dòng nước cuốn đi!
- Nhanh lên! Xuống đi chúng mày ơi, mát lắm! – Giọng thằng Hòa từ dưới nước vọng lên.
Tiếng gọi của thằng Hòa bỗng như có thêm ma lực. Cả lũ nhảy tùm xuống làm cho cả khúc sông tung bọt trắng xóa. Chúng tôi hò hét, thi nhau bơi lội… mà quên rằng mình đang đi tắm “trộm”.
Đang thả mình dưới dòng nước mát, bỗng một hương thơm nhè nhẹ vụt qua. Thằng Thao nhanh miệng:
- Hình như, bên kia có ngô nếp chúng mày ạ!
Cả lũ nhìn nhau nở ra một nụ cười bí ẩn. Không đứa nào nói câu gì, cùng nhau bơi về phía bãi ngô. Trên bãi bồi cách chúng tôi không xa, những hạt ngô nếp căng mẩy giấu mình sau lớp vỏ xanh thơm ngào ngạt, có sức hút khó cưỡng đối với những đứa trẻ bữa đói, bữa no thời đó.
- 6 đứa, bẻ 3 bắp thôi nhé! Đến tối kiếm củi mà nướng – Thằng Hòa lên tiếng.
Nghe đến đây, nước miếng tôi đã chực trào ra. Vậy là mấy bắp ngô theo chúng tôi lên bờ rồi được đưa vào “căn hầm bí mật” ngay gần đó chờ đến giờ “hành sự”.
Bỗng như chợt nhớ ra điều gì đó. Cả lũ nhìn nhau, không nói câu nào, co chân chạy thục mạng. Ai về nhà nấy.
…
Về đến cổng, tôi và thằng Hòa rón rén bước vào. Ngoại đã cầm sẵn chiếc roi mây đứng trước hiên nhà tự lúc nào. Kế bên là bà Lan – chủ mấy bắp ngô mà chúng tôi vừa bẻ trộm. Thấy bà Lan, tôi và thằng Hòa chột dạ. Đoán được là ngoại đã biết hết mọi chuyện, tôi huých thằng Hòa đi trước, cả hai cúi gằm mặt xuống đất tỏ vẻ rất hối lỗi. Rồi đồng thanh:
- Chúng con chào hai bà ạ!
- Hai đứa nhanh lên chõng nằm cho bà! – Gương mặt của ngoại không một chút biểu cảm.
Nhìn chiếc chõng tre nằm ngay ngắn ở đầu hè, chúng tôi biết chuyện kinh khủng đang sắp diễn ra.
Thời đó, điện chưa về làng, thế nên mỗi tối mùa hè ngoại thường khiêng chõng ra sân để hóng mát. Tôi thích cái cảm giác vừa nằm trên vạt giường tre mát rượi vừa ngắm trăng và nghe ngoại kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Từng câu chuyện của ngoại cứ thế đưa chị em tôi vào những giấc ngủ êm đềm. Nhưng mỗi khi làm ngoại giận, đây cũng là nơi chúng tôi nằm để chịu đòn.
Biết lần này không thể thoát tội. Tôi và thằng Hòa ngoan ngoãn nằm sõng soài lên chiếc chõng. Chiếc roi mây cứ thế quất vào mông chị em tôi. Thằng Hòa lì lợm hơn, nó chỉ cúi đầu nhận lỗi mà không hề khóc. Dù tôi biết là nó cũng rất đau. Nhưng có lẽ, nó muốn tỏ rõ sự mạnh mẽ của một đấng nam nhi. Còn tôi, khóc nức nở, nước mắt, nước mũi tèm nhem, miệng van xin rối rít.
Mỗi khi chiếc roi mây hạ xuống, ngoại lại hỏi chúng tôi:
- Các con có biết mình phạm tội gì không? Có biết tại sao bà lại đánh hai đứa không...?
Bà hỏi rất nhiều, chúng tôi tỏ ra ăn năn, hối lỗi và cùng xin lỗi bà Lan. Đánh xong, ngoại căn dặn đủ điều: Phải nghe lời ông bà, bố mẹ, trung thành, lễ phép… Tôi gật đầu lia lịa, nhưng gật chỉ để tránh trận đòn lúc đó.
Rồi tôi lại vi phạm những lời căn dặn của ngoại nhiều hơn. Vẫn trốn ngủ trưa đi chơi cùng lũ bạn, chành chọe với thằng Hòa hay làm vỡ bát đĩa của bà… Và chiếc roi mây lại làm tôi đau.
Chẳng nhớ rõ, mình đã ăn roi mây của ngoại bao lần vì tội trốn ngủ trưa dang nắng, nhưng chưa bao giờ tôi thấy nuối tiếc vì điều đó. Bởi tắm sông giữa trưa hè là một điều gì đó vô cùng thú vị của lũ trẻ quê ngày ấy. Đó chính là khoảng ký ức êm đềm, hạnh phúc mà tôi không thể nào quên được của một thuở ấu thơ…
Chúng tôi dần lớn lên theo thời gian, rồi lên thành phố đi học, đi làm. Chiếc roi mây của ngoại cũng chẳng còn việc để làm nữa. Nó vẫn bệ vệ đứng ở góc nhà.
Mỗi lần nhìn thấy chiếc roi ấy, tôi như thấy ánh mắt nghiêm khắc mà hiền từ của ngoại đang răn dạy cháu con bằng tất cả tình yêu thương vô hạn trên mỗi bước đường đời.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/truyen-ngan/chiec-roi-may-cua-ngoai/27942.htm