Chiếc tháp bị ngược

Kể từ mùa 2021, bóng đá Việt Nam sẽ không còn ở mô hình chiếc tháp bị ngược sau khi VFF quyết định nâng số đội bóng hạng nhất lên 14, tương đồng với số đội V-League và giải hạng nhì. Như vậy là phải mất đến gần một thập niên, mô hình chiếc tháp ngược... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Kể từ mùa 2021, bóng đá Việt Nam sẽ không còn ở mô hình chiếc tháp bị ngược sau khi VFF quyết định nâng số đội bóng hạng nhất lên 14, tương đồng với số đội V-League và giải hạng nhì.

Việc tăng số đội chỉ là một trong rất nhiều giải pháp cần phải làm để nâng chất lượng của giải hạng Nhất. Ảnh: Trần Tiến

Như vậy là phải mất đến gần một thập niên, mô hình chiếc tháp ngược (số đội cấp trên nhiều hơn bên dưới) mới tạm thời xóa bỏ. Nói tạm thời là bởi, dù đã có thay đổi nhưng trên thực tế bóng đá Việt Nam vẫn chưa đạt đến mô hình hình tháp như đúng chuẩn. Bất kỳ nền bóng đá phát triển nào cũng cần có phần chân đế to, rộng thì mới tính đến chuyện nâng cao đẳng cấp của phần đỉnh. Không phải các nhà quản lý ở Bộ VH, TT và DL hay Liên đoàn bóng đá Việt Nam không biết về sự bất hợp lý, cái không giống ai của “hình tháp ngược”. Vấn đề là cái mô hình ngược ấy vốn chứa đựng nhiều chuyện khó tin.

Một CLB đá ở giải hạng nhất thường chỉ cần khoảng 10%-20% ngân sách của một đội V-League. Thế nhưng chẳng hiểu sao, số đội V-League thì giữ nguyên trong khi ở giải hạng nhất có mùa chỉ còn 7 đội. Có giai đoạn, chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, có đến 4 đội hạng nhì, 2 đội hạng nhất đều thuộc tư nhân nhưng không thể tin là với nhiều địa phương, ngân sách 4-5 tỷ đồng/năm để chi cho đội bóng ở các hạng này lại quá sức?!

Trong khi đó, kể cả khi không muốn thăng hạng V-League vì quá tốn kém, thì việc phát triển CLB ở tầm giải hạng nhất lẽ ra rất cần thiết, có ý nghĩa về mặt phong trào thể thao tỉnh nhà. Bóng đá vẫn là môn phổ biến, dễ thu hút người xem và tập luyện. Thế nhưng, không những không duy trì, nhiều nơi từng có truyền thống như Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Ninh Bình, Lâm Đồng… thậm chí nhiều năm chấp nhận xuống đá ở hạng nhì cho đỡ tốn kém. Điều này dẫn đến mô hình “tháp ngược” khó tin: hàng nghìn đội bóng phủi, hàng trăm đội phong trào, nhưng chỉ có hơn chục đội ở mỗi giải hạng ba, hạng nhì, rồi chỉ vài đội hạng nhất, dù… lại có 14 đội V-League. Tham vọng nâng số đội V-League lên tối đa 16 theo đúng mô hình quốc tế của VFF đã bị phá sản, chỉ vì số CLB ở các hạng bên dưới quá ít.

Nhìn chung, đây là vấn đề mà VFF có muốn cũng chẳng làm được. Theo lẽ thường thì đã “nuôi” được đội V-League hàng chục tỷ đồng/mùa thì duy trì các đội hạng nhất có gì khó. Vậy nhưng, có nhiều đội sau khi bị rớt hạng V-League thì lại chọn con đường “biến mất” thay vì thong thả đá hạng nhất. Từ Kiên Giang, Tiền Giang, Navibank Sài Gòn, Xi Măng Xuân Thành, Thép - Cảng, Vissai Ninh Bình, Khoáng sản Bình Định… Thêm vào đó, hiện vẫn còn đến 28 trong số 64 tỉnh thành ở Việt Nam không hề có đội bóng chính quy nào. Tiêu biểu như Phú Thọ, nơi rất gần Hà Nội, lại có sân bóng đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng không có đội bóng. Hoặc như Hải Dương, Thái Bình, 2 vùng “đất bóng đá” ở phía Bắc. Nếu tập hợp các cầu thủ có quê ở 2 nơi này thì sẽ chiếm đến hơn phân nửa đội tuyển quốc gia hiện tại./.

Theo SGGP

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5088/202004/cau-chuyen-the-thao-chiec-thap-bi-nguoc-2537098/