Chiếc trực thăng lớn nhất mọi thời đại, kỳ quan kỹ thuật Liên Xô

Chiếc trực thăng lớn nhất từng được chế tạo là một thành công về kỹ thuật, nhưng lại thất bại trong thực tế. Liên Xô chế tạo trực thăng V-12 để vận chuyển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Thật không may, vào thời điểm chiếc trực thăng có kích cỡ tương đương một máy bay phản lực sẵn sàng hoạt động, mục đích chính để nó ra đời đã không còn, và V-12 không bao giờ được đưa vào sản xuất.

Liên Xô đã thiết kế trực thăng V-12 để bí mật vận chuyển ICBM của họ đến các căn cứ ở vùng xa. Xét theo hầu hết các tiêu chuẩn, Liên Xô có một mạng lưới đường sắt kém phát triển. Vào cuối những năm 1950 và 1960, khi Liên Xô xây dựng mạng lưới các căn cứ tên lửa hạt nhân, Mỹ tương đối dễ dàng phát hiện ra các căn cứ mới nhờ các tuyến đường sắt mới được xây dựng để hỗ trợ chúng.

Năm 1959, các nhà thiết kế Liên Xô đã đề xuất một loại trực thăng vận tải siêu nặng mới có thể chuyên chở tên lửa hạt nhân tới các căn cứ tên lửa xa xôi hẻo lánh. Sử dụng trực thăng vận sẽ giúp các căn cứ ngụy trang tốt hơn trước các phương tiện trinh sát hình ảnh của Mỹ, đặc biệt là máy bay do thám U-2. Theo Popular Mechanics, ban lãnh đạo Liên Xô đã bật đèn xanh cho dự án trực thăng vào năm 1962 và chuyến bay thử nghiệm thành công đầu tiên diễn ra vào năm 1968.

V-12 không phải là máy bay trực thăng hai cánh quạt đầu tiên (có lẽ đầu tiên là chiếc Focke-Achgelis Fa-223 cổ điển thời Thế chiến II) nhưng có lẽ nó là chiếc trực thăng cánh quạt song song đầu tiên. Chiếc trực thăng dài hơn một chiếc Boeing 737 và chở được nhiều người hơn, sử dụng cánh quạt và động cơ của hai chiếc trực thăng Mi-6 vốn đã rất lớn để đạt được sức nâng gấp đôi.

Trực thăng có thể chở 196 hành khách, hoặc gần 40 tấn hàng hóa. Thùng hàng dài 28,5m, cao và rộng 4,4m, đủ lớn để chở một chiếc xe buýt thành phố một cách dễ dàng. Chiếc trực thăng lớn đến nỗi nó có phi hành đoàn 6 người, bao gồm cả thợ điện riêng.

V-12 ra mắt quốc tế tại Triển lãm Hàng không Paris 1971. NATO, vốn đặt tên mã cho nó là “Homer” (tất cả các máy bay trực thăng của Liên Xô đều được đặt tên mã bắt đầu bằng chữ H), lo ngại rằng nó sẽ được sử dụng như một máy bay vận tải chiến thuật, một loại máy bay có thể chở xe bọc thép để hỗ trợ các cuộc tấn công bằng máy bay trực thăng. Tuy nhiên, sự thật là V-12 đã được phát triển và Liên Xô cuối cùng chỉ chế tạo hai chiếc trong số đó.

Vậy chuyện gì đã xảy ra? Người ta chỉ ra rằng các vệ tinh do thám của Mỹ đến lúc đó có khả năng khảo sát những vùng đất rộng hơn rất nhiều trên lãnh thổ Liên Xô, trong khi đó các ICBM dần trở nên nhẹ hơn đến mức xe tải có thể chở chúng.

Người ta cũng có thể đổ lỗi cho sự ra đời của công nghệ MIRV hoặc nhiều đầu đạn có thể nhắm mục tiêu độc lập. Công nghệ này cho phép một tên lửa đạn đạo duy nhất mang nhiều đầu đạn, làm tăng đáng kể sức mạnh hỏa lực của mỗi tên lửa. Điều này làm giảm nhu cầu về các căn cứ tên lửa cố định và nhu cầu vận tải, chuyên chở chúng bằng đường không.

Chính vì thế, cho dù là một kiệt tác về kỹ thuật, trực thăng V-12 chỉ được sản xuất hai chiếc rồi dừng và không được sử dụng vào việc gì.

Theo Tiền phong

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/khoa-hoc---cong-nghe/chiec-truc-thang-lon-nhat-moi-thoi-dai-ky-quan-ky-thuat-lien-xo-147504