Chiếc xe sáng kiến ở Trung đoàn 923

Thời gian gần đây, Ban Kỹ thuật Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã đưa vào sử dụng hiệu quả chiếc xe nâng tháo lắp bánh chính máy bay Su-30MK2. Chiếc xe được thiết kế, chế tạo bởi chính những người thợ kỹ thuật máy bay của đơn vị.

Do đặc thù công tác, ở các đơn vị không quân tiêm kích mùa bay huấn luyện chủ yếu là những ngày hè thời tiết nắng nóng, cường độ bay nhiều dẫn đến lốp máy bay nhanh bị mòn. Để bảo đảm cho máy bay bay tốt, nhân viên kỹ thuật phải tiến hành kích máy bay lên để tháo bánh chính thay lốp giữa chuyến bay hay sau ban bay. Mỗi lần thao tác như vậy, đội ngũ nhân viên kỹ thuật rất vất vả. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá QNCN Lê Văn Thụ, thợ sửa chữa máy bay động cơ thuộc Phi đội 2, Trung đoàn 923-chủ nhiệm đề tài cho biết: “Do trọng lượng bánh chính nặng, vị trí tháo-lắp khó, nhân viên kỹ thuật Việt Nam lại có vóc dáng thấp, nhỏ và ngày một già hóa nên quá trình thực hiện mất thời gian, tốn công, tốn sức nhân viên kỹ thuật và có thể gây mất an toàn cho cả người cũng như khí tài”.

 Thiếu tá QNCN Lê Văn Thụ giới thiệu về tính năng hoạt động của chiếc xe nâng.

Thiếu tá QNCN Lê Văn Thụ giới thiệu về tính năng hoạt động của chiếc xe nâng.

Theo Thượng tá, phi công cấp 2 Nguyễn Trường Nam-Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 923, để bảo đảm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu cũng như nhiệm vụ huấn luyện bay thường xuyên của đơn vị, ngoài phi công thì đội ngũ kỹ thuật viên là những người hiểu máy bay nhất. Vì vậy, khi nhận thấy những khó khăn của đội ngũ nhân viên kỹ thuật mỗi lần tháo lắp bánh chính máy bay, anh đã gợi ý anh em nghiên cứu tìm xem có thể đưa máy móc vào làm thay không? Nếu chưa có tiền lệ thì thử nghĩ xem mình có tự làm được không?...

Từ gợi ý của đồng chí Chủ nhiệm Chính trị, sau nhiều đêm trăn trở, Thiếu tá QNCN Lê Văn Thụ đã báo cáo thủ trưởng các cấp xin được thực hiện đề tài nghiên cứu một thiết bị nhằm khắc phục những hạn chế gặp phải trong quá trình tháo lắp bánh máy bay. Từ những vật liệu giá rẻ, sẵn có trên thị trường, đồng chí Lê Văn Thụ đã tự mày mò, nghiên cứu, sản xuất thử chiếc xe nâng. Trong thời gian khoảng 3 tháng từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, “hình hài” chiếc xe nâng bánh chính máy bay đã được hoàn thành. Các chi tiết bao gồm: 1 khung chịu lực để đỡ bánh chính, 1 kích thủy lực nâng bánh chính đi lên (xuống), bốn bánh xoay 360° giúp cho nhân viên kỹ thuật di chuyển tháo (lắp) bánh chính dễ dàng.

Xe nâng tháo lắp bánh máy bay Su-30MK2 thế hệ thứ nhất và thứ hai.

Xe nâng tháo lắp bánh máy bay Su-30MK2 thế hệ thứ nhất và thứ hai.

Ngay trong lần hoạt động thử nghiệm đầu tiên, chiếc xe nâng đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra. Quá trình hoàn thiện sản phẩm, anh Thụ luôn có sự tư vấn, chỉ đạo thường xuyên của thủ trưởng trung đoàn, trực tiếp là Ban Kỹ thuật cũng như được các đồng đội hỗ trợ rất nhiều trong việc tìm vật liệu, tháo dỡ, lắp ghép theo thiết kế. Đại úy Nguyễn Văn Minh, Phó phi đội trưởng kỹ thuật Phi đội 2 nhận xét: “Trong một thời gian ngắn, với quyết tâm cao, đồng chí Thụ đã chủ trì hoàn thành một sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Nếu trước đây mỗi khi tháo, lắp bánh chính máy bay chúng tôi phải cần từ 5 đến 6 nhân viên kỹ thuật, nhưng khi sử dụng xe này, chỉ cần 2 nhân viên là có thể hoàn thành mà không phải tốn nhiều công sức; bảo đảm sức khỏe cho nhân viên kỹ thuật, an toàn cho trang thiết bị và máy bay”.

 Các kỹ thuật viên thuần thục vận hành xe nâng tháo lắp bánh máy bay Su-30MK2 tại sân bay.

Các kỹ thuật viên thuần thục vận hành xe nâng tháo lắp bánh máy bay Su-30MK2 tại sân bay.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chiếc xe nâng tháo lắp bánh máy bay Su-30MK2 chế tạo xe đơn giản, gọn, nhẹ chi phí thấp, sử dụng dễ dàng. Chỉ mất khoảng 20 triệu đồng để mua các vật tư cần thiết, những thợ máy của Trung đoàn 923 đã "gò hàn” và làm ra một chiếc xe nâng hoàn chỉnh. Chiếc xe thế hệ thứ nhất đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, từng bước khắc phục các nhược điểm gặp phải. Bằng chuyên môn cùng niềm đam mê sáng tạo của mình, các anh luôn đã tích cực, chủ động tham gia phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng như các phong trào thi đua, cuộc vận động.Chính vì vậy, mặc dù đã hoàn thành đề tài bước một, ứng dụng tốt nhưng không dừng lại ở đó, Thiếu tá QNCN Lê Văn Thụ và các cộng sự vẫn tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp sản phẩm của mình. Được biết trong hơn hai tháng cuối năm 2022, chiếc xe nâng “thế hệ 2” cũng đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng trong quá trình các phi công của Trung đoàn 923 cùng các chuyên gia Nga bay nâng cao đã đáp ứng tốt nhiệm vụ, được các chuyên gia công nhận tính thiết yếu của nó. Từ đây, trải qua một số vòng kiểm tra kỹ thuật, vận hành thực tế, các cấp nghiệm thu, nhất trí đưa chiếc xe vào sử dụng thường xuyên lâu dài.

Trung tuần tháng 1-2023 vừa qua, trực tiếp chứng kiến quá trình vận hành chiếc xe khi có mặt tại ban bay huấn luyện thường xuyên của Trung đoàn 923, chúng tôi không khỏi thán phục tài năng của những người lính kỹ thuật không quân. Mong rằng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều hơn nữa sản phẩm khoa học kỹ thuật mới ra đời từ bàn tay và khối óc của những lính thợ không quân.

Bài và ảnh: TOÀN THỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chiec-xe-sang-kien-o-trung-doan-923-718891