Theo Cục Di sản văn hóa, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm màu sắc Việt. Ảnh: N.Cường
Yên Tử là dãy núi thấp, thuộc hệ thống cánh cung Đông Triều, một vùng địa chất được hình thành từ kỷ Đệ tứ, với các loại đá gốc như sa thạch, sỏi kết sạn và phù sa cổ… Địa hình, địa chất phức tạp của khu vực đã kiến tạo nên các điểm cảnh quan kỳ vĩ, như thác Ngự Dội, thác Vàng, thác Bạc, cổng Trời, đường Tùng, rừng trúc, đỉnh núi Yên Tử… nơi có những kiến trúc cổ truyền như hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ. Ảnh: N.Cường
Trong lịch sử, Yên Tử luôn là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (Lý, Trần, Lê, Nguyễn). Trong ảnh là hệ thống cáp treo tại khu Tây Yên Tử. Ảnh: N.Cường
Khu vực Yên Tử có tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.686ha, trong đó có 1736ha rừng tự nhiên, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng Đông Bắc, nơi còn bảo tồn được nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm... Xen kẽ với thiên nhiên là hệ thống chùa, am, tháp… Ảnh: N.Cường
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc liền khối bằng đồng nguyên chất. Tượng đúc ngồi trên bệ được làm bằng bê tông cốt thép ốp đá điêu khắc cao 2,7m, phần đài sen và tượng cao 9,9m. Tổng thể tượng cao 12,6m, trọng lượng nặng 138 tấn. Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được dựng trên khu đất rộng 2.200m2, có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Ảnh: N.Cường
Chùa Đồng nằm trên đỉnh cao nhất của núi Yên Tử, được đúc từ chất liệu đồng. Mặt bằng kiến trúc của chùa dạng chữ Nhất, kết cấu vững chắc, được đặt trên sập đồng, dạng chân quỳ, dạ cá. Dáng chùa như một bông hoa sen nở, ngự trên sập đồng. Ảnh: Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử
Chùa Đồng được trùng tu năm 2006 và khánh thành ngày 12 tháng 12 năm Bính Tuất (30/1/2007), được đúc bằng đồng nguyên chất nặng trên 70 tấn, chiều dài 4,6m, chiều rộng 3,6m, chiều cao 3,35m, hình dáng Chùa như một Đài sen, trong Chùa thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam Tổ Trúc Lâm. Đây là một công trình kiến trúc văn hóa Phật giáo độc đáo và lớn nhất Đông Nam Á được làm hoàn toàn bằng chất liệu đồng. Ảnh: N.Cường
Chùa quay hướng Tây Nam, diện tích khoảng 20m2, chiều cao từ mặt nền đến mái là 3,35m. Chùa được làm thành khối vuông bốn mái, lợp ngói mũi hài, bờ nóc và bờ giải không trang trí, hai đầu bờ nóc cùng bốn đầu đao là hình đầu rồng. Ảnh: N.Cường
Hằng năm, vào dịp đầu xuân năm mới, du khách thập phương khắp mọi miền đất nước đều mong muốn hành hương về Yên Tử để chiêm bái chùa Đồng, tìm về cõi Phật, tìm về chính mình. Ảnh: N.Cường
Hành trình leo Yên Tử và lên chùa Đồng tương đối khó khăn nhưng vẫn có nhiều người lựa chọn để vừa thử sức, vừa ngắm cảnh đẹp của núi rừng Đông Bắc. Ảnh: N.Cường
Chị Trịnh Thị Thu, 38 tuổi, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội - du khách hành hương tới chùa Đồng, chia sẻ: Đến đỉnh Yên Sơn, đứng cạnh chùa Đồng, tâm hồn tôi trở nên thanh tịnh, như giao hòa cùng đất trời, quên đi mọi lo toan của cuộc sống. Nơi đây không khí trong lành, thoảng hương dịu mát của cỏ cây hoa lá. Tuy rất đông người đến đây, việc đi chuyển khó khăn nhưng mọi người đều đi lại theo hàng lối, không chen lấn, xô đẩy và không có hiện tượng xả rác bừa bãi. Ảnh: N.Cường
Trước đây, để lên chùa Đồng chỉ có cách duy nhất là đi bộ, phải vượt qua hàng nghìn bậc đá, đường rừng núi trên quãng đường dài khoảng 6km để lên đỉnh Yên Sơn. Ảnh: N.Cường
Những năm gần đây, Ban quản lý khu danh thắng Yên Tử đã đưa vào sử dụng cáp treo giúp du khách thập phương dễ dàng chinh phục chùa Đồng. Ảnh: N.Cường
Mặc dù có cáp treo, nhưng quãng đường đi bộ để lên tới chùa Đồng tương đối dài và treo leo, với những bậc đá gập ghềnh, khá nguy hiểm nên các gia đình không nên cho trẻ nhỏ đi cùng để tránh rủi ro... - chị Trịnh Thị Thu chia sẻ thêm. Ảnh: N.Cường
Vượt qua muôn trùng thử thách khi đặt chân tới chùa Đồng, du khách thập phương đều thành kính tỏ lòng hướng Phật, cầu mong bình an trong năm mới. Ảnh: N.Cường
Những giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt của khu di tích đã đưa Yên Tử trở thành một chốn thiêng trong đời sống tinh thần của người Việt. Để khẳng định giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết đinh số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012). Trong ảnh là cổng Chùa Hạ tại khu di tích danh thắng Tây Yên Tử. Ảnh: N.Cường
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các tỉnh lập hồ sơ khoa học đệ trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận Di sản văn hóa thế giới, được kỳ vọng sẽ là di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Wikipedia
Đây là hệ thống hơn 70 điểm di tích, được cấu thành từ 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). Hình ảnh du khách di chuyển đến cáp treo khu di tích danh thắng Tây Yên Tử. Ảnh: N.Cường
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, khu di tích danh thắng Tây Yên Tử thuộc thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Công trình được xây dựng năm 2014 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Ảnh: N.Cường
Nơi đây có tổng diện tích 13,8 ha, bao gồm 4 cụm chùa độc lập: chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang), chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy), các điểm chùa có độ cao từ 145m đến gần 1.000m, kết nối với chùa Đồng, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử. Ảnh: N.Cường
Chùa Hạ tại khu di tích danh thắng Tây Yên Tử. Ảnh: N.Cường
Năm nay, Lễ hội Xuân Yên Tử 2023 sẽ được mở trở lại sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lễ khai hội vào ngày 10 tháng Giêng như thường lệ, được tổ chức tại Trung tâm tổ chức lễ hội - Cung Trúc Lâm trên Yên Tử.
Phần lễ khai hội năm nay gồm các hoạt động rước kiệu, dâng lễ, với các nghi lễ tâm linh như: Gióng trống, thỉnh chuông, lễ chúc phúc đầu năm, lễ cầu Quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử...
Phần hội năm nay hứa hẹn nhiều hoạt động đặc sắc như: Đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, Yên Tử; trưng bày tranh, ảnh về vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử; văn hóa Ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử…
Lễ hội Xuân Yên Tử là một trong những lễ hội Xuân lớn nhất và kéo dài nhất cả nước, khoảng 3 tháng.
N.Cường