Chiêm bái danh thắng Hàn Sơn
Cách khu Di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu không xa, cụm di tích thắng cảnh Hàn Sơn tọa lạc trên địa bàn thôn Phong Mục, xã Triệu Lộc, bên bờ sông Lèn (xưa kia còn có tên là sông Lâu) nằm lọt vào nơi 'sông núi giao nhau' và được người xưa ngợi ca là 'Cõi linh thiêng của trời đất'. Có lẽ bởi vậy, từ xa xưa ở vùng đất này đã xuất hiện hệ thống điện thờ với 'đậm đặc' các di tích thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Đền Mẫu thuộc cụm di tích danh thắng Hàn Sơn.
Theo người dân địa phương, “Hàn” là vực, “Sơn” là núi và được giải thích: ở khu vực này, sông Lèn được tách ra từ sông Mã, khi chảy qua hệ thống đá ngầm ở dưới chân núi, dòng sông trở nên hung dữ, xoáy xiết, tạo nên cảnh sắc vừa hùng vĩ song cũng không kém hiểm nguy. Xưa kia nơi đây thường xảy ra xói lở, ảnh hưởng đến thuyền, bè qua lại. Vì thế, vừa là chốn dừng chân, chiêm ngắm cảnh đẹp núi sông, song cụm thắng tích Hàn Sơn cũng là nơi người dân, du khách qua đây gửi gắm ước vọng, cầu mong được thần linh phù trợ, chở che để vượt qua mọi khó khăn, bất trắc.
Về Hàn Sơn, du khách không chỉ say lòng trước cảnh sắc thiên nhiên mà còn gửi gắm niềm tin, ước vọng được phù trợ, chở che.
Cùng với đó, dân gian địa phương cũng lưu truyền chuyện kể: Vào thời Lê, Mẫu Đệ Tam (còn gọi là Mẫu Thoải - cai quản thủy phủ) đã được triều đình cử đến đây dẹp giặc. Chính Mẫu đã hỗ trợ đắc lực cho đức ông Lê Can Thành đánh tan quân giặc, bằng cách làm đắm thuyền tre ở khu vực sông Lèn giao với sông Mã, khiến thuyền giặc qua đây bị mắc kẹt. Từ đó, ở vị trí “nhị sơn hạ thủy” quân ta đã tấn công khiến kẻ thù không kịp trở tay. Tưởng nhớ công ơn Mẫu Đệ Tam, người dân làng Phong Mục đã lập đền thờ phụng, tôn kính.
Tấm bia đá cổ với những tư liệu quý đang được lưu giữ bên trong khuôn viên đền Mẫu
Thắng tích Hàn Sơn bao gồm nhiều di tích thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu như đền Mẫu; đền Quan Giám Sát; đền Cô Tám; đền Cô Đôi.
Cụm di tích thắng cảnh Hàn Sơn được tôn tạo từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Trong đó, cũng như nhiều di tích thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu, đền Mẫu (còn gọi là đền Phong Mục) với thượng điện thờ Tam tòa thánh Mẫu (Thánh Mẫu Liễu Hạnh ngồi giữa (áo đỏ); bên hữu là Mẫu Thoải (áo trắng); bên tả (áo xanh) là Mẫu Thượng Ngàn); cùng với đó là các ban thờ Ngọc Hoàng; Nam Tào; Bắc Đẩu…
Đền Quan Giám Sát là nơi thờ tứ phủ ông Hoàng (còn gọi là Quan Hoàng). Tương truyền, xưa kia khi Mẫu đánh trận có sự trợ giúp đắc lực của các vị Quan Hoàng.
Đền Quan Giám sát (Quan Hoàng) thuộc cụm di tích Hàn Sơn.
Với du khách khi về thắng tích Hàn Sơn sao có thể không nghe, không biết đến danh thơm “Cô Tám đồi chè”. Chuyện kể rằng, Cô Tám giáng sinh ở vùng Phong Mục. Sinh thời, Cô Tám vẫn thường lặn lội núi cao, rừng thẳm hái thuốc, hái chè xanh chữa bệnh cho dân lành. Cô có công trong việc giúp vua Lê đánh giặc ngoại xâm. Khi thác, Cô Tám được vua phong công, cho dân làng lập đền thờ ở ngay Phong Mục. Đến nay, ở Phong Mục vẫn còn bạt ngàn những đồi, vườn chè lâu năm. Người ta nói, khi về Phong Mục, không thể không nhấp ngụm nước chè xanh và cũng đừng vội dời chân đi nếu chưa mua bó lá chè xanh làm quà. Bởi chè được trồng ở nơi đây, vẫn ngon nức tiếng.
Thăm thắng cảnh Hàn Sơn, du khách vẫn thường tìm mua bó lá chè xanh được trồng tại đây để mang về làm quà.
Khác với Cô Tám đồi chè, đền Cô Đôi lại gắn liền truyền thuyết: Khi xưa, có hai người con gái tuổi mới đôi mươi, vì hoàn cảnh éo le nên đã không quản xa xôi tìm đến Phong Mục để cầu Thánh Mẫu giúp đỡ. Nhưng khi qua sông, chẳng may gặp dòng nước dữ nên đã thác nơi đây. Cảm động trước tấm chân tình của hai cô gái trẻ, Nhân dân trong làng đã lập đền thờ bên bờ sông, cách đền Mẫu khoảng hơn 1 km.
Nằm trong cụm di tích Hàn Sơn, đền Cô Đôi cách đền Mẫu khoảng 1 km.
Trải qua thời gian, các di tích thuộc thắng tích Hàn Sơn phần lớn chỉ còn là phế tích, được Nhân dân địa phương và du khách xa gần đóng góp để tôn tạo nên diện mạo mới khang trang.
Dạo bước về Phong Mục hôm nay, trong cảnh sắc thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, giữa thế núi, dáng sông thiên tạo, cụm di tích danh thắng Hàn Sơn như một điểm nhấn văn hóa nhiều giá trị. Ta thầm cảm ơn tiền nhân, trong những thăng hoa sáng tạo, chắt chiu giữ gìn đã để lại cho hậu thế những giá trị văn hóa - tâm linh - tinh thần vô cùng quý giá. Đó là “điểm tựa” để hậu thế tiếp tục phát huy truyền thống, nét đẹp văn hóa Việt.