Chiếm đoạt tiền công chở 'xe ôm' là phạm tội cướp tài sản

Nguyễn Hoàng Th (SN 1990) và Vương Tuấn K (SN 1992) rủ nhau đi nhậu. Nhậu xong do trời đã khuya nên cả hai gọi anh Đinh Thành T (là người chạy 'xe ôm') ở gần đó chở về. Khi hỏi giá, anh T đòi số tiền công là 100.000đ. Tiếc tiền nên Th và K không đồng ý và bỏ đi. Tuy nhiên, mới đi được một đoạn Th và K cùng bàn bạc với nhau vẫn thuê anh T chở, nhưng khi về gần đến nhà sẽ kiếm cớ gây sự để anh T không dám lấy tiền và sẽ dùng số tiền đó tiếp tục mua rượu về nhậu.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Thống nhất xong, Th và K gọi anh T lại và nói đồng ý với giá cả anh đã đưa ra. Khi về gần đến nơi, Th và K yêu cầu anh T dừng xe. Sau đó Th lột chiếc mũ bảo hiểm đang đội đánh liên tiếp vào đầu anh T. Do vẫn còn đang đội mũ bảo hiểm nên anh T không bị thương tích gì. Thấy chiếc mũ bảo hiểm đã bị vỡ mà anh T vẫn chưa chịu chạy, Th chạy đến hàng rào ở gần đó nhổ một khúc cây và nói “Đập chết nó đi”.

Anh T hoảng sợ, chỉ kịp giật lấy chiếc chìa khóa xe rồi tháo chạy bỏ lại xe máy lại hiện trường. Thấy vậy, Th và K cũng bỏ đi mua rượu về nhậu tiếp. Tuy nhiên, Th nảy sinh ý định lấy luôn chiếc xe của anh T mang về gỡ đồ ra bán nên đã rủ K cùng thực hiện và được K đồng ý. Cả 2 đưa xe vào nhà rồi dỡ yên để lấy các loại giấy tờ mang đi cất giấu. Anh T sau đó đã trình báo cơ quan công an và Th cùng K đã bị bắt giữ.

Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là hành vi của Nguyễn Hoàng Th và Vương Tuấn K đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội trộm cắp tài sản

Theo tôi, trong vụ việc này hành vi của Nguyễn Hoàng Th và Vương Tuấn K chiếm đoạt chiếc xe máy của anh Đinh Thành T đã cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015. Theo quy định của pháp luật, một trong các biểu hiện của tội phạm trộm cắp là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Do thời điểm các đối tượng này chiếm đoạt chiếc xe máy của anh T thì chủ sở hữu, tức người quản lý chiếc xe mô tô không có mặt tại đó nên có thể coi các đối tượng này đã có hành vi lén lút chiếm đoạt chiếc xe.

Về hành vi chiếm đoạt số tiền công 100.000 đồng của anh T, tôi cho rằng số tiền công đi “xe ôm” do Th và K vẫn đang nắm giữ, chưa thuộc quyền quản lý của anh T, tức là chưa phải là tài sản của anh T. Vì vậy không hội tụ đủ yếu tố về mặt khách quan của tội cướp tài sản (tài sản bị cướp phải là của người khác).

Bùi Văn Tuấn (TP Móng Cái - Quảng Ninh)

Công nhiên chiếm đoạt tài sản

Theo sự thỏa thuận giữa anh Đinh Thành T với Nguyễn Hoàng Th và Vương Tuấn K thì số tiền công 100.000 đồng sẽ thuộc về anh T khi anh chở Th và K về nhà. Sau đó, Th và K dùng vũ lực tấn công anh T làm cho anh sợ hãi phải bỏ chạy, không lấy được tiền công. Tuy nhiên, do số tiền này không lớn nên theo tôi hành vi của Th và K mặc dù có yếu tố chiếm đoạt tài sản xong chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm về tội cướp tài sản. Còn với hành vi quay lại đưa xe máy của anh T về nhà khi anh T đã bỏ chạy thì đã phạm vào tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015.

Nguyễn Thúy Hà (Cam Lâm - Nha Trang)

Hành vi chiếm đoạt xe máy là cướp tài sản

Tôi cho rằng trong vụ việc này, Nguyễn Hoàng Th và Vương Tuấn K đã có hành vi ngang nhiên chiếm đoạt tài sản là chiếc xe máy của chủ sở hữu là anh Đinh Thành T một cách bất hợp pháp (không có sự đồng ý của anh T) nên đã cấu thành tội cướp tài sản. Hành vi cướp tài sản diễn ra sau khi Th và K đã dùng vũ lực (lấy mũ bảo hiểm để đánh) và đe dọa dùng vũ lực (chạy đến hàng rào ở gần đó nhổ một khúc cây và nói “Đập chết nó đi”) làm cho anh T lâm vào tình trạng hoảng sợ và đã phải bỏ chạy rồi chiếm đoạt tài sản của anh T. Trên cơ sở này có thể thấy hành vi của Th và K đã có đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015.

Hoàng Diệu Thúy Quỳnh (Tân Bình - TP.HCM)

Bình luận của luật sư

Theo chúng tôi, một điều đáng lưu ý ở vụ việc này đó là cả 2 đối tượng thực hiện 2 hành vi liên tục trong cùng một thời điểm, nhưng có sự ngắt quãng về mặt thời gian và ý thức chủ quan. Chính vì điều này làm cho vụ việc có 2 giai đoạn khác nhau với những hành vi phạm tội khác nhau. Cụ thể: Giai đoạn đầu tiên với mục đích chiếm đoạt số tiền công của anh Đinh Thành T nên cả Nguyễn Hoàng Th và Vương Tuấn K đã bàn bạc, lên kế hoạch và cùng nhau thực hiện. Giai đoạn này bắt đầu từ thời điểm cả 2 thuê anh T chở về nhà đến thời điểm Th dùng vũ lực để tấn công anh T làm anh phải bỏ chạy.

Tiếp theo đó đến giai đoạn thứ hai, sau khi gây án xong cả 2 rời khỏi hiện trường bỏ lại chiếc xe của anh T rồi cùng nhau đi mua đồ để về nhà nhậu tiếp. Trong khi chờ đợi nhậu, cả 2 lại tiếp tục bàn bạc, lên kế hoạch để thực hiện tiếp hành vi phạm tội mới, đó là chiếm đoạt chiếc xe anh T. Trong 2 giai đoạn, cả Th và K đã thực hiện 2 hành vi phạm tội khác nhau, đều có sự bàn bạc, lên kế hoạch, có thời điểm bắt đầu và kết thúc sau khi đã đạt được mục đích của mình.

Trong giai đoạn thứ nhất, qua nghiên cứu các tình tiết nội dung vụ án, theo chúng tôi có cơ sở để khẳng định hành vi của Th và K đã phạm vào tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015. Theo sự thỏa thuận (hợp đồng bằng hình thức lời nói hay hợp đồng miệng) giữa Th và K với anh T, anh T sẽ chở cả 2 về nhà với số tiền công là 100.000đ. Đây là một loại hợp đồng dân sự hợp pháp, không trái với các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, khi thỏa thuận thì Th và K đã có ý định sẽ không thực hiện nghĩa vụ của mình là trả cho anh T số tiền công 100.000đ, mà còn tìm cách chiếm đoạt số tiền công đó. Điều này thể hiện ở chỗ, cả 2 cùng bàn bạc với nhau là khi về gần đến nhà sẽ kiếm cớ gây sự để anh T không dám lấy tiền và sẽ dùng số tiền đó tiếp tục mua rượu về nhậu. Với ý định này, khi đi gần đến nơi cả 2 yêu cầu anh T dừng xe, Th đã dùng chiếc mũ bảo hiểm đang đội để đánh anh T, tiếp đó Th còn nhổ một khúc cây và nói “Đập chết nó đi”.

Ở đây mặc dù số tiền công (tài sản) mà Th và K phải trả chưa được chuyển giao cho anh T (là số tiền mà lẽ ra anh T được hưởng, thuộc về anh) nhưng cả 2 đã có hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt số tiền đó và từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình. Điều này xuất phát từ sự bàn bạc, lên kế hoạch, chủ ý của cả 2 từ trước cộng với hành vi sử dụng vũ lực thể hiện sự hung hãn, coi thường pháp luật, tính mạng sức khỏe của người khác để thực hiện bằng được mục đích của mình.

Do đó, hành vi này của Th và K đã đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự. Do mức hình phạt để định tội với tội danh Cướp tài sản không phụ thuộc vào giá trị tài sản bị cướp mà phụ thuộc vào hành vi cướp có xảy ra hay không. Do đó, mặc dù số tiền chỉ có 100.000 đồng nhưng do các đối tượng này đã thực hiện hành vi cướp, do đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản theo quy định.

Trong giai đoạn thứ hai của vụ việc, Th và K đưa xe máy của anh T vào nhà với mục đích sẽ gỡ đồ ra bán, theo chúng tôi hành vi này đã phạm vào tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015. Bởi lẽ, sau khi đạt được mục đích chiếm đoạt số tiền công của anh T, buộc anh T phải bỏ chạy và để lại chiếc xe máy, Th và K đã nảy sinh ý định lấy luôn chiếc xe.

Như đã phân tích ở trên, chúng ta đều thấy việc sử dụng vũ lực đối với anh T là để nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền công chứ không nhằm mục đích chiếm đoạt chiếc xe máy, bởi vậy sau khi buộc anh T phải bỏ chạy thì cả 2 cũng bỏ đi mua rượu về nhậu tiếp và không lấy chiếc xe trên. Sau đó Th và K mới nảy sinh ý định và cùng nhau bàn bạc để lấy chiếc xe của anh T đưa về nhà cất giấu. Như vậy, việc chiếm đoạt chiếc xe chỉ nảy sinh khi chủ sở hữu bỏ chạy để lại tài sản, còn người thực hiện hành vi đó đã rời khỏi khu vực nơi để chiếc xe, rồi sau đó mới bàn bạc, quay lại chiếm đoạt chiếc xe.

Trước đó, cả Th và K cũng chỉ bàn bạc, lên kế hoạch để chiếm đoạt số tiền công của anh T chứ không hề có ý định chiếm đoạt chiếc xe trên. Do đó hành vi quay lại chiếm đoạt chiếc xe máy không thể cấu thành tội cướp tài sản vì không đúng với ý thức chủ quan của người phạm tội. Ở đây, hành vi của Th và K chỉ là lợi dụng sự sơ hở, vướng mắc của chủ sở hữu tài sản (là việc anh T phải bỏ chạy tránh bị tấn công) để chiếm đoạt chiếc xe. Hành vi này phù hợp với yếu tố cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)

ANTĐ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/chiem-doat-tien-cong-cho-xe-om-la-pham-toi-cuop-tai-san/820221.antd