Chiêm Hóa chống dịch và duy trì lao động sản xuất, kinh doanh
Chịu tác động bởi dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân huyện Chiêm Hóa gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, người dân, doanh nghiệp huyện Chiêm Hóa đã vững tâm chống dịch và tiếp tục thi đua lao động sản xuất.
Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, vụ xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy 3.948 ha lúa, hơn 1.650 ha ngô, gần 2.000 lạc và hơn 30 ha cây rau đậu các loại. Hiện nay một số loại cây ngắn ngày đã vào vụ thu hoạch như dưa lê, dưa bở, dưa chuột, dưa hấu, ngô sinh khối, đỗ, lạc… Trong quá trình lao động sản xuất, người dân địa phương đã tuân thủ nghiêm các quy định theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Mặc dù trên địa bàn xã đã có người nhiễm Covid-19 nhưng bà Nguyễn Thị Tâm, thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên vẫn cần mẫn bám ruộng để thu hoạch hơn 2.000m2 dưa lê, dưa bở đang chín rộ. Vụ này gia đình bà thu hoạch hơn 2 tấn dưa lê, dưa bở. Khi ra đồng thu hoạch hoa màu, bà cũng như các nông dân khác đều đeo khẩu trang, không tụ tập đông người. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thương lái không đến thu mua nông sản như mọi năm nên gia đình bà cùng nhiều hộ dân khác khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Mặc dù giá đã giảm một nửa so với trước nhưng nông sản sau thu hoạch vẫn khó tiêu thụ. Bà Tâm chia sẻ: “Dịch bệnh không biết đến lúc nào mới hết nhưng công việc của nông dân không thể dừng lại được. Chính vì thế, chúng tôi vẫn tranh thủ ra đồng thu hoạch nông sản sau nhiều tháng vun xới, chăm sóc”.
Ông Cầm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên cho biết, đối với 2 thôn đang thực hiện cách ly, hạn chế đi lại, huyện đã thống nhất phương án những người dân trong vùng cách ly nếu không thuộc diện tiếp xúc F1, F2 sẽ vẫn được lao động sản xuất bình thường, hàng hóa nông sản sau thu hoạch vẫn được lưu thông ra bên ngoài thông qua các chốt kiểm soát dịch bệnh. Đối với các hộ trong diện tiếp xúc gần F2 không đươc ra khỏi nhà, xã sẽ vận động các tổ chức hội giúp đỡ thu hoạch nông sản mang ra ngoài tiêu thụ
Thời điểm này, cánh đồng lúa trên địa bàn xã Minh Quang đã chín. Vì thế, dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng bà con nông dân vẫn ra đồng thu hoạch. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, khi ra đồng, bà con đều tuân thủ các khuyến cáo của Chính phủ, Bộ Y tế, đeo khẩu trang, không tập trung đông người. Thay vì đổi công nhau gặt lúa người dân xã thuê máy gặt đập liên hợp hạn chế tụ tập đông người.
Tại Agribank Chiêm Hóa, hàng ngày có khoảng 300 lượt khách hàng và các tổ chức, cá nhân đến làm việc và giao dịch. Để phòng chống dịch bệnh, đơn vị đã bố trí người thực hiện đo thân nhiệt cho tất cả khách hàng, nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn tại khu vực cửa ra vào. Ngoài khai báo y tế trực tiếp, đơn vị còn triển khai thêm khai báo y tế điện tử QR-code, tạo sự yên tâm cho người dân và khách hàng đến giao dịch.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Agribank Chiêm Hóa cho biết, cán bộ, nhân viên của Agribank phải đeo khẩu trang và găng tay cao su khi làm việc, tiếp xúc với khách hàng, khi đến cơ quan phải khai báo y tế qua phần mềm QR-Code, đồng thời tiến hành đo thân nhiệt mỗi ngày 2 lần vào đầu giờ làm việc buổi sáng và đầu giờ làm việc buổi chiều. Đơn vị thực hiện việc bố trí nhân viên giao dịch nghỉ luân phiên; thường xuyên vệ sinh khử khuẩn, trang bị đầy đủ cồn sát khẩn tại các cây ATM. Ngoài thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch, vừa qua Agribank Chiêm Hóa đã ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19 huyện Chiêm Hóa 50 tiệu đồng để huyện có điều kiện phòng dịch hiệu quả hơn.
Sự vững tâm phòng dịch và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh là chủ trương của huyện đã được nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn hưởng ứng và thực hiện hiệu quả. Hiện huyện đã triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, bảo đảm không để nông sản tồn ứ, tạo yên tâm cho người dân.