Chiêm Hóa phát triển chăn nuôi lợn đen

Cùng với phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa, những năm gần đây, huyện Chiêm Hóa đẩy mạnh chăn nuôi lợn đen ở các xã vùng cao, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hùng Mỹ là xã vùng cao của Chiêm Hóa, đất nông nghiệp không nhiều, phân tán nên người dân nơi đây tập trung chăn nuôi gia súc, đặc biệt chăn nuôi lợn đen với tổng đàn hơn 1.000 con. Cuộc sống của người dân thôn Cao Bình trước đây gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, từ việc phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Đồng chí Lý Tiến Thắng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cao Bình cho biết, phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương. Lợn đen chống chịu tốt với thời tiết giá lạnh, dịch bệnh; chất lượng thịt ngon nên khách hàng rất ưa chuộng. Khác với cách nuôi chăn thả trước kia, nhờ tham gia các lớp tập huấn, người dân đã làm chuồng trại quy củ, vệ sinh sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn. Thôn có 76 hộ thì có đến 70 hộ chăn nuôi lợn đen, hộ nuôi ít thì 2 - 3 con, hộ nhiều từ 10 - 40 con. Tổng đàn lợn đen của thôn là 270 con. Giá thịt lợn đen khoảng 100.000 - 150.000 đồng/kg, nhờ đó nhiều hộ từ chăn nuôi lợn đã thoát nghèo, điển hình như gia đình anh Ma Văn Quân. Hiện thôn chỉ còn 29 hộ nghèo, giảm 11 hộ so với năm 2019.

Hộ anh Lý Tiến Thắng (bên trái), thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ chăn nuôi lợn đen thương phẩm.

Hộ anh Lý Tiến Thắng (bên trái), thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ chăn nuôi lợn đen thương phẩm.

Anh Quan Văn Tưởng, thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ nuôi lợn đen bản địa từ nhiều năm nay. Anh Tưởng cho biết, hàng năm, gia đình nuôi 3 con lợn nái và 30 con lợn thịt. Gia đình xây trụ quây lưới thép 400 m2 chăn nuôi lợn theo hướng bán chăn thả. Thông thường lợn đen sẽ được gia đình nuôi từ 8 tháng đến 1 năm, lợn chủ yếu xuất bán vào dịp cuối năm, giáp Tết Nguyên đán. Từ chăn nuôi lợn đen, mỗi năm gia đình anh thu lãi gần 80 triệu đồng. Theo anh Tưởng, muốn nuôi lợn đen hiệu quả cần chú ý lựa chọn những con giống có đầu nhỏ, lưng thẳng, ngực sâu, hông to, lông mượt, nhanh nhẹn và đặc biệt là phải được tiêm phòng đầy đủ. Thức ăn chủ yếu của lợn là rau, cỏ rừng, chuối. Có thể nấu thêm ngô để cho ăn từ 1 - 2 bữa/ngày. Ngoài ra, cần vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ để hạn chế dịch bệnh. Lợn đen thịt chắc, thơm ngon, ăn thịt mỡ giòn không bị ngấy như lợn trắng, vì vậy lợn đen luôn được khách hàng quen thuộc đặt mua ngay từ đầu năm.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa, chăn nuôi lợn đen chủ yếu tập trung tại các xã vùng cao của huyện như Minh Quang, Phúc Sơn, Hùng Mỹ, Tân Mỹ, Kiên Đài… Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra mục tiêu phát triển chăn nuôi lợn đen trở thành hàng hóa mang lại thu nhập cho người dân. Để thực hiện được mục tiêu này, huyện tiếp tục tuyên truyền người dân đảm bảo công tác vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch tả lợn châu Phi, tăng số lượng lợn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế. Những năm gần đây, từ các Chương trình 30a, 135, huyện tập trung hỗ trợ giống lợn đen; mở các lớp tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ cho người dân, góp phần cải thiện đàn lợn nái, nâng cao chất lượng đàn lợn đen. Hiện tổng đàn lợn đen của huyện Chiêm Hóa vào khoảng gần 10.000 con.

Đồng chí Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định, lợn đen là một trong những giống lợn có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với nhiều điều kiện sống. Tỉnh khuyến khích người dân tự nhân giống lợn đen bản địa phát triển chăn nuôi quy mô lớn, bảo đảm lợn đen trở thành hàng hóa chủ lực của địa phương.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/chiem-hoa-phat-trien-chan-nuoi-lon-den-139186.html